Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Sáu, 19/04/2024 07:51

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 03 “Vấn đề nhập siêu trong quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc từ 2001-2013”

12:23:00 23/12/2014

Sáng ngày 19/12/2014, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) đã tổ chức thành công Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 03 mang tên “Vấn đề nhập siêu trong quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc từ 2001-2013”.

Download tài liệu tại ĐÂY

 

Toàn cảnh buổi Seminar

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 03 nằm trong Chuỗi Seminar về Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc được tổ chức định kì 2 tháng một lần, do Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) chủ trì, với mong muốn mở ra một diễn đàn để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, từ đó tạo thành một mạng lưới của giới nghiên cứu trao đổi về các vấn đề liên quan đến chính trị, ngoại giao, xã hội, an ninh liên quan tới Trung Quốc.

Diễn giả Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 03 là Thạc sĩ Phạm Bích Ngọc, Phó trưởng phòng Quan hệ Kinh tế Quốc tế, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Seminar có sự góp mặt của các học giả, các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị ở các viện nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên đến từ các trường Đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

ThS. Phạm Bích Ngọc đang trình bày bài nghiên cứu

Bài nghiên cứu của Thạc sĩ Phạm Bích Ngọc gồm 5 nội dung chính: (1) Thực trạng nhập siêu trong cán cân thương mại Việt Nam – Trung Quốc; (2) Chính sách thương mại Việt Nam – Trung Quốc; (3) Nhận xét và đánh giá tình trạng này; (4) Phân tích nguyên nhân của tình trạng nhập siêu; (5) Các giải pháp chính sách giảm nhập siêu.

Trong phần trình bày của mình, diễn giả tập trung phân tích cơ cấu thương mại Việt Nam – Trung Quốc, so sánh với cơ cấu thương mại giữa Trung Quốc với các nước ASEAN thặng dự thương mại với Trung Quốc (Thái Lan, Malaysia, Philippin), tiếp đó phân tích chính sách thương mại Việt – Trung để tìm ra đặc điểm, nguyên nhân của tình trạng nhập siêu của Việt Nam. Nhận xét về tình trạng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc, diễn giả chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên là do mô hình tăng trưởng bất hợp lý của nền kinh tế Việt Nam; hệ thống chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, còn chồng chéo, nhiều kẽ hở; cơ chế quản lý trong nước còn nhiều bất cập,…

Cuối cùng, ThS, Phạm Bích Ngọc đưa ra vài giải pháp chính sách làm giảm nhập siêu đối với 3 cấp khác nhau là chính phủ, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. Diễn giả kiến nghị chính phủ nên điều chỉnh cơ cấu xuất nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và mở rộng quan hệ với các đối tác thương mại khác; đối với các doanh nghiệp nên chủ động hơn trong hoạt động đấu thầu, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước, phát triển chuỗi công nghiệp phụ trợ; đối với hiệp hội doanh nghiệp cần đẩy mạng công tác phân tích thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường tiềm năng và là cầu nối giữa doanh nghiệp và chính phủ.

ThS. Đặng Ngọc Trâm đang trao đổi ý kiến

Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với sự trao đổi của nhiều người tham dự. Một số ý kiến nổi bật đi sâu vào việc phân tích nguyên nhân đằng sau việc Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thầu EPC của Việt Nam, đi kèm với các gói thầu là hàng loạt máy móc thiết bị với hàm lượng kỹ thuật thấp tràn vào Việt Nam. Luật đấu thầu cũng là một trong những vấn đề được đưa ra bàn luận, các ý kiến đều đi đến thống nhất là cần có sự thay đổi trong luật đấu thầu ở Việt Nam như trong các cuộc đấu thầu, ngoài yếu tố về giá, còn phải xét đến hồ sơ kỹ thuật đạt chuẩn. Cuộc thảo luận cũng chỉ ra cần nhìn vấn đề nhập siêu dưới cái nhìn đa chiều, nhận thấy cả mặt  tích cực và tiêu cực của tình trạng này, từ đó có những điều chỉnh theo hướng tận dụng tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của nhập siêu giữa Việt Nam – Trung Quốc.

TS. Phạm Sỹ Thành đang góp ý cho bài trình bày

Kết thúc buổi Seminar, TS. Phạm Sỹ Thành - chủ trì – và một số nhà nghiên cứu tham dự trao đổi thông tin về một số vấn đề liên quan đến quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc như thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, mô hình phát triển của các doanh nghiệp Đài Loan, chuỗi hợp tác toàn cầu,… 

 

Báo chí đưa tin về hội thảo

[dddn.com.vn - 27/12/2014]  Hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc: Tìm giải pháp đồng bộ

[tuoitre.vn - 19/12/2014] Nhập siêu từ Trung Quốc, Việt Nam khó hiện đại hóa 

[laodong.com.vn - 23/12/2014] Đằng sau lời than "kiệt sức" 

[baohaiquan.vn - 22/12/2014] Nhập siêu từ Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam

Một số hình ảnh của Seminar:

 

B

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image