Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Năm, 25/04/2024 07:40

Đoàn chuyên gia VEPR khảo sát thực địa tại Đồng bằng sông Cửu Long

14:51:00 16/07/2014

Từ ngày 03/07/2014 đến ngày 10/07/2014, nhóm chuyên gia VEPR do TS. Nguyễn Đức Thành dẫn đầu, đã tiến hành điều tra thực địa tại hai tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ và An Giang.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án nghiên cứu do VEPR chủ trì thực hiện về “Phân tích ảnh hưởng của cấu trúc thị trường lúa gạo đến lợi ích của nông dân sản xuất nhỏ ở Việt Nam”. Dự án này là một hoạt động của Liên minh ‘Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam” trong năm 2014, thuộc Chương trình “Hỗ trợ liên minh vận động chính sách” do Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) tài trợ và tổ chức Oxfam tại Việt Nam quản lý.

Trong ba ngày làm việc tại thành phố Cần Thơ từ ngày 03-05/07/2014, Đoàn chuyên gia VEPR đã được gặp gỡ đại diện của Sở Công Thương thành phố Cần Thơ và nghe báo cáo tóm tắt về hoạt động xuất khẩu gạo trong địa bàn thành phố. Đại diện của Sở cho biết, hiện tại trên địa bàn thành phố có 26 doanh nghiệp được cấp giấy phép xuất khẩu gạo trong 5 năm. Trong đó có một số doanh nghiệp lớn với mức xuất khẩu trung bình trên 100.000 tấn/năm, các doanh nghiệp còn lại có mức xuất khẩu từ 50.000-100.000 tấn/năm.

Tiếp đó, Đoàn chuyên gia VEPR đi thăm và làm việc tại quận Thốt Nốt và huyện Cờ Đỏ của thành phố Cần Thơ. Tại đây, Đoàn đã được nghe các báo cáo về tình hình sản xuất lúa gạo, hoạt động xay xát, lau bóng do đại diện các phòng Kinh tế Hạ tầng và phòng Nông nghiệp huyện cung cấp. Các cán bộ địa phương cho biết hiện nay ở huyện Cờ Đỏ, ngoài chương trình cánh đồng mẫu lớn còn có các chương trình bao tiêu thu mua lúa gạo do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Các chương trình này đã phần nào giúp nông dân giảm nỗi lo về đầu ra lúa gạo, tuy nhiên, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn là một nỗi lo lớn đối với hầu hết người nông dân sản xuất nhỏ.

Nhằm thu thập thông tin cho nghiên cứu “Phân tích ảnh hưởng của cấu trúc ngành lúa gạo đến lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam”, Đoàn chuyên gia đã tiến hành phỏng vấn sâu các thành phần tham gia vào thị trường lúa gạo tại các xã Thành Thới và Phú Xuân (huyện Cờ Đỏ); phường Thạnh Hòa và phường Trung Nhứt (quận Thốt Nốt). Các thành phần được phỏng vấn bao gồm các hộ nông dân có và không tham gia cánh đồng mẫu lớn; các thương lái thu mua lúa gạo; các doanh nghiệp xay xát, lau bóng; và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

 

Đoàn chuyên gia thăm nhà máy xay xát tại quận Thốt Nốt

Nhằm thu thập thông tin cho nghiên cứu “Phân tích ảnh hưởng của cấu trúc ngành lúa gạo đến lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam”, Đoàn chuyên gia đã tiến hành phỏng vấn sâu các thành phần tham gia vào thị trường lúa gạo tại một số nơi như xã Hòa An, Hòa Bình (huyện Chợ Mới), xã Thành Phú (huyện Cờ Đỏ)…trong đó bao gồm các nông dân tham gia và không tham gia vào cánh đồng mẫu lớn; các thương lái; cò lúa gạo; các doanh nghiệp xay xát, lau bóng và các doanh nghiệp xuất khẩu.

Đoàn chuyên gia phỏng vấn các thương lái thu mua lúa gạo

Nông dân trong cánh đồng mẫu lớn tranh luận về chất lượng phân bón

Bên cạnh các chương trình làm việc chính tại Cần Thơ, Đoàn chuyên gia cũng đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với GS.TS. Võ Tòng Xuân (Đại học Nam Cần Thơ) về tình hình sản xuất lúa gạo của người dân vùng ĐBSCL. Ngoài ra, Giáo sư còn giới thiệu cho nhóm nghiên cứu biết thêm về mô hình trồng lúa hữu cơ của ông Võ Minh Khải tại rừng U Minh cũng như sự thành công của mô hình này.

Đoàn chuyên gia ăn tối và trao đổi cùng Giáo sư Võ Tòng Xuân

Ngày 07/07/2014, Đoàn di chuyển tới tỉnh An Giang và gặp gỡ đại diện của Sở Công Thương tỉnh An Giang. An Giang là tỉnh có số dân lớn nhất vùng ĐBSCL với trên 2 triệu dân, trong đó 70% dân số là nông dân. Xuất khẩu gạo tại An Giang chiếm tới 65% trong giá trị xuất khẩu của toàn tỉnh An Giang năm 2013.

Đoàn chuyên gia làm việc tại Sở Công Thương tỉnh An Giang

Sau khi làm việc với đại diện Sở, Đoàn tiếp tục khảo sát thực địa tại hai địa phương là huyện Chợ Mới và huyện Châu Thành. Tại các địa phương này, đối tượng phỏng vấn sâu vẫn bao gồm các hộ nông dân có và không tham gia cánh đồng mẫu lớn; các thương lái thu mua lúa gạo; các doanh nghiệp xay xát, lau bóng; và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tại đây, Đoàn đã có hội được tham quan mô hình cánh đồng mẫu lớn của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang.

Chiều ngày 09/07/2014, Đoàn đã có buổi gặp gỡ với đại diện Chi cục Phát triển Nông nghiệp thuộc Sở Nông Nghiệp tỉnh An Giang. Đại diện Chi cục đã cung cấp cho Đoàn những thông tin bổ ích về các hình thức liên kết giữa nông dân với nông dân cũng như giữa nông dân với doanh nghiệp tại địa phương. Ngoài ra, đại diện Chi cục còn cho trao đổi về những chính sách nông nghiệp và kế hoạch trong những năm tiếp theo. 

Đoàn làm việc với đại diện Chi cục Phát triển Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp An Giang

Ngày 10/07, Đoàn chuyên gia VEPR rời tỉnh An Giang và kết thúc chuyến đi thực địa kéo dài một tuần lễ. Chuyến đi đã để lại cho Đoàn chuyên gia VEPR nhiều kỷ niệm khó quên về vùng sông nước miền Tây và sự đón tiếp nhiệt tình của con người nơi đây.

Một số hình ảnh đẹp của chuyến đi

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image