Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Sáu, 19/04/2024 12:38

Tọa đàm “Ảnh hưởng của cấu trúc thị trường lúa gạo đến lợi ích của người nông dân sản xuất nhỏ ở Việt Nam”

14:16:00 16/07/2014

Sáng ngày 02/07/2014, tại Khách sạn Sen Việt, Thành phố Hồ Chí  Minh, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Ảnh hưởng của cấu trúc ngành lúa gạo đến lợi ích của nông dân sản xuất nhỏ ở Việt Nam”.

Download tài liệu tại ĐÂY

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án nghiên cứu do VEPR chủ trì thực hiện về “Phân tích ảnh hưởng của cấu trúc thị trường lúa gạo đến lợi ích của nông dân sản xuất nhỏ ở Việt Nam”. Dự án này là một hoạt động của Liên minh ‘Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam” trong năm 2014, thuộc Chương trình “Hỗ trợ liên minh vận động chính sách” do Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) tài trợ và tổ chức Oxfam tại Việt Nam quản lý.

Tham dự tọa đàm có đại diện đến từ các cơ quan như: Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh; Viện Khoa học Kĩ thuật Nông nghiệp miền Nam; Viện Chiến lược và Chính sách Phát triển Nông nghiệp nông thôn miền Nam; Hiệp hội Lương thực Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Nam; từ các Trường Đại học như Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh...

Toàn cảnh tọa đàm

Mở đầu tọa đàm, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, phát biểu khai mạc tọa đàm và giới thiệu về “Liên minh vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam”. Liên minh này được hình thành thông qua sự liên kết giữa các Viện Nghiên cứu, Trường Đại học, Hội Khoa học, các cơ quan Nhà nước… với mục đích nhằm tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam, từ đó tăng thu nhập cho nông dân và khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam ở thị trường trong nước và quốc tế. Liên minh cũng mong muốn thay đổi cách tiếp cận trong việc hoạch định chính sách và hỗ trợ người nông dân của chính quyền theo nguyên tắc thị trường hỗ trợ sản xuất, cải thiện sinh kế cho hộ nông dân và hộ sản xuất nhỏ; nâng cao tiếng nói và vị thế của người nông dân trong định hướng ngành nông nghiệp, cụ thể trong việc soạn thảo các văn kiện của Đảng và chính sách của chính phủ. Hiện tại, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách là một thành viên tích cực của Liên minh này.

TS. Nguyễn Đức Thành giới thiệu về “Liên minh vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam”

Bài tham luận thứ hai của chuyên gia Đinh Tuấn Minh, Trưởng nhóm Nghiên cứa về Lúa gạo, trình bày về những kết quả đạt được của nhóm cho tới nay trong quá trình phân tích ảnh hưởng của cấu trúc ngành lúc gạo đến lợi ích của người sản xuất nhỏ của Việt Nam. Bài tham luận đã đưa ra các đặc điểm cấu trúc thị trường gạo thế giới, Ấn Độ, Thái Lan, những nhận định ban đầu về cấu trúc thị trường gạo Việt Nam, đồng thời đặt ra một số giả thuyết, câu hỏi nghiên cứu để xin ý kiến của các chuyên gia.

Chuyên gia Đinh Tuấn Minh trình bày bài tham luận “Phân tích ảnh hưởng của cấu trúc ngành lúc gạo đến lợi ích của người sản xuất nhỏ của Việt Nam”

Tiếp đó, TS. Hồ Cao Việt, chuyên gia từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, có bài tham luận về “Tối ưu hóa lợi thế so sánh của việc sản xuất cây lúa tại vùng Đồng bằng song Cửu Long trong khu vực Châu Á”. Bài tham luận đã phân tích và đề xuất chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt, trao đổi về mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp, các hoạt động hậu cần nhằm tăng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam.

TS. Hồ Cao Việt trình bày về “Tối ưu hóa lợi thế so sánh của việc sản xuất cây lúa tại vùng ĐBSCL trong khu vực Châu Á”

Tại buổi tọa đàm, nhóm nghiên cứu và các chuyên gia tham dự đã trao đổi về nhiều vấn đề nổi cộm của ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay như: sự cần thiết điều chỉnh chiến lược phát triển ngành nhằm đảm bảo an ninh lương thực và hiệu quả sản xuất, tác động của các chương trình hỗ trợ và chính sách quản lý ngành của Chính phủ, vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam… Các chuyên gia cũng chia sẻ rất nhiều ý kiến bổ ích về thực tế hoạt động của ngành lúa gạo xuất khẩu khu vực ĐBSCL nói chung và ở một số địa phương. Đây là những trao đổi và góp ý rất hữu ích để nhóm nghiên cứu Lúa gạo hoàn thiện nghiên cứu của mình.

Một số hình ảnh của buổi tọa đàm

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image