Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Bảy, 20/04/2024 10:26

Hội thảo công bố Báo cáo phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam 2014

12:19:00 01/12/2014

Sáng ngày 27/11/2014, tại Press Club, Hà Nội, Qũy Friedrich-Naumann Việt Nam phối hợp cùng với Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo công báo Báo cáo Phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam 2014.

Đến tham dự hội thảo bao gồm đại diện từ các tổ chức Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Kinh tế Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Bộ Tài Chính, Bộ Ngoại Giao, các Viện nghiên cứu và trường Đại học, các cơ quan báo chí.

Toàn cảnh hội thảo

Mở đầu hội thảo, chuyên gia Đinh Tuấn Minh, điều phối dự án, lên giới thiệu về nhóm nghiên cứu của Báo cáo, đền từ bốn Viện Nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam là: Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Kinh tế Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. Tiếp đó, ông Hans-Georg Jonek, Giám đốc Qũy Friedrich-Naumann Việt Nam, phát biểu khai mạc hội thảo và những kỳ vọng đối với Báo cáo.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách giới thiệu về mục đích và nội dung của Báo cáo Phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam 2014. Theo đó, Báo cáo gồm 9 chương bao gồm: chương 1: Đánh giá tổ quan quá trình phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam do VEPR phụ trách; chương 2: Xây dựng hệ thống pháp luật kinh tế thân thiện thị trường do VCCI phụ trách; chương 3: Xây dựng bộ máy quản trị nhà nước theo hướng hỗ trợ thị trường do CIEM phụ trách; chương 4: Đổi mới hệ thống tài chính-tiền tệ theo hướng thị trường do VEPR phụ trách; chương 5: Đổi mới hệ thống doanh nghiệp theo hướng thị trường do CIEM phụ trách; chương 6: Phát triển và tự do hóa thị trường lao động do VIE phụ trách; chương 7: Phát triển và tự do hóa thị trường vốn do VIE phụ trách; chương 8: Phát triển và tự do hóa thị trường Đất đai Việt Nam do VIE phụ trách và chương 9: Tự do thương mại quốc tế do VCCI phụ trách.

Tại phiên toàn thể, các bài trình bày về chương 1, chương 2 và chương 3 đã khái quát lại tình hình phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam trong giai đoạn từ 1986 – 2014 dưới các khía cạnh về hệ thống pháp luật nhà nước, ổn định tiền tệ, mức độ tư do doanh nghiệp, phát triển thị trường các yếu tố sản xuất… Các bài trình bày đã chỉ ra nhiều đột phá trong phát triển kinh tế thị trường khi gia nhập WTO, ban hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005 và sửa đổi năm 2013, đồng thời nêu ra nhiều hạn chế về mặt thể chế của Việt Nam. Xét về mặt tổng thể, tính thị trường của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với thế giới.

Tiếp đến, tại các phiên thảo luận riêng, phiên một nói về hệ thống tiền tệ, thị trường vốn và thương mại quốc tế. Các bài trình bày đã phân tích chi tiết hơn mức độ mở cửa thương mại quốc tế ở Việt Nam cũng như quá trình tự hóa các thị trường vốn và tiền tệ. Nhìn chung, thương mại quốc tế của Việt Nam đã đạt những thành tựu ấn tượng với việc mở của nền kinh tế mạnh mẽ thông qua ký kết và thực thi nhiều hiệp định mở cửa tự do. Còn về vấn đề vốn và tiền tệ, các chỉ tiêu đánh giá cũng chứng kiến nhiều cải cách sâu rộng theo hướng tự do hóa.

Song song với phiên một, phiên hai thảo luận về các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp, lao động và đất đai. Qua quá trình phân tích cho thấy, Việt Nam đã có hệ thống doanh nghiệp theo hướng thị trường ở mức độ thấp. Sở hữu tư nhân ngày càng quan trọng nhưng chưa trở thành nền tảng của hệ thống doanh nghiệp; đặc biệt, vai trò của DNNN và sở hữu nhà nước còn lớn. Xem xét hai thị trường đầu vào là vốn và lao động, báo cáo cũng cho thấy còn nhiều khiếm khuyết trong tính thị trường, tập trung vào những vấn đề về lực lượng lao động phi chính thức lớn, chế độ lương tại khu vực công còn cứng nhắc, vấn đề định giá đất trong chế độ sở hữu toàn dân với Nhà nước là đại diện chủ sở hữu còn nhiều tranh cãi…

Nhận xét về báo cáo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đánh giá cao cách tiếp cận theo hướng thị trường của báo cáo, đưa ra các chỉ tiêu cụ thể để phân tích về mức độ phát triển kinh tế thị trường Việt Nam; bố cục và thông tin đưa ra từ các chương đã mang đến người đọc nhiều khía cạnh, nhiều chiều khác nhau khi nghiên cứu về nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng góp ý khi tổng hợp các chương cần chú ý loại bỏ sự trùng lặp về ý; cần cân nhắc và chọn lọc hơn nữa để có được các chỉ số tốt đánh giá mức độ phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Báo chí đưa tin về Hội thảo

[thesaigontimes.vn - 27/11/2014] Chuyên gia: "Liệu đến cuối thế kỷ này có kinh tế thị trường?"

[baodientu.chinhphu.vn - 27/11/2014] Kinh tế thị trường Việt Nam phát triển đến mức nào?

[thoibaonganhang.vn - 27/11/2014] Công bố báo cáo Phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam

[baohaiquan.vn - 27/11/2014] Phải tự thân cải cách để thành kinh tế thị trường đích thực

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image