Tìm kiếm
Thứ Sáu, 29/03/2024 02:05

FDI từ Trung Quốc: Tránh tình trạng làm đẹp GDP

09:22:00 21/06/2017

[Doanh nhân Sài Gòn - 21/06/17 - TS. Phạm Sĩ Thành] Trung Quốc đang tăng mạnh vốn đầu tư vào Việt Nam. TS. Phạm Sĩ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - nói rằng, "cần có danh mục chỉ định đầu tư rõ ràng theo nguyên tắc chọn, bỏ”. 

FDI từ Trung Quốc: Tránh tình trạng làm đẹp GDP

 

* Trung Quốc muốn chiếm phần cao nhất trong chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua chiến lược Made in China 2025 nhưng tại sao lại chọn thời điểm này để ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, thưa ông?

- Sự gia tăng mạnh vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam nói riêng, các nước Đông Nam Á nói chung chịu tác động của việc kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn tái cơ cấu thực chất hơn và chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng có những thay đổi.

Về mặt tái cơ cấu kinh tế, với việc dư thừa vốn, dư thừa sản lượng và chi phí tăng mạnh trong nước, các doanh nghiệp Trung Quốc càng hướng nhiều đến việc đầu tư ra bên ngoài, đặc biệt là những ngành thâm dụng lao động vốn chỉ có lợi thế cạnh tranh nhờ dựa vào quy mô và chi phí thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh các sáng kiến hợp tác kinh tế với các quốc gia láng giềng nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế của chính họ.

Bằng việc "xuất khẩu" các mô hình như khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, khu hợp tác năng lực sản xuất, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể lách được những quy định của luật đầu tư của quốc gia sở tại để đầu tư trên quy mô lớn hơn. Trọng tâm tái cơ cấu kinh tế của ông Tập Cận Bình là tăng trưởng chậm nhằm giảm phát thải ô nhiễm, công nghệ thấp dần bị thải loại khỏi Trung Quốc cũng tạo ra làn sóng đầu tư mới ra bên ngoài.

>> FDI: Sao phải giữ bằng mọi giá?

Thêm nữa, sau khi các bộ trưởng 11 nước tham gia TPP đưa ra tuyên bố chung tiếp tục giữ TPP dù không có Mỹ, và cố gắng để hiệp định này có hiệu lực càng sớm càng tốt, dự kiến cuối năm 2017, và trong cuộc họp các bộ trưởng thương mại trong khuôn khổ chuẩn bị cho APEC 2017 hồi tháng trước tại Hà Nội, tương lai TPP càng được cũng cố, điều này đem lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để "đón đầu" sự phát triển ngành dệt may và da giày.

FTA giữa Việt Nam với EU (EVFTA) cũng đơn giản hóa quy tắc xuất xứ bằng quy tắc chuyển đổi kép. Đây là cơ hội rõ rệt với các doanh nghiệp Trung Quốc muốn xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

* Theo ông, rủi ro có thể đến từ các nguồn đầu tư của Trung Quốc là gì? 

- Quy mô vốn các dự án đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam không lớn, chỉ bằng 50% mức trung bình của nhà đầu tư các nước khác, khoảng 6,9 triệu USD/dự án. Cạnh đó, tỷ lệ giải ngân thấp, tiến độ giải ngân thường chậm trễ. Vốn thực hiện của các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ đạt khoảng 30% vốn đầu tư đăng ký, trong khi tỷ lệ chung của khu vực FDI đạt xấp xỉ 50%.

Một điểm nữa, do các ngành đầu tư của Trung Quốc là các ngành thâm dụng vốn, nên việc giải quyết việc làm cho lao động Việt Nam tương đối hạn chế, chủ yếu do máy móc tự động thực hiện. Đó là chưa kể đến mặt bằng tiền lương của doanh nghiệp Trung Quốc cũng thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI khác.

Những điều đó cho thấy hiệu ứng lan tỏa kỹ thuật của doanh nghiệp FDI Trung Quốc là không rõ rệt và đầu tư vào các ngành không thuộc nhóm công nghệ tiên tiến.

* Như ông nói, Việt Nam cần kiểm soát chặt nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc...

- Theo luật pháp hiện hành của Việt Nam, các nhà đầu tư bất cứ nước nào đều được đối xử công bằng như nhau. Tuy nhiên, để tạo ra sự phát triển bền vững cho chính địa phương và cả nền kinh tế, những hàng rào kỹ thuật và thanh kiểm tra cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Đặc điểm của vốn FDI Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến với khoảng 60% tổng số vốn đăng ký, đứng thứ 2 là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký.

Với đặc điểm này, việc bảo vệ môi trường sẽ là điều cần được quan tâm đặc biệt. Song tôi muốn nhấn mạnh rằng, vấn đề ô nhiễm không chỉ là trách nhiệm của các doanh nghiệp Trung Quốc mà trước hết là trách nhiệm của địa phương và các cơ quan quản lý.

2 lĩnh vực đặc biệt gây ô nhiễm là nhiệt điện và sợi - nhuộm - in. Tây Ninh hiện là tỉnh có số vốn FDI Trung Quốc đứng thứ 2 cả nước với 46 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,65 tỷ USD (chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam). Tây Ninh là thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, có hồ Dầu Tiếng vô cùng quan trọng với TP.HCM. Do đó, phải có các hàng rào kỹ thuật đặc biệt với nguồn vốn FDI và không đi ngược với các cam kết FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Theo tôi, có một số vấn đề cần điều chỉnh đối với luồng vốn FDI Trung Quốc, như nâng cao hiệu quả thu hút vốn, tránh tình trạng thu hút FDI để làm đẹp số liệu GDP của địa phương và cả nước.

Theo đó, cần có danh mục chỉ định đầu tư rõ ràng, theo nguyên tắc chọn, bỏ, dẫn dắt luồng vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có thể hình thành mạng lưới công nghiệp hỗ trợ thay vì tạo ra sự cạnh tranh với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, chèn lấn doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cần có các chính sách rõ ràng hơn nhằm thu hút doanh nghiệp quy mô lớn của Trung Quốc...

* Cảm ơn ông!

HẢI VÂN thực hiện

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image