Tìm kiếm
Thứ Năm, 25/04/2024 01:46

Cứu trứng hay cứu ổ

16:00:00 16/07/2015

[VnExpress, 14/7/2015] Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), đặt vấn đề "Cứu trứng hay cứu ổ" nhân câu chuyện thị trường chứng khoán Trung Quốc gần đây bị một cú sốc lớn.

Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) phát đi một thông báo vào chủ nhật vừa rồi, yêu cầu các tân cử nhân khi mặc lễ phục nhận bằng phải hô vang khẩu hiệu “Chấn hưng cổ phiếu A, cứu đời giúp dân”. Bỗng chốc thị trường chứng khoán trở thành sự quan tâm và ưu tiên hành động hàng đầu của Trung Quốc.

Trên thực tế, sự chú ý dành cho thị trường chứng khoán đã tăng dần từ giữa năm ngoái khi nó mới ở ngưỡng trên 2500 điểm. Nhưng liên tiếp các hoạt động nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và nới lỏng các quy định đầu tư đã khiến thị trường chứng khoán tăng điểm với gia tốc ngày càng lớn.

Truyền thông Trung Quốc cũng trợ giúp thị trường chứng khoán bằng việc kêu gọi người dân đầu tư. Từ ngày 30/3, Nhân dân Nhật báo và mạng Tân Hoa có các bài viết dày đặc về việc kêu gọi thị trường chứng khoán phát huy vai trò phân bổ nguồn lực mạnh hơn nữa trong bối cảnh kinh tế đối diện với áp lực suy giảm. Chỉ trong vòng hai tháng, trên sàn Thượng Hải đã có hơn 25 triệu tài khoản mới được mở, đưa số nhà giao dịch cá nhân Trung Quốc lên mức kỷ lục 90 triệu người. Đa phần các nhà đầu tư này đều tham gia giao dịch ký quỹ, một số còn được khuyến khích thế chấp tài sản để có vốn giao dịch. Nhà đầu tư nổi tiếng thế giới, George Soros sau đó đã phát đi cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ chứng kiến sự sụp đổ trên thị trường chứng khoán.

Nhưng trong cơn say máu, tất cả các cảnh báo đều nhanh chóng chìm xuống. Mức giao dịch trong tháng 5 và 6 của Trung Quốc đạt mức 4000 tỷ NDT, gấp 4 lần mức cùng kỳ năm ngoái. thị trường chứng khoán Trung Quốc chạm đỉnh vào giữa tháng 6 ở mức 5.166,35 điểm, tăng khoảng 150% so với một năm trước. Ngay sau đó, lần đầu tiên các nhà đầu tư nước này được trải nghiệm cảm giác hoảng loạn của “thị trường con gấu”. Chỉ trong vòng 3 tuần, 30% giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc - ước đạt gần 3.500 tỷ USD - đã bốc hơi.

Ủy ban quản lý chứng khoán quốc gia Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân và đích thân Thủ tướng Lý Khắc Cường sau đó có các cuộc họp liên tục để xử lý tình trạng hoảng loạn đang lan rộng. Trung Quốc đã xử lý đợt điều chỉnh giá giảm trên thị trường chứng khoán giống như đây là một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện của đất nước.

Trong khoảng 10 biện pháp giải cứu thị trường lớn nhỏ được ban hành, các nhà quan sát nhận thấy dấu ấn đậm nét của các biện pháp phi thị trường như bắt các nhà đầu tư nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu từ 5% trở lên không được giao dịch trong 6 tháng; ngừng giao dịch của 1300 mã cổ phiếu; buộc các quỹ bảo hiểm dưỡng lão phải mua vào cổ phiếu; ngừng IPO của hàng loạt công ty.

Tuần trước, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) có một chương đưa ra những phê phán gay gắt trước vai trò mà chính phủ Trung Quốc đã thể hiện khi hệ thống tài chính tiền tệ xuất hiện sự hoảng loạn. Nhưng chương đó về sau bị cắt bỏ. WB giải thích rằng, những bình luận như vậy không phù hợp với tiêu chuẩn thông thường của tổ chức này khi nhận định về các nước thành viên. Nguyên văn chương này đã chỉ ra khi thị trường chứng khoán lao dốc, chính phủ Trung Quốc đã thể hiện các chức năng “chưa rõ ràng, trùng lặp và xung đột nhau”. Báo cáo đã phê phán mạnh mẽ việc chính phủ Trung Quốc chưa đảm nhiệm tốt vai trò quản lý vĩ mô trên thị trường tài chính tiền tệ, ngược lại “can dự một cách phổ biến và trực tiếp vào hoạt động phân bổ nguồn lực”.

Có một câu hỏi trắc nghiệm tâm lý: nếu bây giờ cháy nhà, trong 60 giây bạn sẽ mang cái gì theo? Cho dù câu trả lời của bạn như thế nào, trong những tình huống cấp bách, điều bạn nghĩ tới/mang theo đầu tiên thường là điều quan trọng nhất.

Thường ngày, Ủy ban quản lý chứng khoán quốc gia là cơ quan định hình các nguyên tắc của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Khi thị trường xảy ra tình trạng hoảng loạn hoặc đổ vỡ, với tư cách là những người làm luật, điều đầu tiên mà Ủy ban cần nghĩ tới là bảo vệ hệ thống luật chơi thị trường mà mình đã thiết kế. Với cách phản ứng như vừa qua, Ủy ban có thể cứu được trứng, nhưng lại làm cái ổ nơi ấp trứng trở thành một nơi thêm rủi ro. Tâm lý được chính phủ giải cứu bất cứ khi nào thị trường xuất hiện khủng hoảng sẽ làm tăng rủi ro đạo đức. Thị trường chứng khoán càng giống một máy ATM của hệ thống doanh nghiệp nhà nước bao nhiêu, thì đối với các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, nó sẽ càng giống một cuộc phiêu lưu đến các sòng bạc ở Macau bấy nhiêu.

Trong những ngày thị trường chứng khoán Trung Quốc “xanh lửa” – Trung Quốc quy ước màu đỏ là tăng, màu xanh là giảm, tôi hỏi thăm giáo sư của mình xem có bị ảnh hưởng gì bởi cú sốc này không. Ông trả lời, đầy dí dỏm: “Thị trường chứng khoán là một quả bóng mà người thổi bị ám ảnh bởi thành tích chính trị, tôi đã ngừng mua xổ số - ám chỉ mua cổ phiếu – từ năm 2007 rồi”.

Điều tương tự như Trung Quốc, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang được xây dựng và vận hành theo các cơ chế khác biệt với thông lệ quốc tế. Những hoạt động quản trị quan trọng như ích lợi của nhà đầu tư, công bố thông tin của các công ty niêm yết, lợi ích cổ đông, chi trả cổ tức, kiểm toán nghiêm ngặt, giám sát giao dịch nội gián... đều được đặt ở vị trí thứ yếu. Ở vị trí trung tâm, thị trường chứng khoán được nhắc đến với chức năng huy động vốn. Nhưng quan trọng hơn cả, nguồn vốn được huy động phần lớn đều chảy vào hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Hiệu quả của hệ thống doanh nghiệp nhà nước như thế nào, chúng ta hẳn đều đã rõ.

Để thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn gián tiếp cho hoạt động sản xuất tạo ra sự thịnh vượng, theo tôi, chính phủ cần hoàn thiện khung khổ pháp lý của hoạt động đầu tư, minh bạch hóa thông tin và có các công cụ bảo vệ nhà đầu tư nhỏ.

Bài học từ cú sốc trên thị trường chứng khoán Trung Quốc một lần nữa cho thấy các nhà đầu tư sẽ đến và đi. Chỉ có uy tín của thị trường là ở lại!

TS. Phạm Sỹ Thành

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image