Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Năm, 25/04/2024 01:54

Seminar nghiên cứu kinh tế Trung Quốc số 27 “Điều kiện hình thành các khu hợp tác kinh tế qua biên giới (Việt – Trung)”

10:09:00 28/12/2018

Sáng ngày 27/12, Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Việt Nam tổ chức Seminar số 27 với tên gọi “Điều kiện hình thành các khu hợp tác kinh tế qua biên giới (Việt – Trung)”. Buổi hội thảo được chủ trì bởi TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), với sự chia sẻ PGS, TS. Nguyễn Anh Thu đã thu hút được nhiều sự quan tâm và tham dự của các nhà kinh tế, và chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế Trung Quốc.

Mời quý bạn tham khảo tài liệu seminar tại đây, click để tải về:https://bit.ly/2LF2e5n

Mở đầu chương trình, TS. Phạm Sỹ Thành đã phát biểu khai mạc hội thảo, chỉ ra rằng sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ngày càng sâu rộng và phát triển, với nhiều sáng kiến chưa từng có tiền lệ. Do đó việc nghiên cứu về các mô hình hợp tác kinh tế, trong đó có vấn đề về hợp tác kinh tế vùng biên giới là khía cạnh hết sức quan trọng. 

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR

TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR

TS. Pham Hùng Tiến - đại diện Viện Friedrich Naumann Việt Nam

Cùng chung quan điểm, TS. Pham Hùng Tiến, đại diện Viện Friedrich Naumann Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò của các khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Trung với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.​

Ngay sau đó, PGS-TS. Nguyễn Anh Thu đã bắt đầu bài trình bày của mình với những tổng quan lý thuyết và tình hình phát triển của các mô hình hợp tác tại khu vực biên giới trên thế giới. PGS-TS. Thu đã chỉ ra rằng, mô hình hợp tác theo hình thức của Việt Nam và Trung Quốc là chưa từng xuất hiện, do đó còn thiếu cơ sở lý luận cho phần này. Việt Nam và Trung Quốc đã khởi động các vòng đàm phán xung quanh vấn đề hình thành các khu hợp tác qua kinh tế từ lâu, và hai bên đã ra các chính sách, nghị quyết nhằm thúc đẩy quá trình này. Trong nghiên cứu này, PGS-TS. Nguyễn Anh Thu đã chọn ra 4 tỉnh là Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh và Lạng Sơn nhằm định hình mô hình hợp tác phù hợp. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các địa phương này rất sẵn sàng tham gia hợp tác và đã có những quy hoạch ban đầu. Nghiên cứu cũng khảo sát khu vực doanh nghiệp tại các địa phương này và nhận thấy rằng các hoạt động kinh tế tại đây sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Tuy nhiên hiện tại các địa phương này còn quá nhiều chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng kết nối dẫn tới việc xác định một mô hình hợp tác tổng quát là tương đối khó khăn.

PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, Đại học Kinh tế-ĐH Quốc gia Hà Nội

Sau khi PGS-TS. Anh Thu kết thúc phần trình bày của mình, các đại biểu tham dự chương trình đã tham gia đóng góp ý kiến hết sức sôi nổi. Mở đầu, GS, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam cần có những chính sách cụ thể nhằm hợp tác hiệu quả với Trung Quốc, tránh những cản trở do sự chênh lệch trình độ kinh tế giữa hai bên. Đồng quan điểm, TS. Phạm Sỹ Thành cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều hình thức cạnh tranh phi thị trường nên giới kinh doanh tại Việt Nam cần có chiến lược hợp tác cụ thể và hiệu quả. PGS-TS. Lê Cao Đoàn thì cho rằng nghiên cứu này cần phải chỉ rõ hơn những quan hệ kinh tế nằm trong mô hình hợp tác kinh tế qua biên giới này.
Cuối chương trình, các chuyên gia tham dự chương trình đã đi đến đồng thuận rằng nghiên cứu này của PGS-TS. Anh Thu và cộng sự là hết sức quan trọng và có ý nghĩa. Căn cứ vào đó, các cơ quan thẩm quyền có thể xây dựng các chính sách phát triển phù hợp.

VCES team

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image