Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Bảy, 20/04/2024 06:12

Thông báo: Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 07

08:49:00 15/07/2015

Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) xin trân trọng thông báo thông tin về Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 07 như sau:

Chủ đề: “SỰ TIẾP NHẬN MÔ HÌNH CHÍNH TRỊ TRUNG HOA CỦA CÁC CHÍNH QUYỀN PHONG KIẾN VIỆT NAM: NHỮNG KINH NGHIỆM VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ

Trong lịch sử Việt Nam, ảnh hưởng từ mô hình chính trị Trung Hoa là lâu dài, thường xuyên và mạnh mẽ nhất. Kể từ khi giành lại độc lập từ tay phong kiến phương Bắc (thế kỷ X) cho đến trước khi bị thực dân Pháp xâm lược (thế kỷ XIX), cấu trúc chính trị Việt Nam, ở những mức độ khác nhau, luôn phỏng theo chế độ Trung Hoa. Thực tế, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất tiếp nhận và phát triển theo mô hình quyền lực ở Trung Quốc. Đó là một điều tất yếu hay ngẫu nhiên trong lịch sử?

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 07 được tổ chức nhằm tìm hiểu quá trình biến đổi của mô hình tổ chức Nhà nước ở Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, qua đó chỉ ra sự tiếp nhận, mô phỏng từ mẫu hình Trung Hoa.

Thời gian: 08h30-10h30 thứ Ba, ngày 21/07/2015.

Địa điểm:  Hội trường tầng 2, Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội.

Đơn vị tổ chức: Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Mạng lưới học giả Việt Nam (VSN) và Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (IWEP) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Diễn giả: TS. Phạm Đức Anh - Giảng viên, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nội dung chính:

Báo cáo này tập trung làm rõ 3 vấn đề cơ bản sau đây:

1- Về thái độ và quan điểm tiếp nhận: Các chính quyền Việt Nam đã xác lập và tuân thủ những nguyên tắc có tính nhất nhất quán. Sự mô phỏng ở đây có phần hạn chế, chủ yếu về mặt hình thức, còn thực tế luôn được cắt gọt về quy mô và chỉnh sửa về nội dung. Thái độ tiếp nhận thường khá thận trọng, luôn có sự sàng lựa kỹ càng và đề cao những giá trị ổn định. Do vậy, thiết chế nhà nước ở Việt Nam thường theo sau, thậm chí “lạc hậu” hơn hàng thế kỷ.

2- Quá trình và xu hướng tiếp nhận. Trong lịch sử Việt Nam thời trung đại, có ba thời kỳ mà sự lựa chọn thiết chế chính trị có ý nghĩa quyết định tới toàn bộ vận mệnh và tiến trình lịch sử dân tộc: thế kỷ X, thế kỷ XV và thế kỷ XIX… Thực tế, các chính quyền Việt Nam đứng trước những cơ hội khác, nhưng cuối cùng đã chọn phát triển theo mô hình quân chủ Đông Á. Xu hướng chung, thiết chế chính trị Việt Nam ngày càng giống mô hình Trung Hoa. Điều này vừa cho phép thâu nhận những giá trị tích cực, đồng thời cũng để lại những hệ lụy tiêu cực.

3- Mô hình nào phù hợp với Việt Nam? Lịch sử cho thấy, không một mô hình có sẵn nào của Trung Hoa có thể áp dụng nguyên xi cho Việt Nam. Và một thực tế khác, mô hình nào càng giống bên ngoài, ít sức sống nội sinh, mô hình ấy càng kém bền vững. Thiết chế nhà nước Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV), hay thời Đàng Trong - Đàng Ngoài (thế kỷ XVI - XVIII) đều tồn tại 3-4 thế kỷ. Trong khi đó, nhà nước thời Hồ (1400 - 1407) và các mô hình tập quyền thời Lê Sơ (1428 - 1527), Nguyễn (1802 - 1858), dù đều được đánh giá là hoàn bị, nhưng chỉ tồn tại, ít chưa đầy một thập kỷ, nhiều không quá một thế kỷ. Điều đó một lần nữa chứng minh, mô hình ngoại lai dù có ưu việt đến đâu, khi vận dụng luôn cần phải linh hoạt và có những sáng tạo phi thường.

Chương trình dự kiến:

08:00 – 08:30

Đăng ký đại biểu

08:30 – 08:35

Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu

08:35 – 08:45           

Phát biểu khai mạc:

TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES).

08:45 – 09:30

“Sự tiếp nhận mô hình chính trị Trung Hoa của các chính quyền phong kiến Việt Nam: Những kinh nghiệm và bài học lịch sử”
TS. Phạm Đức Anh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

09:30 – 10:15

Hỏi - đáp và thảo luận

10:15 – 10:30

Kết luận và bế mạc

Vui lòng đăng ký tham dự Seminar theo đường link sau:

http://goo.gl/forms/DhZEBoSvsO  

Hoặc liên hệ với Nguyễn Thị Thanh Tú, email: vces@vepr.org.vn, điện thoại: 0906 069 196.

Xin trân trọng cảm ơn./.

-----------------------
Chuỗi Seminar về Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc được tổ chức định kì 2 tháng một lần, do Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) chủ trì, với mong muốn mở ra một diễn đàn để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, từ đó tạo thành một mạng lưới của giới nghiên cứu trao đổi về các vấn đề liên quan đến chính trị, ngoại giao, xã hội, an ninh liên quan tới Trung Quốc. 

 

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image