Tìm kiếm
Thứ Năm, 25/04/2024 09:41

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Chỉ là khúc dạo đầu

16:32:00 30/07/2018

[Người Đô Thị - 30/7/2018 - TS. Phạm Sỹ Thành] Chỉ trong vòng 3 tháng (23.3 đến 25.6) những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã leo thang chóng vánh và trở thành một trong những quan tâm của nhiều quốc gia. Cụm từ “chiến tranh thương mại” đã được khai thác tối đa, nhưng tôi cho rằng, đằng sau vấn đề thương mại ấy là một cuộc đua khốc liệt hơn nhiều. Và đó là cuộc đua để thắng trong tương lai dựa trên nền tảng công nghệ cao.

Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh

Trong 5 tháng đầu năm 2018, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ chỉ đạt 1,8 tỷ USD (giảm tới 92% so với năm ngoái) và ở mức thấp nhất trong 7 năm qua. Các công ty Trung Quốc cũng đã phải bán 9,6 tỷ USD tài sản ở Mỹ trong cùng thời gian. Trên thực tế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh từ năm 2017. Năm 2016, đầu tư Trung Quốc lên cao kỷ lục 46,5 tỷ USD, nhưng năm 2017 đã giảm gần 1/3 còn 29,7 tỷ USD. Làn sóng giảm đầu tư trùng với thời điểm Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Điều này không chỉ phản ánh lo ngại của nhà đầu tư Trung Quốc, cũng không chỉ đơn thuần do Trung Quốc hạn chế hoạt động đầu tư ra nước ngoài (bắt đầu từ năm 2016) để ngăn chảy máu ngoại tệ, mà còn cho thấy Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã rất mạnh tay trong các hoạt động giám sát luồng vốn Trung Quốc.

Vai trò của CFIUS trong bảo vệ sức cạnh tranh của nước Mỹ

Là một uỷ ban thuộc Bộ Tài chính, trực tiếp dưới quyền quản lý của bộ trưởng, CFIUS được thành lập từ thời Tổng thống Reagan nhưng hoạt động của CFIUS đã tích cực một cách rõ rệt dưới thời Tổng thống Trump. CFIUS không công khai các thương vụ đầu tư về điều tra liên quan đến an ninh quốc gia nhưng nếu lần theo các hoạt động của ủy ban này có thể thấy CFIUS đã dành rất nhiều sự chú trọng cho hai nhóm thỏa thuận: những thương vụ can dự vào các sản phẩm kỹ thuật công nghệ nào đó - như bán dẫn, và tất cả những thương vụ có liên quan đến nhà đầu tư Trung Quốc.

Đằng sau căng thẳng thương mại là việc Mỹ lo lắng Trung Quốc cạnh tranh trong các ngành công nghệ cao với Mỹ ở tương lai gần. Ảnh: TL

Chính phủ Mỹ đã nhìn nhận các lĩnh vực công nghệ cao là nơi Mỹ cần dẫn đầu để chống lại các “tay chơi” nước ngoài xấu tính. Trong báo cáo An ninh chiến lược quốc gia (Mỹ) 2018, Trung Quốc thậm chí còn trở thành “mối đe dọa lớn nhất”. Vì vậy, nếu cách đây 10 năm không có trường hợp nào bị CFIUS xử lý liên quan đến Trung Quốc, thì trong năm 2016 - 2017 số vụ đầu tư bị yêu cầu ngừng giao dịch liên quan đến Trung Quốc chiếm tới 25% số vụ CFIUS thụ lý.

Trên sân nhà, để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp Mỹ, CFIUS đã được trao nhiều quyền hạn hơn để mở rộng hoạt động ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ trên đất Mỹ. Nhưng trên đất Trung Quốc, bằng nhiều cách, chính phủ Trung Quốc đã khiến các công ty Mỹ mất đi lợi thế. Năm 2017, chính Tổng thống Trump ký sắc lệnh để đại diện thương mại Mỹ tại Trung Quốc thu thập các bằng chứng về việc Trung Quốc vi phạm sở hữu trí tuệ và gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ. Một báo cáo cho biết thiệt hại mà Mỹ phải chịu khi sở hữu trí tuệ bị Trung Quốc vi phạm là 600 tỷ USD/năm. Hôm 15.6, một quan chức chính phủ Mỹ nói rằng Mỹ muốn Trung Quốc tiến hành các thay đổi cấu trúc trong chính sách công nghệ, phải dừng bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác liên doanh của Trung Quốc.

Chính sách ngành (industrial policy) của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình được đánh giá là giàu tham vọng hơn, muốn các doanh nghiệp Trung Quốc chi phối tất cả các công nghệ tiên tiến trong tương lai, với quy mô các khoản đầu tư và số lượng sáng chế/phát minh đều tăng mạnh, chính sách ngành được điều phối mang tính chiến lược hơn trước và Trung Quốc không ngừng nỗ lực để đưa quá trình toàn cầu hóa phục vụ chính sách ngành trong nước. Mặc dù Trung Quốc có những nỗ lực làm giảm sự tổn hại hệ thống luật toàn cầu nhưng việc ban hành chiến lược Made in China 2025, chính sách phát triển công nghệ mang nặng màu sắc chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc khiến nhiều nước lo ngại khi mà phần lớn các biện pháp phát triển ngành trong nước đều công khai dựa vào sự can thiệp và biệt đãi của chính phủ.

Mười biện pháp ấy gồm: bắt buộc doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ để gia nhập thị trường; những hạn chế đối với việc gia nhập thị trường và mua sắm chính phủ đối với doanh nghiệp nước ngoài; tiêu chuẩn khó khăn; trợ giá cho doanh nghiệp trong nước; chính sách tài chính ưu đãi; các quỹ đầu tư do chính phủ hỗ trợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bản địa; chi tiêu của chính quyền địa phương dành cho doanh nghiệp cạnh tranh; tăng đầu tư tìm kiếm công nghệ nguồn; đối với doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng cường sáp nhập và chính trị hóa; đẩy mạnh đầu tư công-tư (PPP).

Nước Mỹ thực sự muốn gì?

Căng thẳng thương mại là cái cớ để Mỹ đáp trả vấn đề Trung Quốc xâm phạm sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ và chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh kế tiếp trong tương lai gần, khi mà bằng việc mua hoặc “chiếm đoạt” công nghệ, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành “đối thủ cạnh tranh chiến lược” như báo cáo An ninh chiến lược quốc gia 2018 của Mỹ xác định. 

Nhìn vào danh mục các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lần này có thể thấy Mỹ sẽ đánh thuế những mặt hàng phù hợp với các ngành mà Mỹ muốn đảm bảo ưu thế trước Trung Quốc như bán dẫn, xe điện và sản phẩm y tế hiện đại. 

Nhà Trắng cũng chuẩn bị hạn chế Trung Quốc đầu tư vào hoạt động R&D và các ngành công nghệ của Mỹ. Trong hơn 20 năm qua, đầu tư cho R&D của Trung Quốc bình quân tăng 18%/năm, chi cho R&D đã tăng từ 0,89% GDP (năm 2000) lên 2,07% GDP (2015), trong khi chi R&D của Mỹ chỉ tăng từ 2,61 lên 2,74% GDP trong cùng thời kỳ, tức là tăng từ 10,9 tỷ USD lên 232 tỷ USD.

Căng thẳng thương mại là cái cớ để Mỹ đáp trả vấn đề Trung Quốc xâm phạm sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ và chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh kế tiếp trong tương lai gần, khi mà bằng việc mua hoặc “chiếm đoạt” công nghệ, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành “đối thủ cạnh tranh chiến lược”.

Đằng sau căng thẳng thương mại là việc Mỹ lo lắng Trung Quốc sẽ cạnh tranh trong các ngành công nghệ cao với Mỹ ở tương lai gần (5-10 năm tới). Nguyên nhân của những lo lắng này lại bắt nguồn từ việc Mỹ cho rằng Trung Quốc đang “chơi xấu” các doanh nghiệp Mỹ theo ba cách: thiết lập các rào cản phi kỹ thuật, thay đổi môi trường kinh doanh, bắt buộc công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ khi kinh doanh tại Trung Quốc; nhà nước trợ giá hoặc “tiếp sức” theo cách thức phi thị trường cho doanh nghiệp bản địa để có ưu thế cạnh tranh với công ty nước ngoài; những cuộc xâm nhập mạng (được cho là do chính phủ Trung Quốc ủng hộ) nhằm vào các công ty Mỹ để đánh cắp các thông tin công nghiệp và thương mại.

Trong một nghiên cứu mang tính kiến nghị, các nhà nghiên cứu Mỹ đã đề nghị thông qua CFIUS, chính phủ Mỹ cần có một hành động mạnh mẽ với 10 biện pháp nhằm bảo vệ lợi thế cho các công ty Mỹ ở Trung Quốc: Yêu cầu Trung Quốc giới hạn ưu đãi đối với hoạt động R&D và để cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng có thể thực hiện hoạt động này. Xoá bỏ ngay lập tức sự biệt đãi đối với doanh nghiệp dựa theo chế độ sở hữu cũng như quy định yêu cầu thành lập liên doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Xoá bỏ yêu cầu chuyển giao công nghệ. Có mức thuế thấp hơn đối với sản phẩm chế tạo như ô tô và máy móc. Mở cửa hoàn toàn các ngành dịch vụ giá trị gia tăng (như tài chính, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và logistics) cho doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp nước ngoài. Hướng đến hệ thống tiêu chuẩn và giấy phép dựa theo thị trường. Cơ chế an ninh mạng tốt hơn để nâng cấp thương mại toàn cầu và bảo vệ quyền riêng tư. Tự do hoá quy trình chính phủ. Các cải cách tự do hoá hơn trong lĩnh vực ngân hàng. Minh bạch hóa quy trình ban hành quy định của chính phủ và chính quyền địa phương.

Căng thẳng thương mại hiện thời có thể mới chỉ là khúc dạo đầu của một thời kỳ mới trong quan hệ kinh tế Mỹ - Trung: cạnh tranh trực diện thay cho hợp tác bổ sung. 

TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image