Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Tư, 24/04/2024 05:40

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 30

12:35:00 14/09/2015

Chiều ngày 10/09/2015, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Khoa Kinh tế quốc tế, trường ĐH Ngoại thương Hà Nội tổ chức seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 30 với chủ đề “Năng suất lao động cao hơn ở khối doanh nghiệp nhập khẩu vừa và nhỏ tại Việt Nam: Hiệu ứng tự chọn lọc, hiệu ứng học hỏi từ nhập khẩu, hay cả hai?”

Tải tài liệu seminar tại đây

Seminar này nằm trong chuỗi seminar trong lĩnh vực Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách được tổ chức định kì do VEPR chủ trì, với mong muốn đây sẽ là diễn đàn để các nghiên cứu trẻ trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, từ đó tạo thành một mạng lưới của giới nghiên cứu trao đổi với sự  hợp tác và hỗ trợ của nhiều tổ chức lớn khác như Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các Viện chiến lược ở các Bộ, các Học viện và Viện trong các Trường Đại học.

Diễn giả Nguyễn Thị Hoa

Diễn giả của seminar là chị Nguyễn Thị Hoa, nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN). Nguyễn Thị Hoa tốt nghiệp Cử nhân chương trình chất lượng cao tại Đại học Ngoại thương Hà Nội, chuyên ngành Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế. Lĩnh vực nghiên cứu chính của Nguyễn Thị Hoa hiện nay là phân tích số liệu và nghiên cứu định lượng, nghiên cứu thị trường. Hoa từng đạt giải nhì cuộc thi Khóa luận tốt nghiệp xuất sắc năm 2015 do Đại học Ngoại thương Hà Nội tổ chức.

Toàn cảnh Seminar nghiên cứu kinh tế và chính sách số 30

Tham dự Seminar có sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế, nghiên cứu viên, giảng viên và sinh viên đến từ các trường đại học. Bài nghiên cứu thực hiện đánh giá ảnh hưởng của hoạt động nhập khẩu lên năng suất lao động các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ năm 2005 đến 2013 thông qua bộ số liệu SMEs. Nghiên cứu sử dụng các mô hình hồi quy tuyến tính, Probit, phương pháp điểm xu hướng và chỉ ra một số kết quả chính như năng suất của doanh nghiệp nhập khẩu hoạt động hiệu quả hơn doanh nghiệp chỉ hoạt động trong nước. Mức trội năng suất này là do hiệu ứng tự chọn lọc chứ không phải do hiệu ứng học hỏi từ nhập khẩu.

Bài nghiên cứu thu hút nhiều ý kiến và thảo luận xung quanh các vấn đề về năng suất lao động tại các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ tại Việt Nam. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đánh giá cao chất lượng của bài nghiên cứu, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến và gợi ý nhiều hướng phát triển tiếp theo cho bài viết. Các ý kiến thảo luận chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại của mô hình như số liệu, mẫu quan sát sử dụng, cách phân loại các doanh nghiệp nhập khẩu và vấn đề nội sinh. Đồng thời, một số chuyên gia về kinh tế lao động cũng như mô hình kinh tế lượng đã gợi ý sử dụng thêm một số mô hình khác nhằm khắc phục vấn đề nội sinh trong mô hình. Ngoài ra, có thể cân nhắc sử dụng bộ số liệu Điều tra doanh nghiệp nhằm so sánh kết quả giữa hai bộ số liệu và đánh giá chính xác hơn năng suất lao động tại các doanh nghiệp của Việt Nam.

 

Thanh Tùng

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image