Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Chủ Nhật, 13/07/2025 02:28

Hội thảo Tăng cường trao đổi nhân lực Việt Nam - Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng

14:10:00 26/05/2017

Sáng ngày 26 tháng 5, tại Khách sạn Pan Pacific, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), phối hợp với Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR), tổ chức Hội thảo “Tăng cường trao đổi nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng”. Hội thảo diễn ra với sự tham dự của hơn 120 khách mời, đến từ các cơ quan Nhà nước của hai nước Việt Nam, Nhật Bản, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu về vấn đề di cư lao động và lao động ngoài nước, các cơ sở đào tạo nghề, các thực tập sinh, cũng như các cơ quan báo chí, truyền thông.

Hội thảo nhằm trình bày kết quả của cuộc Khảo sát về Chương trình Thực tập sinh kỹ năng do JICA tài trợ, bao gồm các kết quả và đề xuất để giải quyết hiệu quả vấn đề khập khiễng kỹ năng giữa các thực tập sinh về nước và nhu cầu nguồn nhân lực công nghiệp, phục vụ cho sự phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc, Ngài Umeda Kunio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã nhấn mạnh: “Số lượng các thực tập sinh Việt Nam được phái cử sang Nhật Bản trong thời gian gần đây đã gia tăng nhanh chóng. Đồng thời, dòng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, đặc biệt là từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng nhanh. Tôi tin tưởng rằng, kết nối hai xu hướng này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực công nghiệp cho Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản”.

Ngài Umeda Kunio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam

Sau phần phát biểu của Ngài Đại sứ, ông Nguyễn Lương Trào - Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam phát biểu chào mừng hội thảo. Ông cho biết hợp tác Việt Nam - Nhật Bản được diễn ra khá toàn diện, trên nhiều mặt. Trong đó, hợp tác trao đổi nguồn nhân lực là một kênh rất quan trọng, ngày càng được quan tâm, đem lại lợi ích rất tốt cho cả 2 đất nước. Với người lao động Việt Nam, nếu có cơ hội được học tập, làm việc tại Nhật bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng thì họ sẽ có môi trường làm việc, học tập rất tốt; khi về nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển, đóng góp dựng xây nước nhà.

Ông Nguyễn Lương Trào - Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam

Tiếp đó, TS. Nguyễn Đức thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - đại diện nhóm nghiên cứu đã báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu về chương trình thực tập sinh kỹ năng. Chỉ riêng trong năm 2016, lượng thực tập sinh (TTS) Việt Nam được cử sang Nhật Bản đã lên tới hơn 40.000, nâng tổng số TTS Việt Nam tại Nhật tính đến cuối năm 2016 ước đạt trên 90.000 người. Chương trình đã đem lại cơ hội lớn cho lực lượng lao động trẻ của Việt Nam, giúp họ nâng cao thu nhập và đặc biệt là được giao lưu, học hỏi kỹ năng để phát triển sự nghiệp. Đồng thời, số lượng thực tập sinh trở về nước cũng đang tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên, trình độ và nguyện vọng của thực tập sinh về nước không tương xứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại địa phương, gây ra sự khập khiễng về kỹ năng trên thị trường lao động.

TS. Nguyễn Đức thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Nghiên cứu phát hiện ra rằng, vấn đề tồn tại cốt yếu hiện nay là sự thiếu minh bạch và thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường. Điều này khiến chi phí tuyển dụng thực tập sinh đang ở mức cao, tạo áp lực thu nhập cho thực tập sinh, ảnh hưởng tới tâm lý học tập, động lực tích lũy kỹ năng của họ. Thêm vào đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty phái cử dẫn tới thực trạng là nhiều công ty không chú trọng đào tạo, định hướng đầy đủ cho thực tập sinh trước khi tham dự chương trình tại Nhật Bản, khiến cho thực tập sinh gặp khó khăn khi phải thích nghi với môi trường làm việc mới và cũng như duy trì động lực học tập. Việc khó nhận diện các công ty phái cử làm ăn chộp giật đã phần nào làm xấu hình ảnh của Chương trình, tạo khó khăn cho các bên tham gia. Mặc dù Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam (VAMAS) đã có một hệ thống xếp hạng các công ty nhưng số lượng các công ty tham gia xếp hạng còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nên vẫn gây ra tình trạng lộn xộn trên thị trường.

Hội thảo lắng nghe các kết quả nghiên cứu

Về các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả của Chương trình, đồng thời giải quyết vấn đề khập khiễng kỹ năng, các đề xuất được đưa ra bao gồm: (1) cải thiện tính minh bạch của thị trường, cung cấp nhiều thông tin hơn cho các bên liên quan, đặc biệt là thực tập sinh; (2) nâng cao vai trò của VAMAS trong việc chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thành viên về các dịch vụ hành chính và giám sát quy tắc ứng xử, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp thành viên thông qua hệ thống xếp hạng hiện có; (3) khuyến khích doanh nghiệp phái cử đưa ra tầm nhìn rộng hơn về Chương trình, phát triển thương hiệu thông qua uy tín và chất lượng, đồng thời cải thiện hệ thống tuyển dụng, tiếp cận trực tiếp tới các ứng viên tiềm năng nhằm thu hẹp vai trò của trung gian.

Ông Nguyễn Quang Thái - Đại diện FUJITSU Việt Nam trình bày về Cổng thông tin

Một trong các giải pháp kỹ thuật quan trọng được đề xuất lần này là xây dựng Cổng thông tin Kết nối Việc làm Thực tập sinh (www.ttsjapan.org.vn). Ông Nguyễn Quang Thái - Đại diện FUJITSU Việt Nam - đơn vị trực tiếp làm và xây dựng phần mềm cho Công thông tin cho biết Cổng thông tin đang trong quá trình hoàn thiện, và dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong khoảng một tháng tới, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phái cử theo dõi cũng như hỗ trợ các thực tập sinh của mình trong quá trình thực tập ở Nhật Bản. Đặc biệt, Cổng thông tin sẽ là cầu nối hữu hiệu cho TTS sau khi về nước dễ dàng kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nguồn lao động này ở Việt Nam. 

Sau phần trình bày của ông Nguyễn Quang Thái là phần thảo luận bàn tròn, chủ trì bởi TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách với sự tham gia của đầy đủ các bên liên quan trong chuỗi chương trình cử thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản: Ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam , Ông Momoi Kyusuke - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Ánh Hằng - Đại diện Cục quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ LĐTB & XH, Ông Tokunaga - Đại diện Doanh nghiệp Nhật Bản (Meitoku-Plant), Ông Satomura - Đại diện Doanh nghiệp phái cử (Esuhai) và Ông Trần Thanh Sơn - Đại diện thực tập sinh vừa về nước. 

Thảo luận bàn tròn

Các thành viên thảo luận bàn tròn đều nhất trí rằng phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong ba giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, tận dụng hiệu quả lực lượng thực tập sinh về nước này thông qua nâng cao tính hiệu quả của Chương trình Thực tập sinh sẽ là rất cần thiết cho cả hai quốc gia.

Buổi chiều ngày 26/5/2017, trong khuôn khổ buổi hội thảo, Ngày hội việc làm Việt Nam - Nhật Bản đã diễn ra với sự tham gia của hàng trăm các bạn thực tập sinh về nước sau chương trình Thực tập sinh kỹ năng. Đây là cơ hội để các bạn thực tập sinh tiếp tục làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản, sử dụng vốn kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy ở Nhật vào công việc, từ đó phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội. 

Cựu thực tập sinh xếp hàng ngay ngắn đăng ký tham dự hội thảo
23 doanh nghiệp đang chuẩn bị phỏng vấn

Ngày hội việc làm đã thu hút 23 doanh nghiệp và hàng trăm lượt phỏng vấn của các doanh nghiệp với cựu thực tập sinh về nước. Các doanh nghiệp và các bạn thực tập sinh phản hồi rất tích cực về Ngày hội việc làm và hi vọng sẽ có thêm nhiều chương trình tương tự như thế này trong tương lai.

Ban tổ chức Hội thảo

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image