Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Năm, 25/04/2024 07:13

Thông báo tuyển dụng: Nhóm chuyên gia thực hiện nghiên cứu về Luật Thuế tài sản

16:33:00 27/04/2018

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trân trọng thông báo tuyển dụng nhóm chuyên gia thực hiện nghiên cứu về Luật Thuế tài sản với các thông tin như sau:

I. Giới thiệu

Thuế tài sản là loại thuế được ra đời rất sớm trong lịch sử nhân loại với hình thức đầu tiên là thuế đất được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các xã hội cổ đại, vì lúc ấy, đất đai hầu như là tài sản duy nhất thật sự có giá trị và nhà nước có điều kiện thuận lợi để nắm chắc, quản lý và đánh thuế. Khi nền kinh tế-xã hội của các quốc gia ngày càng phát triển, trên thế giới dần xuất hiện nhiều loại của cải khác thuộc đối tượng đánh thuế tài sản. Thông thường, việc đánh thuế vào tài sản không tính đến nguồn gốc thu nhập tạo ra tài sản có từ đâu, lúc nào… mà chỉ quan tâm đến trị giá tài sản của chủ thể có quyền sở hữu (hoặc quyền sử dụng) vào thời điểm nhất định.

Thuế tài sản là tên gọi để chỉ sắc thuế lấy tài sản làm đối tượng đánh thuế. Đây là một trong 3 cách phân loại theo nội dung của hệ thống thuế gồm: thuế đánh vào thu nhập; thuế đánh vào tiêu dùng (sử dụng thu nhập) và thuế đánh vào tài sản (thu nhập là được tích luỹ và vật chất hoá dưới dạng tài sản). Việc phân biệt rõ đối tượng đánh thuế tài sản, đối tượng đánh thuế thu nhập và thuế tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng để có căn cứ xác định chính xác thời điểm cũng như cơ sở đánh thuế, tránh được sự trùng lắp, chồng chéo về nội dung động viên thu nhập của đối tượng chịu thuế.

Theo nghĩa rộng việc đánh thuế tài sản có nhiều loại được điều chỉnh theo quyền sở hữu, quyền sử dụng, khai thác hay chuyển nhượng tài sản tại thời điểm nhất định, theo qui định của pháp luật. Tên gọi thuế tài sản thường để chỉ thuế đánh vào hành vi nắm giữ tài sản (đánh tổng hợp trên toàn bộ giá trị bất động sản, động sản và tài sản tài chính của một chủ thể).

Thuế tài sản được đánh giá là loại thuế trực thu có thể động viên tương đối sát với khả năng đóng góp thực tế của người chịu thuế vì thuế đánh vào những tài sản cụ thể, nhất là nhà và đất, là những vật thực có, dễ nhận biết hơn các đối tượng đánh thuế thu nhập hay tiêu dùng.

II. Lý do nghiên cứu

  • Thứ nhất, về lý thuyết, chỉ cần đánh thuế trên thu nhập là đủ vì tất cả các khoản thuế, suy cho cùng đều động viên từ thu nhập dân cư. Song nếu chỉ có một loại thuế thì mức thuế này phải rất cao mới đảm bảo nguồn thu cần thiết cho NSNN. Nguồn thu ngân sách nhà nước của Việt nam có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam đã ký hàng loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Các hiệp định này có hiệu lực đã làm giảm số thu thuế nhập nhập khẩu. Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng phải cạnh tranh về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Động thái rõ nhất là mức thuế suất sẽ được giảm từ 25% xuống 20% (kiểm tra lại năm áp dụng).
  • Thứ hai, việc đánh thuế tài sản xuất phát từ nguyên tắc đánh thuế theo lợi ích. Những người được hưởng lợi ích từ Nhà nước nhiều phải nộp thuế cao. Nhà, đất và các tài sản khác được bảo tồn, phát triển và sinh lời là nhờ được thừa hưởng rất nhiều lợi ích từ các dịch vụ công cộng của Nhà nước để làm tăng thêm giá trị của một số tài sản. Chẳng hạn, giá trị nhà, đất có thể tăng lên nhiều do Nhà nước cải tạo, mở rộng điện, đường, trường, trạm không cần có sự đầu tư của chủ sở hữu. Từ đó, người có tài sản, đặc biệt với tài sản có giá trị cần phải có trách nhiệm đóng góp để Nhà nước có thêm nguồn trang trải các khoản chi này. Về mặt lý thuyết và kinh nghiệm của các nước phát triển, Thuế Tài sản là nguồn thu chính để chính quyền địa phương bù đắp các khoảng chi cho hàng hóa dịch vụ công của địa phương.
  • Thứ ba, thuế tài sản mang tính chất là khoản thu bổ sung vào thuế đánh vào thu nhập, đặc biệt ở các nước mà thuế thu nhập cá nhân còn bị hạn chế và trình độ quản lý còn yếu kém. Thuế tài sản cho phép tính đến khả năng lớn lao của người nộp thuế, được thể hiện bằng lượng của cải hơn là lượng tiền họ bỏ ra để tiêu dùng. Thuế tài sản còn góp phần hướng dẫn, khuyến khích sử dụng tài sản có hiệu quả thông qua đầu tư vào vốn kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế hơn là cất giữ tài sản. loại thuế này thường động viên vào một số tầng lớp dân cư giàu có nên dễ được sự đồng tình, ủng hộ của đại bộ phận quần chúng nhân dân.
  • Thứ tư, thuế tài sản là một công cụ có hiệu lực phục vụ yêu cầu quản lý của Nhà nước trong hoàn cảnh sở hữu tài sản còn quá chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư. Qua thuế tài sản, Nhà nước có thể thực hiện việc kiểm kê, kiểm soát, quản lý những loại tài sản quan trọng trong xã hội và động viên một phần đóng góp của chủ sở hữu tài sản có giá trị lớn, có nhiều thu nhập từ tiền cho thuê, chuyển nhượng, góp phần điều hoà thu nhập xã hội, thực hiện nghĩa vụ đóng góp công bằng, khuyến khích sử dụng tài sản hợp lý, có hiệu quả.
  • Thứ năm, thuế tài sản thường dễ thu do người chủ tài sản thường muốn công khai đăng ký để được Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu hay quyền sử dụng hợp pháp của mình khi có tranh chấp, kiện tụng… Vấn đề cần được quan tâm là mức đóng góp của chủ tài sản phải được xây dựng hợp lý, phù hợp, nhất là với tài sản đã qua nhiều lần luân chuyển và với tài sản có giá trị lớn khiến người nộp thuế phải bỏ ra khoản tiền nhiều.   
  • Thứ sáu, thuế tài sản còn phục vụ yêu cầu điều chỉnh mối quan hệ hợp lý giữa tiêu dùng, đầu tư và tiết kiệm trong đời sống xã hội. Việc đánh thuế vào tài sản sẽ góp phần hạn chế ý thích muốn tích luỹ bằng tài sản cất giữ, khuyến khích tăng tiêu dùng hoặc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chủ trương kích cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Với những lý lẽ đó, việc nghiên cứu ban hành thuế tài sản là cần thiết, nhằm phát huy tác dụng bổ sung cho thuế đánh vào thu nhập, đánh vào tiêu dùng trong hệ thống chính sách thuế.
  • Bên cạnh đó, Thuế Tài sản cũng có tác động rất mạnh tới việc phân bổ lại dân cư và giảm tính trạng đầu cơ bất động sản. Thông qua thuế tài sản, chính quyền có thể điều chỉnh hành vi của người dân. Ví dụ, để giảm bớt gánh nặng thuế tài sản cao ở trung tâm thành phố người dân sẽ có xu hướng chọn những vùng khu vực ngoại ô có thuế thấp hơn để ở. Chỉ những người thực sự có khả năng chi trả mức thuế cao (người giàu) mới chọn ở những khu vực trung tâm thành phố (giá nhà cao).Tương tự, việc nắm giữ bất động sản mà không giao dịch cũng phải chịu thuế Tài sản sẽ làm giảm động lực của những người đang nắm giữ nhiều bất động sản để chờ giá lên. Thị trường bất động sản sẽ trở lên sôi động hơn vì nguồn cung tăng và mức giá sẽ được điều chỉnh về mức phù hợp với thu nhập của người dân.

Hiện nay, Việt Nam cũng có một số loại thuế rất có thể coi là thuế Tài sản (thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ) nhưng xét cả về khía cạnh đóng góp ngân sách cũng như các khía cạnh khác thì những loại thuế này còn rất nhiều hạn chế.

Những lập luận trên cho thấy yêu cầu cải cách chính sách thuế tài sản ở Việt nam giai đoạn tới là rất cần thiết. Tuy nhiên, để áp dụng thuế tài sản vào thực tiễn sẽ phải vượt qua những rào cản nhất định. Do vây, cần có những bằng chứng cả về lý thuyết và thực tiễn cho việc áp dụng thuế tài sản ở Việt nam.

III. Nội dung chính của nghiên cứu

- Nghiên cứu cơ sở lý thuyết của Thuế Tài sản. 

- Kinh nghiệp các nước khác khi áp dụng Thuế Tài sản: Điều kiện áp dụng và cách thức áp dụngThuế Tài sản. 

- Kinh nghiệm những nước phát triển đã áp dụng Thuế Tài sản rất lâu. 

- Kinh nghiệm những nước đang phát triển mới áp dụng Thuế Tài sản. 

- Rà soát lại các loại thuế có liên quan đến tài sản đang được áp dụng ở Việt Nam: Thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. 

- Rà soát lại các văn bản phát lý: thuế suất, cơ sở thuế. 

- Đánh giá vai trò của hai loại thuế này trong nguồn thu ngân sách của nhà nước.

- Điều tra khảo sát (định tính) để đánh giá lại hai loại thuế liên quan đến tài sản đang được áp dụng và tính khả thi khi áp dụng Thuế Tài sản. 

- Khảo sát một số tỉnh về thực thi chính sách thuế, vai trò và số thu của hai loại thuế liên quan đến tài sản hiện nay. 

- Lấy ý kiến cán bộ chuyên ngành (ở địa phương) về điều kiện áp dụng và cách thức áp dụng Thuế Tài sản. 

- Lấy ý kiến của người dân về điều kiện áp dụng và cách thức áp dụng Thuế Tài sản: khả năng chi trả, mức độ sẵn sàng chi trả. 

- Gợi ý chính sách cho việc xây dựng chính sách Thuế Tài sản. 

- Sản phẩm của nghiên cứu sẽ là một báo cáo (có phản biện). 

- Các tạo đàm xây dựng chính sách Thuế Tài sản. 

- Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu.

    IV. Mô tả nhiệm vụ của chuyên gia thực hiện nghiên cứu 

    1. Đối với Trưởng Nhóm Nghiên cứu

    Trưởng Nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ thực hiên các nhiệm vụ sau:

    - Xây dựng kế kế hoạch chuyên môn của Dự án

    - Chi tiết hóa phương pháp Nghiên cứu

    - Chỉnh sửa báo cáo servsion 1 và 2

    - Chỉnh sửa Báo cáo khuyến nghị chính sách, Hỏi đáp

    - Tham gia và chỉ đạo chuyên môn tại các cuộc họp của Nhóm Nghiên cứu

    - Tham gia các cuộc họp với nhà tài trợ

    - Chủ trì các cuộc họp tham vấn với chuyên gia, hội thảo công bố và hội thảo tham vấn

    - Tham gia các cuộc khảo sát thực địa

    - Chia sẻ kết quả nghiên cứu với các đối tác phát triển và hỗ trợ cố vấn cho các thắc mắc về kỹ thuật của các cán bộ phát triển trong quá trình thực hiện tham vấn chính sách hướng tới hệ thống thuế công bằng và hiệu quả

    2. Đối với Chuyên gia nghiên cứu chính của Dự án: cần tuyển 3 chuyên gia

    Nhiệm vụ chính của Kinh tế trưởng Dự án Nghiên cứu bao gồm:

    - Cùng với Nhóm Nghiên cứu hiện tổng quan tài liệu

    - Tham gia phỏng vấn sâu chuyên gia tại Hà Nội và các tỉnh

    - Trình bày bài tại cuộc họp consulation, hội thảo công bố và consulation cho các đại biểu quốc hội

    - Tham gia field trips

    - Tham gia các cuộc họp của Nhóm Nghiên cứu

    - Tham gia các cuộc họp với nhà tài trợ

    - Edit bản dịch tiếng Anh báo cáo (draft 1, draft 2 và bản final)

    - Chia sẻ kết quả nghiên cứu với các đối tác phát triển và hỗ trợ cố vấn cho các thắc mắc về kỹ thuật của các cán bộ phát triển trong quá trình thực hiện vận động chính sách hướng tới hệ thống thuế công bằng và hiệu quả

    3. Đối với thành viên Nhóm nghiên cứu: cần tuyển 3 nghiên cứu viên

    Nhiệm vụ chính của thành viên Nhóm nghiên cứu:

    • - Chủ trì thực hiện tổng quan tài liệu
    • - Tham gia field trip
    • - Tham gia các cuộc họp của Nhóm Nghiên cứu
    • - Tham gia các cuộc họp với nhà tài trợ
    • - Edit bản dịch báo cáo tiếng Anh (draft 1, draft 2 và bản final)
    • - Chia sẻ kết quả nghiên cứu với các đối tác phát triển và hỗ trợ cố vấn cho các thắc mắc về kỹ thuật của các cán bộ phát triển trong quá trình thực hiện vận động chính sách hướng tới hệ thống thuế công bằng và hiệu quả​
    • V. Yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm của Nhóm Nghiên cứu
    • 1. Đối với Trưởng Nhóm Nghiên cứu
    • - Trình độ tiến sỹ về tài chính công, chính sách thuế hoặc kinh tế
    • - Ít nhất 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứ về tài chính, thuế, kinh tế vĩ mô
    • - Có kinh nghiệm làm trưởng Nhóm Nghiên cứu
    • - Có kinh nghiệm thực hiện ít nhất 5 Dự án sử dụng các mô hình kinh tế lượng
    • - Sẵn sàng tham gia công tác thực địa
    • - Trình độ tiếng Anh thành thạo, kỹ năng viết tiếng Anh học thuật tốt​
    • 2. Đối với Chuyên gia nghiên cứu chính
    • - Trình độ tiến sỹ hoặc thạc sỹ về tài chính công, chính sách thuế hoặc kinh tế
    • - Ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứ về tài chính, thuế, kinh tế vĩ mô
    • - Sẵn sàng tham gia công tác thực địa
    • - Trình độ tiếng Anh thành thạo, kỹ năng viết tiếng Anh học thuật tốt​
    • 3. Đối với thành viên nhóm nghiên cứu
    • - Trình độ tiến sỹ hoặc thạc sỹ về tài chính công, chính sách thuê hoặc kinh tế
    • - Ít nhất 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứ về tài chính, thuế, kinh tế vĩ mô
    • - Sẵn sàng tham gia công tác thực địa
    • - Trình độ tiếng Anh thành thạo, kỹ năng viết tiếng Anh học thuật tốt​
    • VI. HƯỚNG DẪN NỘP HỒ SƠ

    - Các Nhóm chuyên gia có quan tâm xin nộp hồ sơ gồm CV các chuyên gia, phương án kỹ thuật để thực hiện Dự án và đề xuất chi phí chuyên gia về địa chỉ email: info@vepr.org.vn trước 17h00 ngày 11/5/2018

    - Các chuyên gia được khuyến khích nộp hồ sơ theo nhóm, không nộp hồ sơ cá nhân riêng lẻ.

    Bình luận
    Gửi bình luận của bạn
    Mã xác nhận
    Captcha image