Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Bảy, 20/04/2024 05:07

Đoàn chuyên gia VEPR khảo sát thực địa tại Hà Nội, Bình Định, và Kiên Giang

13:59:00 04/02/2015

Từ ngày 14/01/2015 đến ngày 29/01/2015, nhóm chuyên gia do TS. Nguyễn Đức Thành dẫn đầu đã tiến hành điều tra thực địa tại ba tỉnh, thành trên cả nước, gồm Thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Định, và tỉnh Kiên Giang.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chủ trì thực hiện mang tên “Chi phí kinh tế của đoàn thể và hội đặc thù được nhà nước tài trợ ở Việt Nam”. Dự án được kỳ vọng cung cấp cho những nhà làm chính sách và xã hội hiểu biết sâu sắc hơn về hệ thống tổ chức đoàn thể và hội đặc thù ở Việt Nam, phục vụ cho các thảo luận về Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và cải cách hành chính trong những năm sắp tới. Dự án được Cơ quan Viện trợ Ireland (Irish Aid) và Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) tài trợ.

Ở Hà Nội, đoàn chuyên gia làm việc với Sở Nội vụ và Mặt trận Tổ Quốc thành phố Hà Nội vào ngày 14/01/2015. Ông Nguyễn Đình Hoa, phó Giám đốc Sở Nội Vụ Hà Nội, cho biết trong cuộc trao đổi với VEPR rằng Hà Nội hiện đang là địa phương có số hội đặc thù nhiều nhất cả nước với 1174 hội. Bà Đỗ Thị Tuyết Lan, trưởng phòng Thanh niên-sinh viên và quản lý Hội chia sẻ rằng công tác quản lý hội trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn, do chính sách còn chưa đi vào thực tiễn.

 “Ví dụ như có những hội đặc thù trước đây được tài trợ, nhưng sau khi phân chia địa giới hành chính (tách huyện Từ Liêm làm hai quận), thì lại không được. Như thế là không công bằng,” bà Lan nói.

Báo cáo của Sở Nội vụ gửi đoàn công tác cho thấy, chỉ tính riêng hội đặc thù thành phố phải chi khoảng hơn 50 tỷ đồng hỗ trợ.

Làm việc với đoàn công tác, ông Đào Văn Bình, chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc thành phố Hà Nội chia sẻ những vấn đề liên quan đến hoạt động của Mặt trận. Ông Bình nhấn mạnh vai trò của Mặt trận trong hệ thống chính trị và trong việc phát huy quyền làm chủ của người dân.  Ông Bình cũng chia sẻ thêm với đoàn công tác VEPR về hệ thống tổ chức của Mặt trận.

Đoàn làm việc với ông Đào Văn Bình, chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc thành phố Hà Nội

Làm việc tại tỉnh Bình Định

Tiếp sau đó, đoàn công tác VEPR di chuyển vào Bình Định để thực hiện điều tra khảo sát. Từ ngày 19/01/2015 đến ngày 23/01/2015, đoàn đã làm việc với đại diện chính quyền, đoàn thể, và các hội đặc thù tại thành phố Quy Nhơn; cũng như khảo sát tại huyện Tây Sơn.

Đón tiếp đoàn tại trụ sở Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, ông Trịnh Xuân Long, phó Giám đốc, cùng với bốn trưởng phòng chuyên môn của sở, đã cung cấp cho đoàn rất nhiều thông tin quý giá. Ông Long cho biết tình hình hoạt động của các hội, đoàn thể tại địa phương là rất sôi nổi, tuy vậy điều này cũng đồng nghĩa với việc quản lý khó khăn hơn.

Đoàn chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo Sở Nội Vụ tỉnh Bình Định

 Ông Hồ Quang Thơm, trưởng phòng tổ chức-biên chế, đề xuất chính phủ có những chính sách rõ ràng, nhất quán hơn với đoàn thể và hội đặc thù, bởi vì theo cơ chế hiện tại thì gánh nặng ngân sách về biên chế cho các tổ chức này là rất lớn.

“Chỉ cần điều chỉnh hệ số lương lên 0,2 của cán bộ, công chức làm việc cho đoàn thể, hội đặc thù thì ngân sách tỉnh sẽ đội lên thêm 33 tỷ đồng. Tuy vậy vẫn rất nhiều nơi đề nghị tăng hệ số,” Ông Thơm cho biết.

Ở thành phố Quy Nhơn, đoàn còn làm việc với đại diện từ Tỉnh Đoàn, Mặt trận Tổ quốc, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nhà báo, và liên hiệp Hội Khoa học-Kỹ thuật Bình Định (VUSTA). Lãnh đạo các tổ chức trên đã nhiệt tình đón tiếp và chia sẻ nhiều thông tin cho đoàn.

Đoàn làm việc với lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Định

Ngày 22/1/2015, đoàn công tác di chuyển lên huyện Tây Sơn, Bình Định và làm việc với đại diện của đoàn thể địa phương.  Ông Nguyễn Văn Thứ, phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện, báo cáo cho đoàn công tác những thông tin tổng quan về hoạt động đoàn thể tại 15 xã, thị trấn của huyện Tây Sơn. Về Mặt trận Tổ quốc, ông Thứ cho biết MTTQ huyện có bảy biên chế với tổng số lương là 51 triệu đồng/tháng.

Ông Thứ cho rằng dù còn thấp, mức lương tạm đảm bảo được đời sống cho cán bộ, công chức. Tuy vậy, ông Thứ băn khoăn về kinh phí hoạt động, bởi con số này chỉ bằng 10% tổng lương, đạt 140 triệu đồng trong năm 2014.

“Với một huyện trung du, miền núi, có địa bàn rộng và phức tạp như Tây Sơn, như thế là còn rất khó khăn,” Ông Thứ chia sẻ.

Anh Bùi Huỳnh Tâm, bí thư Huyện Đoàn Tây Sơn, và chị Nguyễn Thị Cẩm Vân, chủ tịch Hội Phụ nữ Tây Sơn, cũng có cùng băn khoăn với ông Thứ. Đại diện các đoàn thể đề xuất chính phủ cải cách tiền lương để đảm bảo đời sống của cán bộ làm việc cho đoàn thể, đồng thời có thêm đãi ngộ cho các cấp phó ở xã (hiện đang có mức đãi ngộ rất thấp).

Đoàn làm việc với lãnh đạo đoàn thể huyện Tây Sơn

Đoàn công tác cũng đã về xã Tây Xuân để nắm bắt tình hình hoạt động đoàn thể tại cơ sở. Ở đây, ông Nguyễn Kim Tùng, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, đã nhiệt tình tiếp đón và có những thông tin giá trị cho nghiên cứu. Ông Tùng cho biết đoàn thể xã thường xuyên không đủ kinh phí để hoạt động, và phải dựa vào nguồn thu từ các dự án từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Chính sách Xã hội (VBSP).

Làm việc tại tỉnh Kiên Giang

Từ  ngày 26/01/2015 đến ngày 29/01/2015, đoàn nghiên cứu di chuyển đến làm việc tại tỉnh Kiên Giang. Đây là địa phương có quy mô dân số lớn nhất vùng Tây Nam Bộ, có nền kinh tế phát triển hết sức đa dạng, từ nông nghiệp (trồng lúa, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản) cho đến công nghiệp (sản xuất xi măng và hình thành các khu công nghiệp mới) và dịch vụ (phát triển du lịch biển đảo).

Tại tỉnh Kiên Giang, đoàn đã làm việc với lãnh đạo của các đoàn thể và cơ quan quản lý chính quyền có liên quan tại thành phố Rạch Giá và thị xã Hà Tiên.

Đoàn tiếp xúc với lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh Kiên Giang, dẫn đầu bởi bà Nguyễn Thị Thu Ba, phó chủ tịch, và ông Ngô Phương Vũ, chánh văn phòng Mặt trận. Tại buổi gặp mặt, bà Thu Ba cho biết Kiên Giang có dân số đông và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng rất đa dạng, tuy vậy tình hình đoàn kết trong dân chúng vẫn rất ổn định. Trong hai nhiệm kỳ gần đây, về cơ bản Mặt trận đã làm tròn trọng trách của mình.

Về vấn đề tổ chức, ông Vũ cho biết Mặt trận gặp khó khăn do hoạt động trên địa bàn lớn mà biên chế bị giới hạn (22 người). Ông đề xuất nên quản lý biên chế theo địa bàn hoạt động chứ không nên giới hạn theo địa giới hành chính.

Đại diện Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Kiên Giang chụp ảnh kỷ niệm với đoàn khảo sát

Ngày 27/01/2015, đoàn gặp mặt Tỉnh Đoàn Kiên Giang và Hội Phụ nữ Kiên Giang, do bí thư Tỉnh Đoàn Lê Hồng Thắm và phó chủ tịch Hội Phụ nữ Nguyễn Thu nhanh chủ trì. Bà Lê Hồng Thắm cho biết ngân sách hoạt động cho Tỉnh đoàn rơi vào khoảng 2,7 đến 3 tỷ đồng/năm, còn kinh phí xã hội hóa thì không cố định. Bà Thắm nhận định khó khăn nhất cho hoạt động của Đoàn Thanh niên ở địa phương là huy động thành viên tham gia hoạt động đoàn ở cấp cơ sở, thường chỉ đạt từ 50-70%. Bà Nhanh đề xuất nhà nước giảm bớt các nhiệm vụ được giao không cấp kinh phí cho Hội Phụ Nữ, hoặc cấp ngân sách cho các hoạt động đó, bởi điều này gây nhiều khó khăn cho hội.

Lãnh đạo phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên trao đổi với đoàn khảo sát

Trong ngày 28/01/2015, đoàn công tác di chuyển xuống thị xã Hà Tiên và làm việc với đại diện thị Đoàn, Mặt trận Tổ quốc, và Hội Phụ nữ thị xã. Nhìn chung, lãnh đạo của các cơ quan trên đều cho rằng hoạt động ở cấp cơ sở còn nhiều khó khăn và chưa thực chất, phần lớn là do cách áp đặt chỉ tiêu duy lý trí và quản lý còn cứng nhắc từ cấp trên. Đoàn công tác cũng làm việc với toàn bộ lãnh đạo đoàn thể tại phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên. Đoàn đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý giá về tình hình thực tiễn hoạt động của đoàn thể tại địa phương.

Một số hình ảnh đẹp trong chuyến đi thực địa tại các địa phương

Hoàng hôn trên biển Hà Tiên

 

Đền thờ khai trấn Quốc công Mặc Cửu tại Hà Tiên

Tháp Dương Long, hệ thống tháp bằng gạch cao nhất Đông Nam Á tại Tây Sơn, Bình Định

Người lái đò trong ráng chiều tại Rạch Giá, Kiên Giang

 

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image