Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Sáu, 29/03/2024 03:02

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 11

10:28:00 03/07/2013

Chiều ngày 28/06/2013, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR ) đã tổ chức Seminar nghiên cứu kinh tế và chính sách số 11 với chủ đề "Ứng dụng mô hình IDP trong đánh giá hoạt động đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Việt Nam và thị trường Lào 1989-2013".

Diễn giả là ThS. Phùng Thanh Quang và Nguyễn Quang Thái. ThS. Phùng Thanh Quang là giảng viên tại Viện Ngân hàng Tài chính, trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ThS. Quang là các vấn đề về tài chính và đầu tư quốc tế, cùng hoạt động quản lý tại các ngân hàng thương mại. Nguyễn Quang Thái hiện đang là sinh viên năm thứ ba, chuyên ngành tài chính doanh nghiệp tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 2012, đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên "Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản và bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam" của Thái đã được giải nhì cấp trường và giải ba cấp Bộ. Năm 2013, Thái tiếp tục nghiên cứu và tham gia cuộc thi Tài năng Khoa học Trẻ Việt Nam với đề tài nghiên cứu "Dòng vốn vào và bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam".

Nhóm tác giả: ThS. Phùng Thanh Quang (bên phải) và Nguyễn Quang Thái

Tham dự seminar có sự góp mặt của các chuyên gia cao cấp đến từ VEPR: TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Phạm Sỹ Thành (VEPR), các nghiên cứu viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, học viên và sinh viên đến từ các trường đại học.

Bài nghiên cứu tóm tắt những vấn đề cơ bản về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (outward FDI) dựa trên các nghiên cứu của cả thế giới và Việt Nam, đồng thời tổng kết kinh nghiệm quốc tế và đưa ra được một số bài học ban đầu cho Việt Nam. Nhóm tác giả phân tích tổng quan thực trạng hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Lào trong giai đoạn 1989-2013; và ứng dụng mô hình IDP (Investment Development Path) của Dunning nhằm đánh giá các nhân tố tác động đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt Nam sang Lào trong giai đoạn này. Kết quả mô hình cho thấy các yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lên dòng vốn FDI của Việt Nam sang Lào bao gồm dòng vốn FDI vào Việt Nam, đầu tư ngân sách cho khoa học công nghệ và GDP bình quân đầu người của Việt Nam; trong đó, GDP bình quân đầu người có ảnh hưởng mạnh nhất, trong khi biến đầu tư ngân sách cho khoa học công nghệ mặc dù có ảnh hưởng nhưng tác động không nhiều. Cuối cùng, nhóm tác giả điểm qua một số xu thế đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong một vài năm trở lại đây, đồng thời đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay dựa trên triển vọng đầu tư giữa Việt Nam và Lào.

Song song với phần trình bày của nhóm tác giả là những nhận xét chuyên môn của các chuyên gia. TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý bài nghiên cứu phải đi sâu vào bản chất của vấn đề: đầu tư của Việt Nam sang Lào vì lợi nhuận hay địa chính trị, các yếu tố khác tác động ra sao? TS. Thành cũng lưu ý các tác giả sự khác nhau giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở khía cạnh lịch sử, khi doanh nghiệp Nhật Bản thua lỗ nặng nề vì tài sản ở nước ngoài bốc hơi do đồng Yên Nhật mạnh lên sau Hiệp ước Plaza. Đồng Yên mạnh cũng là lí do thúc đẩy doanh nghiệp Nhật đầu tư ra bên ngoài tìm kiếm lợi nhuận, khác với Trung Quốc, rút kinh nghiệm từ bài học Hiệp ước Plaza, chuyển hướng đầu tư vào các mỏ tài nguyên khoáng sản, mua các công ty công nghệ cao, lũng đoạn chính phủ các nước nhỏ. Về việc chọn Nhật Bản và Trung Quốc để so sánh, TS. Phạm Sỹ Thành nghi vấn lí do chọn 2 quốc gia này vì bản chất OFDI của 2 nước này khác nhau.

Về mô hình IDP trong nghiên cứu này, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng chưa thực sự hợp lý, cần thay đổi biến, xử lý mô hình chuỗi thời gian, kiểm định tính dừng và lấy sai phân để có ý nghĩa hơn. TS. Phạm Sỹ Thành chỉ ra mô hình IDP mới chỉ đo lường quy mô (lượng), còn chưa đo lường về hiệu quả (chất). Các tác giả có thể nghiên cứu theo các hướng như tác động đến tăng trưởng dưới dạng vốn, thay đổi kết cấu ngành, tác động đến thị trường tài chính, hiệu ứng lan toả kỹ thuật (ngang và dọc).

Trong phần thảo luận chung, nhóm tác giả đã giải đáp cụ thể những thắc mắc và tiếp thu nghiêm túc những ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và phát triển bài nghiên cứu trong tương lai.

Download tài liệu tại ĐÂY

Một số hình ảnh của Seminar

Nhóm tác giả chúc mừng 5 năm thành lập VEPR

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image