Tìm kiếm
Thứ Sáu, 29/03/2024 06:47

Phía sau 'Anh hùng bám biển'

11:27:00 26/04/2016

[VnExpress - 26/4/2016 - ThS. Nguyễn Khắc Giang] 

Rít một hơi thuốc dài, anh Thọ trầm ngâm kể lại câu chuyện chiếc tàu gỗ của anh rơi vào làn mưa đạn khi đánh cá ở Hoàng Sa.

Do sự thần kỳ nào đó, chỉ có anh trúng đạn và các thuyền viên kịp kéo con tàu tàn tạ gặp tàu hải quân cứu nạn, đưa anh đi sơ cứu kịp thời. Đạn xuyên qua mắt cá chân. Đến bây giờ, sau gần chục năm, nó vẫn khiến anh đau âm ỉ mỗi khi trái gió trở trời.

Anh Thọ phải mất mấy tháng để hồi phục. Sau đó, anh không đi biển nữa. Tôi hỏi có phải do sợ không, anh cười: sợ thì không sợ, nhưng sau chuyến đó, tiền vốn coi như mất hết. Không còn vốn, anh ở nhà chạy xe ôm kiếm sống, nuôi bốn đứa con.

Cách nhà anh Thọ một con dốc là nhà anh Hoài, một trong những thợ lặn có nghề nhất Lý Sơn, Quảng Ngãi. Anh Hoài có gần 20 năm kinh nghiệm đánh cá ở khu vực Hoàng Sa, ngư trường truyền thống cách huyện đảo tiền tiêu của Việt Nam một ngày đêm chạy thuyền. Anh nói các đảo ở Hoàng Sa, chưa có hòn nào anh chưa đặt chân tới.

Con tàu của anh từng bị bắt đem về đảo Hải Nam, tịch thu hết ngư cụ. Anh phải mang số tiền chuộc lên tới vài trăm triệu đồng, lặn lội ra Hà Nội, đổi sang đôla Mỹ, rồi lại sang Trung Quốc chuộc tàu về. Mỗi ngư dân lúc ấy được hỗ trợ 900.000 đồng, không đủ chi phí về nhà. Sau chuyến đó, anh cũng nghỉ đi Hoàng Sa, chỉ đi lặn loanh quanh ở gần Lý Sơn. Hỏi anh có nhớ Hoàng Sa không, anh ừ, nhớ thì có nhớ, nhưng làm gần bờ gần vợ con mà lại an toàn hơn.

Vài năm sau khi anh Hoài bị bắt, sau sự kiện giàn khoan HD-981, các ngư dân Lý Sơn hiện giờ nhận được nhiều quan tâm từ cả chính quyền và xã hội. Gần 400 tàu biển của ngư dân đã được nâng cấp và đóng mới sau Nghị định 67. Chính sách hỗ trợ từ tín dụng, trợ cấp xăng dầu, và kinh phí mất mát từ những lần bị "tàu lạ” tấn công cũng tốt hơn trước.

Nhưng hỗ trợ dù tốt đến bao nhiêu, thì thiệt thòi vẫn luôn thuộc về những ngư dân đối mặt với hiểm nguy trên biển. Khi tàu bị phá hoại, công cụ làm ăn bị ném xuống biển, gánh nặng kinh phí vẫn chỉ đè lên vai gia đình họ. Áp lực trả lãi ngân hàng, sản lượng đánh bắt, giá cả và đầu ra thuỷ sản... họ phải chịu. Đó là chưa kể rủi ro về sức khoẻ và tính mạng khi thả lưới ở Hoàng Sa, nơi mà ông chủ tịch huyện Lý Sơn cho biết 50 tàu vào vùng biển đó thì có đến 20 tàu bị tấn công vào năm 2015.

Vì vậy, việc ngư dân dần gác mái để chuyển sang làm “nghề trên bờ” là điều dễ hiểu. Theo Tổng cục Thuỷ sản, 82% số lượng tàu cá Việt Nam hoạt động chủ yếu ở vùng nước ven bờ trong khi vùng này chỉ chiếm 11% diện tích vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Số lượng tàu đủ công suất để đánh bắt xa bờ, ở những vùng biên ải trên biển của Việt Nam, chỉ khoảng 30.500 chiếc, trong đó miền Trung (bao gồm Trường Sa và Hoàng Sa) có khoảng 8.540 chiếc. Trong khi, số lượng tàu cá hiện có của Trung Quốc là khoảng 650.000 chiếc với hơn 200.000 chiếc có khả năng đánh bắt xa bờ.

Sau những hành động gây hấn của Trung Quốc, ngư dân miền Trung được coi như những anh hùng, bám biển bám đảo để bảo vệ chủ quyền đất nước. Là anh hùng, bởi họ hàng ngày phải đối diện với nguy cơ bỏ mạng ngoài khơi; bởi chỉ với những con tàu thô sơ mà họ có thể phải đương đầu với lực lượng hải quân, hải giám, và tàu cá quân sự số một châu Á.

Những lời ngợi ca đó không sai. Nhưng coi họ là anh hùng, phần đông chúng ta có thể hồn nhiên sống, thi thoảng căm phẫn với sự ngang ngược của Trung Quốc trên mạng xã hội, rồi dễ dàng quên đi trách nhiệm của chính mình. Coi họ là anh hùng, chúng ta cũng nghiễm nhiên xem ngư dân là siêu nhân, có thể sống khắc khổ hơn những người khác, có thể chống chọi cả những mối nạn trên bờ như mất chỗ đậu thuyền vào tay các khu resort, hay biển cả bị nhiễm độc.

Trước khi làm anh hùng, ngư dân vẫn là ngư dân. Anh Thọ, anh Hoài, và rất nhiều anh hùng Hoàng Sa khác, cần phải kiếm sống để chăm lo cho gia đình. Họ cũng cần phải bảo toàn tính mạng, cho mình và cho người thân. Bất đắc dĩ phải treo lưới, nhưng anh Thọ nói với tôi rằng ngay cả nghề xe ôm của anh ở Lý Sơn cũng dần trở nên bấp bênh, khi các hãng taxi đã bắt đầu thâm nhập thị trường du lịch đầy tiềm năng của đảo. Anh vẫn hy vọng có thể vay được vốn để đóng thuyền, quay lại dựa vào biển bạc để mưu sinh.

Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc không phải của riêng ai. Nếu ngư dân là “tiền đồn” của đất nước, trực tiếp đối diện với hiểm nguy, thì những người khác phải đảm bảo cho họ an tâm ra biển.

Đừng gán cho họ những mỹ từ mà quên đi đằng sau đó là những thân phận.

Nguyễn Khắc Giang

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image