Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Chủ Nhật, 22/12/2024 02:31

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 22

10:17:00 03/09/2014

Chiều ngày 29/08/2014, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR ) đã tổ chức Seminar nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 22 với chủ đề Mô hình cảnh báo khủng hoảng – Áp dụng đối với Đông Nam Á.

Download tài liệu tại ĐÂY

Diễn giả là ThS. Nguyễn Thị Lan Anh tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương Hà Nội, chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại. Sau đó, Lan Anh học thạc sỹ tại Toulouse School of Economics, chuyên ngành Thị trường tài chính và các định chế trung gian. Hiện nay, ThS. Lan Anh đang công tác tại Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Học viện Ngân hàng. Phân tích rủi ro và phân tích tài chính là những lĩnh vực mà ThS. Lan Anh quan tâm.

ThS. Nguyễn Thị Lan Anh đang trình bày bài nghiên cứu

Bài nghiên cứu xem xét khả năng áp dụng của mô hình KLR phát triển bởi G. Kaminsky, S. Lizondo và C. Reinhart trong việc dự đoán khủng hoảng châu Á 1997 - cuộc khủng hoảng gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của các nước Đông Nam Á, nơi gặt hái thành công nhất về mặt tăng trưởng và nâng cao mức sống. Nghiên cứu chỉ ra rằng mô hình KLR không chỉ thành công trong việc cảnh báo khủng hoảng 1997 (in sample) mà còn đối với khủng hoảng tài chính năm 2008 (out-of-sample). Trong 10 chỉ số được chọn nghiên cứu thì dự trữ ngoại tệ, cung tiền/dự trữ ngoại tệ, xuất khẩu và nhập khẩu là bốn chỉ số có thể dự báo khủng hoảng rõ ràng nhất.

Diễn giả Nguyễn Thị Lan Anh chụp ảnh cùng lãnh đạo và nhóm nghiên cứu của VEPR

Tại buổi toạ đàm, nhiều người tham dự đồng tình với cách tiếp cận của diễn giả trong việc xác định cột mốc của các cuộc khủng hoảng tiền tệ và mô hình dự báo thời điểm xảy ra khủng hoảng. TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng việc sử dụng chỉ báo dự trữ ngoại tệ hay cung tiền/dự trữ ngoại tệ chưa hợp lý. Sự thay đổi theo hướng xấu đi của các chỉ báo này chính là một triệu chứng của khủng hoảng tiền tệ, cho nên dùng các chỉ báo này để dự báo thời điểm của cuộc khủng hoảng không mang nhiều ý nghĩa. Kết quả mô hình cũng chỉ ra các các dấu hiệu đã vượt qua ngưỡng cảnh báo một năm trước khi khủng hoảng xảy ra trong cả hai trường hợp in-sample và out-of-sample, như vậy chứng tỏ mô hình có tính cảnh báo trước. Tuy vậy, việc các chỉ báo này xuống dưới ngưỡng cảnh báo chỉ vài tháng trước khi khủng hoảng nổ ra đặt ra câu hỏi về hàm ý đối với người điều hành chính sách tiền tệ. Buổi toạ đàm kết thúc thành công với nhiều ý tưởng nghiên cứu được đặt ra từ công trình của thạc sỹ Nguyễn Thị Lan Anh.

 

 

 

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image