Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Sáu, 19/04/2024 08:58

Hội thảo VEPR - ADB “Tìm hiểu và Phân tích các Chỉ số Lành mạnh Tài chính”

15:16:00 30/06/2014

Trong hai ngày từ 26-27/06/2014 tại Khách sạn Sheraton, Trung Tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề Tìm hiểu và Phân tích Các Chỉ số Lành mạnh Tài chính (FSIs) ở Việt Nam”.

Download tài liệu Hội thảo bằng tiếng Việt tại ĐÂY, tiếng Anh tại ĐÂY

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực Xây dựng và Phân tích Chỉ số Lành mạnh Tài chính phục vụ việc Đánh giá Môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Manila, Philippines. Hội thảo được tổ chức với mong muốn chia sẻ kiến thức, phương pháp tính toán và phân tích các chỉ số lành mạnh tài chính tại Việt Nam.

Hội thảo đã quy tụ được nhiều lãnh đạo và chuyên gia của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội…; các tổ chức quốc tế IMF, ADB, WB; các ngân hàng; giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học các viện nghiên cứu và trường đại học tại Việt Nam; các cơ quan thông tấn báo chí.

Toàn cảnh Hội thảo

Hệ thống chỉ số lành mạnh tài chính (Financial Soundness Indicators – FSIs) là các chỉ số đánh giá sức khỏe và độ lành mạnh của các định chế tài chính trong một quốc gia, cùng các doanh nghiệp và các hộ gia đình, những đối tác của các định chế tài chính. Các chỉ số này bao gồm cả số liệu tổng thể của từng định chế và những chỉ số mô tả các thị trường mà các định chế tài chính đó đang hoạt động. FSIs được tính toán và phổ biến nhằm mục đích hỗ trợ những phân tích đánh giá về sự an toàn vĩ mô. Đây sẽ là những đánh giá và giám sát về những điểm mạnh cũng như những nhược điểm của hệ thống tài chính, với mục tiêu cải thiện sự ổn định tài chính và đặc biệt hạn chế khả năng hệ thống tài chính thất bại. Trong dự án này, ADB đã trợ giúp Việt Nam trong việc củng cố năng lực thể chế và khả năng thống kê, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu thập số liệu, biên soạn, phân tích và công bố các chỉ số FSIs theo tiêu chuẩn quốc tế. Sự sẵn có của các chỉ số FSIs theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ hỗ trợ cải thiện khả năng giám sát hệ thống tài chính tại Việt Nam.

Mở đầu buổi hội thảo là bài phát biểu khai mạc của ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nói về bối cảnh diễn ra hội thảo, cũng như khuôn khổ dự án hỗ trợ cho Việt Nam. Tiếp đó, TS. Guntur Sugiyarto, chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB tại Manila, Philippines đã trình bày tham luận với chủ đề “Các chỉ số lành mạnh tài chính: Một sự bổ sung trong phân tích về biến động vĩ mô của Việt Nam”. Bài trình bày của TS. Guntur tập trung vào những khái niệm sơ lược về các chỉ số FSIs, về phân tích an toàn vĩ mô và đánh giá khu vực tài chính sử dụng các chỉ số FSIs. TS. Guntur cũng đề cập đến những khó khăn và thách thức khi ứng dụng các chỉ số FSIs, đồng thời gợi mở một số hướng cải thiện cho Việt Nam.

TS. Guntur Sugiyarto, chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB

Bài tham luận thứ hai của TS. Nguyễn Đức Thành trình bày về “Đánh giá hệ thống tài chính Việt Nam sử dụng các chỉ số lành mạnh tài chính: Kết quả từ giới nghiên cứu”. Bài tham luận này công bố những kết quả tính toán các chỉ số FSIs bước đầu của nhóm nghiên cứu VEPR cho khu vực ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Những tính toán này được nhóm nghiên cứu thực hiện dựa trên những số liệu chính thức được các ngân hàng công bố hàng năm. Các kết quả tính toán cũng được so sánh với những chỉ số được lấy trên website của IMF do Ngân hàng Nhà nước tính toán. Mặc dù có những sự sai lệch nhất định do hai nguồn số liệu khác nhau nhưng nhìn chung các chỉ số cho thấy sự tương đồng về xu hướng.

TS. Nguyễn Đức Thành trình bày tham luậnĐánh giá hệ thống tài chính Việt Nam sử dụng các chỉ số lành mạnh tài chính: Kết quả từ giới nghiên cứu”.

Trong phiên hội thảo buổi chiều, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hà, trưởng phòng Nghiên cứu, Dự báo kinh tế vĩ mô từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trình bày tham luận về “Tổng hợp các chỉ số FSIs: Thách thức về chuyên môn và các bài học rút ra”. Bên cạnh việc chia sẻ về về nhiệm vụ và hoạt động của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hà cũng công bố một số chỉ số FSIs quan trọng. Ngoài những chỉ số về hệ thống ngân hàng thương mại, ThS. Ngọc Hà cũng phân tích thêm về những chỉ số cho khu vực doanh nghiệp, hộ gia đình và thị trường bất động sản. Bài trình bày này nhận được sự quan tâm của nhiều thành phần tham gia hội thảo về những con số và những phân tích liên quan đến hệ thống tài chính của Việt Nam, đặc biệt liên quan đến vấn đề sử dụng các chỉ số FSIs trong một hệ thống các chỉ tiêu cảnh báo sớm (early warning system) đang được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia triển khai xây dựng.  

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hà trình bày tham luận "Tổng hợp các chỉ số FSIs: Thách thức về chuyên môn và các bài học rút ra"

Phiên làm việc thứ ba vào buổi sáng ngày hôm sau có hai tham luận được trình bày. Trong bài tham luận đầu tiên về “Chẩn đoán tăng trưởng cho Việt Nam: Thách thức và cơ hội – Vai trò của việc thống kê các chỉ số FSIs”, TS. Nguyễn Đức Thành đã giới thiệu về khung phân tích chẩn đoán tăng trưởng của Hausmann. Khung phân tích này chỉ ra những rào cản mà nền kinh tế có thể gặp phải dẫn đến việc không duy trì được đà tăng trưởng của mình. Trong đó, TS. Thành phân tích sâu về những rào cản mà một hệ thống tài chính yếu kém có thể mang lại cho nền kinh tế, đồng thời cho rằng việc tính toán và công bố các chỉ số FSIs sẽ đóng góp một phần quan trọng giúp giới nghiên cứu có thêm những tham số để đánh giá và nhận định về hệ thống tài chính hiện nay của Việt Nam.

Bài tham luận cuối cùng là của TS. Lê Xuân Sang, trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về “Phát triển tài chính hiện nay ở Việt Nam: Thúc đẩy hay cản trở tăng trưởng kinh tế”. Bài tham luận đánh giá lại vai trò của tài chính đối với tăng trưởng kinh tế, đưa ra các bằng chứng về mối quan hệ giữa phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế và phát hiện một số vấn đề trong mối quan hệ này. TS. Sang cũng dựa trên những lý thuyết này để ứng dụng phân tích cho Việt Nam, đồng thời đưa ra một số gợi ý chính sách mang tính định hướng cho Việt Nam.

TS. Lê Xuân Sang, CIEM trình bày về “Phát triển tài chính hiện nay ở Việt Nam: Thúc đẩy hay cản trở tăng trưởng kinh tế

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành và TS. Guntur Sugiyarto đã trao tặng tài liệu hướng dẫn sơ bộ xây dựng hệ thống các chỉ số FSIs cho một số đại diện các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tài chính, cùng một số nhà nghiên cứu thực sự quan tâm đến các chỉ số này.

Một số hình ảnh đẹp của Hội thảo

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image