Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Sáu, 29/03/2024 08:06

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 01

10:12:00 21/08/2014

Sáng ngày 20/8/2014, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 01 với chủ đề: “Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sau khủng hoảng năm 2008”.

Download tài liệu seminar tại ĐÂY

Chuỗi Seminar về Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc được tổ chức định kì 2 tháng một lần, do Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) chủ trì, với mong muốn đây sẽ là diễn đàn để các nhà nghiên cứu trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, từ đó tạo thành một mạng lưới của giới nghiên cứu trao đổi về các vấn đề liên quan đến chính trị, ngoại giao, xã hội, an ninh…của Trung Quốc.  

Diễn giả seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 01 là tiến sĩ Lê Khương Thùy, Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

TS. Lê Khương Thùy đang trình bày bài nghiên cứu

Buổi Seminar có sự góp mặt của các chuyên gia của VEPR, các nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu, các nhà báo và các sinh viên đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội như Viện Nghiên cứu Biển Đông, Viện Kinh tế Việt Nam, Tổng cục Hải quan v.v.

Bài nghiên cứu của TS. Lê Khương Thùy gồm 3 vấn đề chính: (1) Điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, (2) Điều chỉnh chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ, và (3) Đánh giá tác động chính sách của Mỹ với Trung Quốc và dự báo quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Những điều chỉnh về chiến lược toàn cầu của Mỹ được tác giả phân tích cặn kẽ, tập trung vào các lĩnh vực như giảm can thiệp trên nhiều mặt trận, đòi hỏi NATO phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn và chuyển trọng tâm vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương vốn đang bị Trung Quốc lấn sân. Chính quyền Obama hướng đến cách tiếp cận “bên liên quan có trách nhiệm” đối với Trung Quốc. Mỹ cũng đòi hỏi Trung Quốc cần có một sự “bảo đảm chiến lược” đối với Mỹ nhằm tránh sự cạnh tranh chính trị - an ninh. Obama xác định rõ khuôn khổ quan hệ Mỹ - Trung là “Tích cực, hợp tác và toàn diện trong thế kỷ XXI”.

Về những điều chỉnh trong chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ. Kể từ năm 2009, Trung Quốc tin rằng có sự chuyển dịch cán cân quyền lực quốc tế. Với việc liên tục tăng cường sức mạnh quân sự, Trung Quốc cho rằng với tương quan thực lực hiện nay Trung Quốc cần có vai trò bình đẳng hơn với Mỹ và Mỹ cần tôn trọng các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Tinh thần này được quán triệt trong các hoạt động ngoại giao của hai bên từ đó tới nay.

Sau cùng, bài nghiên cứu đề cập một số đánh giá tác động chính sách của Mỹ với Trung Quốc và dự báo về quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian tới. Nghiên cứu khẳng định rằng sự trỗi dậy và hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là lý do chính khiến Mỹ điều chỉnh chiến lược “tái cân bằng” sang châu Á – Thái Bình Dương. Nét mới trong cách tiếp cận Trung Quốc của Mỹ là nhận thức rõ tuy tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn nhưng bất đồng là đương nhiên và cạnh tranh là tất yếu. Mỹ sẽ thúc đẩy Trung Quốc thực hiện vai trò nước lớn trong hệ thống quốc tế do Mỹ lãnh đạo.

Bài nghiên cứu nhận được sự đón nhận và thảo luận rất sôi nổi của những người tham dự. Nhiều câu hỏi được đặt ra tập trung vào hai nhóm  vấn đề chính, bao gồm: (1) Nhận diện như thế nào về tương quan sức mạnh tổng hợp của Mỹ và Trung Quốc tại khu vực cũng như của riêng từng nước; (2) Việt Nam nên theo đuổi chính sách nào để ứng phó với tình hình và tận dụng các cơ hội.

Trả lời các câu hỏi này, TS. Lê Khương Thùy cho biết, trong bối cảnh tương quan chênh lệch lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng thu hẹp và khu vực châu Á – Thái Bình Dương được chọn là nơi trọng điểm diễn ra các đối đầu chính, Việt Nam phải có chính sách hết sức đồng bộ trong các mối quan hệ, có thể hợp tác ở mức độ nào đó với Mỹ mà không nhất thiết phải trở thành đồng minh.

Ngoài phần hỏi đáp với diễn giả, TS. Phạm Sỹ Thành - chủ trì buổi Seminar – và một số nhà nghiên cứu tham dự cũng trao đổi thông tin về các vấn đề quan trọng của Mỹ, Trung Quốc và quan hệ Mỹ - Trung. Như, tình hình năng lượng của mỗi nước; các vấn đề nội bộ về xã hội, chính trị của Trung Quốc; vai trò của Trung Á đối với Trung Quốc và cạnh tranh Mỹ - Trung tại khu vực; vai trò của các đồng minh Mỹ tại khu vực v.v.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image