Tìm kiếm
Thứ Năm, 25/04/2024 11:43

Tiết kiệm điện nên bắt đầu từ chính EVN

10:02:00 15/04/2014

[phunuthudo.vn  - 15/04/2014 - TS. Nguyễn Đức Thành] Sau quyết định tăng quyền tự điều chỉnh giá cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lên 7% thay vì 5% như trước, Chính phủ tiếp tục ban hành quy định tính giá điện mới...

Giá điện mới (áp dụng từ 1/6/2014) nhằm mục tiêu tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn điện. Song với lùm xùm gây thua lỗ của EVN, dư luận cho rằng việc “tiết kiệm – hiệu quả” nên được bắt đầu từ chính EVN.
 
Biên độ mới – mức tăng mới
 
Cơ cấu giá bán lẻ điện áp dụng từ 1/6/2014 sẽ chia thành 6 bậc khác nhau thay vì 7 bậc như trước kia. Nổi bật là việc sẽ tăng 1% giá bình quân với nhóm DN sản xuất khi sử dụng vào giờ thấp điểm. Tăng 4% trong khung từ 100 – 150kWh và giảm 1% với khung từ 301 – 400kWh… đối với điện sinh hoạt.
 
Về cơ bản, quy định này không nhiều thay đổi, song với cách tính mới cộng thêm việc nếu giá điện bình quân tăng thêm thì chi phí phải trả của DN và người tiêu dùng sẽ tăng cao.  
EVN nắm quyền tự quyết và quy định cách tính giá điện mới
khiến dư luận không khỏi băn khoăn
Đơn cử, hiện nay mức tiêu thụ điện tại hầu hết các gia đình đều cán qua mức 101 – 150kWh nên sẽ bị tính tăng 4% (từ 106% lên 110%), áp dụng với mức giá bình quân hiện tại là: 1.508,85 đồng/kWh thì số tiền phải trả cho 150kWh sẽ từ 240.000 nghìn đồng lên 270.000 nghìn đồng. Chưa kể nếu thời gian tới giá điện bình quân tăng thì con số cũng sẽ nhân lên đáng kể.
 
Theo TS Nguyễn Đức Thành (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách) thì: “Với xu hướng xóa bỏ dần bảo trợ giá điện của Nhà nước và trao quyền tự quyết để bù lỗ cho EVN cộng thêm các chi phí đầu vào tăng cao thì việc tăng giá điện là điều chắc chắn trong tương lai không xa, chỉ có điều mức tăng ấy ra sao, hợp lý đến đâu thì không ai nắm được mà hoàn toàn do EVN điều chỉnh. Cách tính giá mới cũng còn nhiều điểm chưa rõ ràng, hợp lý như: Tại sao lại tăng 1% khi sản xuất vào giờ thấp điểm (vì đây là khoảng thời gian được khuyến khích)? Tại sao nhóm nông nghiệp có hoạt động bơm tưới tiêu lại tính “đồng hạng” với nhóm sản xuất trong khi nhóm này đang được xã hội hỗ trợ và ưu tiên? Vấn đề cần thiết nhất là yêu cầu công khai cách thức tính giá điện bình quân và giá bán lẻ thông qua báo cáo thành phần cấu thành giá của DN vẫn chưa có. Thế nên cách tính mới này cùng với việc tăng giá thiếu công khai thì rõ ràng chưa hài hòa được lợi ích các bên”.

“Thắt lưng” mà quên “buộc bụng”
 
Cần phải khẳng định, quản lý thị trường năng lượng là một bài toán khó khi những năm qua sự bảo trợ giá điện từ Chính phủ cho các DN sản xuất là quá lớn dẫn đến việc DN trong nước đã vô tư lãng phí khi tiêu tốn năng lượng không hề nhỏ cho dàn máy móc cũ kỹ, lạc hậu thiếu hiệu quả. Quan trọng hơn, với cơ chế “bao cấp” điện của Nhà nước cùng mức giá được xem là thấp nhất nhì thế giới thì lẽ dĩ nhiên việc “nở phình” nhóm DN nước ngoài đầu tư, sản xuất tại Việt Nam để tận dụng nguồn năng lượng này là điều dễ hiểu.
 
Riêng đối với điện cho sinh hoạt (chiếm tỷ lệ gần 70%) thì việc người dân thiếu ý thức tiết kiệm cũng dẫn đến lãng phí nguồn điện năng khá lớn. Chính vì vậy, giải pháp “thắt lưng” của Nhà nước là điều chỉnh biên độ giá khác nhau cho các nhóm đối tượng sử dụng khác nhau và đẩy mạnh việc tiết kiệm năng lượng trong xã hội.
 
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Thành: “Việc thắt chặt tiêu hao nguồn điện, đẩy mạnh tiết kiệm, hiệu quả điện năng là mục tiêu đúng đắn và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Song, cần lưu ý tới việc “thả nổi” cho EVN, vì hiện nay cạnh tranh giá chỉ có ở nhóm sản xuất còn truyền tải, phân phối và bán lẻ hoàn toàn của EVN nên chi phí đầu vào, mua điện từ nhóm sản xuất của EVN không ai nắm được là bao nhiêu, EVN có thể mua điện với mức giá cạnh tranh rồi tự quyết mức giá phân phối và bán lẻ nên giá “chênh” không ai nắm được và không có căn cứ nào bảo đảm là phù hợp với thị trường và hài hòa lợi ích giữa đơn vị cung cấp với người sử dụng.”
 
Cùng với những lùm xùm của EVN thời gian qua về việc thua lỗ đến hơn 2 nghìn tỷ đồng khi đầu tư cho các lĩnh vực ngoài ngành và các dự án biệt thự, chung cư, sân tennis… thì rõ ràng hơn ai hết EVN phải chính là đơn vị tiên phong trong mục tiêu “tiết kiệm – hiệu quả” thông qua việc điều hành, quản lý tốt hơn, đầu tư tập trung, hiệu quả hơn và minh bạch các khâu cấu thành lên giá điện như chi phí đầu vào - truyền tải - phân phối để cân đối đưa ra mức giá hợp lý để vừa có lợi nhuận vừa bảo đảm công bằng, lợi ích cho người sử dụng.
 
Theo ông Thành: “Khi thị trường không có sự cạnh tranh thì không nên “thả nổi” cho EVN quyền tăng giá, cần phải có sự giám sát, thẩm định từ đơn vị quản lý, công khai minh bạch các thông số để làm căn cứ tính toán việc cấu thành nên giá từ đó mới cho phép tăng hay giảm giá”.
 

Đối với quy định thành lập, vận hành Quỹ bình ổn giá sẽ phải công khai, minh bạch và do Bộ Tài chính hay Bộ Công thương quản lý. Nguồn quỹ nên hạch toán vào giá thành nhằm chống lỗ cho EVN và bù đắp cho người dân. “Việc sử dụng quỹ của EVN phải thông qua sự giám sát, kiểm toán của cơ quan quản lý” – ông Thành khẳng định thêm.

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image