Tìm kiếm
Thứ Sáu, 29/03/2024 02:36

Sau ‘giải cứu’ nông sản: Cần giải pháp tận gốc

10:52:00 07/05/2017

[Báo Pháp Luật - 07/05/17 - Ông Nguyễn Kim Đoán, Ông Trần Đức Vinh Quang, TS Võ Mai, TS Nguyễn Đức Thành, GS. Võ Tòng Xuân, Thứ Trưởng Vũ Văn Tâm, Ông Nguyễn Lâm Viên, Ông Nguyễn Ngọc An] Việc “giải cứu” tìm đầu ra cho nông sản ế chỉ là giải pháp trước mắt, cần có những giải pháp lâu dài, bền vững ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản.

Từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước lao vào “giải cứu” nông sản, hết giúp người trồng chuối ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh thì đến những chuyến xe nặng tình giúp bà con nông dân trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi… Và mới đây cả nước tập trung sức lực vào giải cứu heo cho người chăn nuôi trên khắp cả nước từ Đồng Nai cho tới tận Hà Nội, Hưng Yên…

Ra đường là gặp những “anh hùng giải cứu”

Cuối tháng 2 năm nay, nông dân trồng chuối nhiều địa phương điêu đứng vì giá chuối bán tại vườn 14.000-17.000 đồng/kg giảm thê thảm chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg. Nhiều vườn còn không có thương lái đến mua, nông dân đành để chuối chín hư, làm thức ăn cho bò. Hay chỉ mới cách đây vài tuần, tại Quảng Ngãi giá dưa hấu xuống chỉ còn 1.000 đồng/kg, nhiều ruộng dưa chờ đến nứt toác vẫn không có người mua.

Nóng nhất là người nuôi heo từ Nam ra Bắc chịu cảnh rớt giá heo hơi từ mức giá lên tới 50.000 đồng/kg giảm còn 24.000-25.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ bán dưới 20.000 đồng/kg, heo tồn đọng bán không ai mua, thua lỗ nặng nề.

Nguyên nhân chung khiến giá các loại nông sản, giá heo giảm mạnh, nông dân thua lỗ đều do thị trường Trung Quốc (TQ) ngừng mua đột ngột, các thương lái nước này tìm cách ép giá nông dân.

Cả nước từ cá nhân đến doanh nghiệp (DN), đến các tổ chức, đoàn thể, bộ ngành, thậm chí Chính phủ đều “xắn tay áo” cùng nhau thực hiện các “phi vụ giải cứu” nông sản.

Từ các chuyến xe “giải cứu” mang tính cá nhân, một vài nhóm hoạt động xã hội, nhóm tình nguyện viên kêu gọi đã thu hút các DN, nhà hảo tâm cùng tham gia thu mua dưa hấu, chuối cho bà con nông dân. Đến khi Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cùng thông báo tìm cách giải cứu các loại nông sản đang bế tắc đầu ra, giá bán quá thấp khiến nông dân thua lỗ.

Đến thời điểm này “giải cứu heo” vẫn tiếp diễn, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá heo hơi hiện nay đã tăng khoảng 5.000-6.000 đồng/kg lên mức 30.000 đồng/kg, dù vẫn thấp hơn giá thành nhưng giúp người chăn nuôi heo bớt lỗ phần nào.

“Khi báo chí phản ánh tình hình thua lỗ nặng nề, heo tồn đọng, giá rẻ như cho khi TQ ngừng mua đã tác động tạo nên một cuộc giải cứu cho người nuôi heo. Các đơn vị bán lẻ, siêu thị đã chấp nhận giảm giá bán thịt 20%-30% để kích cầu tiêu dùng, tăng đầu ra. Các công ty chăn nuôi, giết mổ đã bắt đầu tiến hành tăng thu mua heo, giết thịt cấp đông với số lượng lớn hơn bình thường. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT tỉnh này thu mua heo hơi với giá cao hơn giá thị trường 20%-25%, mở các điểm bán ngay tại các huyện, TP với giá thịt rẻ hơn thị trường 25%-40%” - ông Đoán nói.

Theo ông Đoán, việc “giải cứu” heo đã có kết quả bước đầu khi giá heo hơi tăng, giá thịt đầu ra giảm. Dự kiến sắp tới người nuôi heo sẽ thở phào nhẹ nhõm hơn khi Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các công ty lớn về chế biến thực phẩm, các khu công nghiệp vào cuộc “giải cứu” heo.

Sau ‘giải cứu’ nông sản: Cần giải pháp tận gốc - ảnh 1
Người nuôi heo mừng vì được cả nước tham gia “giải cứu”, giá heo hơi giờ đang nhích lên, người nuôi bớt lỗ phần nào. Ảnh minh họa: QH

Phải có giải pháp tổng thể bắt đầu từ Nhà nước

Các DN, chuyên gia lẫn chính nông dân cũng nhận ra rằng “giải cứu” chỉ giải quyết được phần ngọn của thực trạng này mà quên giải quyết phần gốc.

Ông Trần Đức Vinh Quang, chủ trang trại heo ở Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai, cho biết người nuôi heo mừng vì được cả nước tham gia “giải cứu”, giá heo hơi giờ đang nhích lên, người nuôi bớt lỗ phần nào.

“Nhưng cần giải pháp lâu dài, chứ được “giải cứu”, các hộ nuôi nhỏ lẻ tiếp tục nuôi tự phát, không ai kiểm soát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những trang trại nuôi quy mô công nghiệp, chất lượng VietGAP, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Các cơ quan quản lý kiểm soát quy hoạch vùng nuôi, thông tin thị trường cho vùng nuôi, cân đối cung cầu, kiểm soát được chất lượng thì mới ổn định đầu ra cho ngành chăn nuôi” - ông Quang kiến nghị.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng câu chuyện giải cứu nông sản ế phải có giải pháp tổng thể bắt đầu từ Nhà nước, phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản.

“Phải tổ chức phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng nguyên liệu được quy hoạch. Liên kết được các hộ nông dân, trang trại nhỏ lẻ thành hợp tác xã mới giải quyết được bài toán sản xuất manh mún, mới có thể đưa công nghệ sản xuất hiện đại, ký kết hợp tác DN chế biến, bán lẻ, xuất khẩu” - TS Mai nói.

Đồng quan điểm với TS Võ Mai, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thành viên nhóm tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng lỗi ở đây không phải do nông dân mà chính do năng lực của hai bộ NN&PTNT và Công Thương về trách nhiệm trong việc nông sản ế đọng phải “giải cứu”.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, hai bộ này thiếu hệ thống cảnh báo, thông tin thị trường kịp thời cho các ngành sản xuất nông sản, ngành chăn nuôi. Còn vấn đề nguồn cung vượt cầu, TS Thành cho rằng không cần giải pháp mà để tự thị trường điều chỉnh, nông dân sản xuất nông sản không đảm bảo chất lượng, không liên kết tiêu thụ thì sẽ tự họ ngừng sản xuất, nguồn cung tự cân đối với nhu cầu.

Các chuyên gia khác cũng cho rằng trách nhiệm của cơ quan quản lý chính là cảnh báo thông tin thị trường kịp thời cho người dân, đơn cử như khi thị trường TQ siết cửa biên giới hay nước này dư thừa nguồn cung, có thêm nguồn hàng giá rẻ, chất lượng hơn từ nước khác cung cấp thì các bộ, ngành phải nắm bắt thông tin sớm, thông tin ngay cho các địa phương để nông dân biết được.

GS VÕ TÒNG XUÂNchuyên gia nông nghiệp:

Cần tuyên truyền cho người tiêu dùng mua thịt heo đông lạnh

Sau ‘giải cứu’ nông sản: Cần giải pháp tận gốc - ảnh 2

Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ cho DN áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm nông sản, chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thói quen tiêu dùng ăn thịt heo tươi của người Việt vừa không đảm bảo vệ sinh vừa gây khó cho khâu bảo quản, chế biến, khó trong việc điều tiết nguồn cung. Vì vậy cần tuyên truyền và tạo được lòng tin cho người tiêu dùng thịt heo đông lạnh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rã đông xong thịt vẫn ăn ngon. Khi đó các trung tâm chế biến thịt có thể mở rộng kho đông lạnh của mình để tạm trữ thịt heo tươi. Khi đó các nhà hàng, khách sạn, các chuỗi siêu thị bán lẻ, các cửa hàng tiện lợi khắp nơi trong nước nên mở kho lạnh của mình cho tạm trữ thịt heo.

Về lâu dài, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương nên có hệ thống tiên đoán được khối lượng và giá cả mỗi loại hàng nông sản là bao nhiêu để thông báo cho các địa phương. Hoặc Nhà nước cần nắm được thị trường nước nào đang thiếu hàng nông sản gì mà Việt Nam ta có thể sang chào hàng, mở thị trường.

Các thương vụ Việt Nam tại các nước phải thường xuyên thông báo về cho Bộ NN&PTNT biết để thông báo kịp thời cho các địa phương. Như TQ, hai bộ cần thương thuyết ký hiệp ước giao thương các mặt hàng cụ thể chưa ghi chi tiết trong các hiệp định tự do thương mại. Hiệp định này sẽ làm cơ sở cho các công ty Việt Nam sang tìm đối tác TQ ký hợp đồng mua bán hàng nông sản một cách chính thức như một số công ty Việt Nam đã thực hiện, thay vì chỉ xuất theo tiểu ngạch.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT VŨ VĂN TÁM:

Chỉ là giải pháp giảm thua thiệt cho nông dân trước mắt

Sau ‘giải cứu’ nông sản: Cần giải pháp tận gốc - ảnh 3

“Giải cứu” nông sản hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giảm thua thiệt cho nông dân trước mắt, còn về lâu dài cần phải nắm rõ thị trường để có định hướng đúng trong việc mở rộng diện tích nông sản xuất khẩu.

Các loại nông sản như chuối, dưa hấu nhiều nước có nhu cầu tiêu thụ rất lớn nhưng với chất lượng, loại giống nông dân đang trồng không thể đủ điều kiện tiêu thụ trong nước chứ chưa nói tới xuất khẩu. Như trái chuối hiện nay đã có nhiều công ty trồng quy mô lớn theo tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng thu được hiệu quả cao.

Đối với sản phẩm chăn nuôi, một công ty tại Đồng Nai đã liên kết với đối tác Nhật Bản sắp tới đây xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật với giá trị gia tăng rất cao. Việt Nam hiện đã có công ty xuất khẩu hàng triệu con heo sữa mỗi năm sang Hong Kong (TQ) với giá bán cao. Đấy là chưa kể nhiều thị trường rộng lớn, tiềm năng mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do như Nga, các nước Đông Âu…

Để tăng đầu ra xuất khẩu thì cần tăng năng lực của DN chăn nuôi, chế biến thực phẩm trong nước, năng lực của các DN còn hạn chế, nhất là về khâu cấp đông, chế biến sản phẩm đóng hộp, sản phẩm chế biến ăn liền.

Ông NGUYỄN LÂM VIÊN, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit:

Nguồn cung dồi dào nhưng giá trị xuất khẩu không cao

Sau ‘giải cứu’ nông sản: Cần giải pháp tận gốc - ảnh 4

Nông sản Việt Nam đa dạng, nguồn cung dồi dào nhưng giá trị xuất khẩu không cao vì chủ yếu xuất bán dạng thô, ít hàng chế biến có giá trị gia tăng cao.

Nhà nước nên có chính sách chú trọng xây dựng khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch nông sản trở thành một trong những giải pháp chính để hỗ trợ tiêu thụ và giúp sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững hơn. Việc đầu tư vào ngành chế biến nông sản từ các kho mát, trữ đông ngay tại vùng nguyên liệu. Để làm được điều này cần khuyến khích DN tư nhân tham gia vào lĩnh vực này và để thu hút đầu tư, Nhà nước cần hỗ trợ vốn vay lãi suất cực thấp, hỗ trợ quỹ đất, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản ra thị trường thế giới. 

Ông NGUYỄN NGỌC ANTổng Giám đốc Vissan:

Tiêu chuẩn VietGAP sẽ loại bỏ những trại heo sử dụng chất cấm

Sau ‘giải cứu’ nông sản: Cần giải pháp tận gốc - ảnh 5

Cần phát triển vùng nuôi, thậm chí các vùng trồng nông sản theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, thậm chí GlobalG.A.P. để nông sản, sản phẩm chăn nuôi có chất lượng tốt, vừa tiêu thụ trong nước và có thể xuất khẩu.

Hiện các công ty chăn nuôi đang thu mua, giết mổ, chế biến 100% heo đạt chuẩn VietGAP với giá cao hơn giá thị trường. Nếu quy hoạch các vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ sàng lọc, loại bỏ những trang trại heo sử dụng chất cấm, kháng sinh, bơm nước… Loại bỏ nhiều khâu trung gian thương lái, giảm chi phí, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh. Khi đó lượng heo nuôi sẽ ổn định đầu ra, chất lượng đủ sức mở các thị trường xuất khẩu.

QUANG HUY

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image