Tìm kiếm
Thứ Tư, 17/04/2024 01:26

Tăng cường trao đổi nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản

09:10:00 26/05/2017

[Tuổi trẻ Thủ đô - 26/05/17] Ngày 26/5, tại Khách sạn Pan Pacific, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), phối hợp với Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR), tổ chức Hội thảo “Tăng cường trao đổi nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng”.

Hội thảo diễn ra với sự tham dự của hơn 120 khách mời, đến từ các cơ quan Nhà nước của hai nước Việt Nam, Nhật Bản, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu về vấn đề di cư lao động và lao động ngoài nước, các cơ sở đào tạo nghề, các thực tập sinh, cũng như các cơ quan báo chí, truyền thông.  

Hội thảo nhằm trình bày kết quả của cuộc Khảo sát về Chương trình Thực tập sinh kỹ năng do JICA tài trợ, bao gồm các kết quả và đề xuất để giải quyết hiệu quả vấn đề khập khiễng kỹ năng giữa các thực tập sinh về nước và nhu cầu nguồn nhân lực công nghiệp, phục vụ cho sự phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam. 


                                                               
                                                                 Ngài Umeda Kunio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Ngài Umeda Kunio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã nhấn mạnh: “Số lượng các thực tập sinh Việt Nam được phái cử sang Nhật Bản trong thời gian gần đây đã gia tăng nhanh chóng. Đồng thời, dòng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, đặc biệt là từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng nhanh. Tôi tin tưởng rằng, kết nối hai xu hướng này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực công  nghiệp cho Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản”. 

Chỉ riêng trong năm 2016, lượng thực tập sinh (TTS) Việt Nam được cử sang Nhật Bản đã lên tới hơn 40.000, nâng tổng số TTS Việt Nam tại Nhật tính đến cuối năm 2016 ước đạt trên 90.000 người. Chương trình đã đem lại cơ hội lớn cho lực lượng lao động trẻ của Việt Nam, giúp họ nâng cao thu nhập và đặc biệt là được giao lưu, học hỏi kỹ năng để phát triển sự nghiệp. Đồng thời, số lượng thực tập sinh trở về nước cũng đang tăng lên rất nhanh.
  
                                                              

Tuy nhiên, trình độ và nguyện vọng của thực tập sinh về nước không tương xứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại địa phương, gây ra sự khập khiễng về kỹ năng trên thị trường lao động. 2 Nghiên cứu phát hiện ra rằng, vấn đề tồn tại cốt yếu hiện nay là sự thiếu minh bạch và thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường. Điều này khiến chi phí tuyển dụng thực tập sinh đang ở mức cao, tạo áp lực thu nhập cho thực tập sinh, ảnh hưởng tới tâm lý học tập, động lực tích lũy kỹ năng của họ.

Thêm vào đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty phái cử dẫn tới thực trạng là nhiều công ty không chú trọng đào tạo, định hướng đầy đủ cho thực tập sinh trước khi tham dự chương trình tại Nhật Bản, khiến cho thực tập sinh gặp khó khăn khi phải thích nghi với môi trường làm việc mới và cũng như duy trì động lực học tập. Việc khó nhận diện các công ty phái cử làm ăn chộp giật đã phần nào làm xấu hình ảnh của Chương trình, tạo khó khăn cho các bên tham gia. Mặc dù Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam (VAMAS) đã có một hệ thống xếp hạng các công ty nhưng số lượng các công ty tham gia xếp hạng còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nên vẫn gây ra tình trạng lộn xộn trên thị trường. 
  
                                                             

Về các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả của Chương trình, đồng thời giải quyết vấn đề khập khiễng kỹ năng, các đề xuất được đưa ra bao gồm: 

Thứ nhất, cải thiện tính minh bạch của thị trường, cung cấp nhiều thông tin hơn cho các bên liên quan, đặc biệt là thực tập sinh.

Thứ hai, nâng cao vai trò của VAMAS trong việc chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thành viên về các dịch vụ hành chính và giám sát quy tắc ứng xử, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp thành viên thông qua hệ thống xếp hạng hiện có.

Thứ ba, khuyến khích doanh nghiệp phái cử đưa ra tầm nhìn rộng hơn về Chương trình, phát triển thương hiệu thông qua uy tín và chất lượng, đồng thời cải thiện hệ thống tuyển dụng, tiếp cận trực tiếp tới các ứng viên tiềm năng nhằm thu hẹp vai trò của trung gian. Một trong các giải pháp kỹ thuật quan trọng được đề xuất lần này là xây dựng Cổng thông tin Kết nối Việc làm Thực tập sinh (www.ttsjapan.org.vn). Cổng thông tin đang trong quá trình hoàn thiện, và dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong khoảng một tháng tới, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phái cử theo dõi cũng như hỗ trợ các thực tập sinh của mình trong quá trình thực tập ở Nhật Bản. 
 

Đặc biệt, Cổng thông tin sẽ là cầu nối hữu hiệu cho TTS sau khi về nước dễ dàng kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nguồn lao động này ở Việt Nam. Phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong ba giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, tận dụng hiệu quả lực lượng thực tập sinh về nước này thông qua nâng cao tính hiệu quả của Chương trình Thực tập sinh sẽ là rất cần thiết cho cả hai quốc gia./.  

 

Trần Phú

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image