Tìm kiếm
Thứ Năm, 02/05/2024 05:12

Chủ động cải cách - Lời giải cho bài toán hội nhập

17:55:00 04/12/2016

[Hà Nội Mới - 4/12/2016 - TS. Nguyễn Đức Thành] Chịu nhiều sức ép sau gần một thập niên gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức khi vươn ra "biển lớn". Thế nhưng, hội nhập cũng khiến những bất cập, yếu kém của nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ nét, đòi hỏi phải tái cơ cấu mạnh mẽ hơn để có thể tận dụng tối đa những thời cơ.

 

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách.


Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, chủ động cải cách trước mọi diễn biến trong quá trình hội nhập là lời giải cho bài toán tận dụng thời cơ.

Hội nhập bộc lộ những thách thức

- Việt Nam đã trải qua gần một thập niên kể từ khi gia nhập WTO và thu được một số kết quả tích cực. Song cùng với đó, nền kinh tế cũng bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém, không tận dụng được hết thời cơ hội nhập đem lại. Ông nhận xét gì về điều này?

- Sau khi Việt Nam là thành viên WTO, nhiều người tin tưởng về những tác động mà hội nhập mang lại cho Việt Nam. Theo quan sát số liệu, đầu tư nước ngoài của nước ta trước đây khoảng 5-6 tỷ USD, nay thực giải ngân từ 10 đến 11 tỷ USD. Vốn đăng ký cũng bền vững hơn. Các doanh nghiệp (DN) trong nước có nhiều “sân chơi” hơn, bởi thị trường xuất khẩu tăng rất nhanh. Thế nhưng, đến nay cấu trúc nền kinh tế thay đổi chưa nhiều. Độ mở cửa với những thị trường truyền thống của nước ta có, song sự cải cách lại chưa theo kịp hội nhập kinh tế, do chính sách tổng thể về hội nhập chưa kỹ càng. Chúng ta đã mở to cánh cửa thị trường, đàm phán khá thành công, nhưng việc tận dụng lợi thế từ các cuộc đàm phán thì chưa nhiều.

Vậy vấn đề đặt ra là cải cách trong nước gồm những gì? Điều này đã được nêu rõ trong Nghị quyết 05-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, là phải tái cơ cấu DN nhà nước, tái cơ cấu thị trường tài chính, tín dụng, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tạo động lực phát triển cho khu vực tư nhân... Tôi cho rằng, dù tham gia bất kể một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nào thì cũng đòi hỏi chúng ta phải cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng, không trợ cấp. Tham gia hội nhập, năng lực sản xuất trong nước phải mạnh, bảo đảm được quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ sản xuất phải sạch và bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế chúng ta chưa làm được điều này. Thêm vào đó, hệ thống luật pháp của chúng ta vẫn còn yếu, tình trạng nhũng nhiễu DN vẫn xảy ra. Trong khi bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả khiến nguồn lực quốc gia bị tiêu tốn. 

Hiện chúng ta giống như một “con tàu” đã ra “biển lớn”, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) không đến hôm nay thì sẽ đến vào ngày mai, nhưng cả “tàu” lẫn “thủy thủ” đều chưa đủ mạnh để đối phó với “sóng lớn”. Ra đại dương rồi, có thêm nhiều cơ hội đánh cá lớn, nhưng năng lực chưa đủ mạnh sẽ dẫn đến quá sức, trong khi trở về vị trí ban đầu là không thể.

- Sau gần một thập niên là thành viên WTO, sắp tới chúng ta có thể tham gia TPP và nhiều FTA song phương, đa phương khác. Điều đó có nghĩa yêu cầu cải cách sẽ đặt ra lớn hơn nữa, thưa ông?

- Cá nhân tôi cho rằng, muốn hội nhập phải đồng điệu với thế giới, mình không thể yêu cầu mọi người chia sẻ mà mình thì không. Làm như vậy, tự mình sẽ làm suy yếu mình vì hội nhập mà không tiến hóa kịp. Tiến trình hội nhập đã chắt lọc cái tốt nhất và đưa ra luật chơi, mình không theo được tức là chưa đáp ứng được thực tế. Mô hình cải cách mà thế giới đã thực hiện trong tiến trình hội nhập đã được chắt lọc qua nhiều cuộc khủng hoảng, đó là sự tiến hóa đã được ghi nhận. 

Mở cửa không chỉ là khai thác thị trường, khai thác lợi thế riêng mình mà mở cửa là học thế giới đổi mới thế nào. Nếu không cải cách, đổi mới phù hợp từ những vấn đề nhỏ, như hiệp hội nghề nghiệp, cũng sẽ rất nguy hiểm. Đơn cử, khi những DN lớn lợi dụng hiệp hội để tiêu diệt DN nhỏ, mọi người đổ lỗi cho hiệp hội khi nói rằng phải kiểm soát chặt, thậm chí giải thể. Nhưng lỗi ở đây là các hiệp hội yếu ớt vì chưa có cơ chế phù hợp để phát huy sức mạnh nên đã bị lợi dụng. Thay vì giải tán, nên làm cho hiệp hội mạnh lên và có tiếng nói tương đồng với các hiệp hội khác, để khi một hiệp hội, nghiệp đoàn nói sai sẽ có hiệp hội hay nghiệp đoàn khác phản biện và bênh vực lẽ phải.

“Cuộc chơi” TPP vẫn có thể lặp lại ở một phiên bản khác 

- Việc Mỹ có thể không tham gia TPP, như tuyên bố của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, sẽ ảnh hưởng thế nào tới tương lai TPP cũng như các quốc gia tham gia đàm phán. Ông có thể đưa ra kịch bản về kinh tế Việt Nam nếu Mỹ không tham gia hiệp định lịch sử này?

- TPP là kịch bản do Mỹ đề xướng, với quyết tâm xây dựng thế giới thương mại mới mang nhiều yêu cầu phù hợp với kinh tế Mỹ. Mỹ dẫn dắt cuộc chơi từ đầu và là đối tác lớn. Không có Mỹ, lợi ích của Việt Nam sẽ giảm rất nhiều giống như nhiều nước khác, vì nền kinh tế Mỹ quá lớn. Có lẽ hơi bất ngờ với tuyên bố không tham gia TPP của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump. Thế nhưng, khi không có TPP, Việt Nam vẫn sẽ hướng tới những thị trường chưa đàm phán xong và tiếp tục mở ra những FTA thế hệ mới. Nếu Mỹ rời bỏ TPP thì với Việt Nam, “cuộc chơi” TPP vẫn có thể lặp lại ở một phiên bản khác. Vì vậy, chúng ta vẫn cần có nội lực mạnh để đáp ứng. Theo tôi, nên biến sự dở dang, ngổn ngang hiện nay bằng cách chủ động hội nhập, thực hiện đúng những mục tiêu mà Nghị quyết 06-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã vạch ra, thì việc tận dụng tốt thời cơ hội nhập sẽ không quá khó khăn.

- Dưới góc độ là một nhà nghiên cứu chính sách, theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị những gì để tận dụng thời cơ hội nhập trong 5-10 năm tới như mục tiêu đã nêu tại Nghị quyết 06?

- Tôi đánh giá rất cao Nghị quyết 06, bởi nếu muốn tận dụng thời cơ hội nhập, chúng ta nên chủ động thực hiện tốt việc cải cách, khắc phục yếu kém nội tại ngay từ bây giờ. Với cộng đồng DN, TPP nếu không đến như kỳ vọng nhưng cánh cửa vào thị trường Mỹ cũng không đóng sập lại mà Mỹ vẫn là một đối tác thương mại lớn của chúng ta như hiện nay. Nếu chúng ta làm tốt Nghị quyết 05 về tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thì chắc chắn, việc tận dụng hiệu quả thời cơ hội nhập theo Nghị quyết 06 sẽ là một tương lai không xa.

- Tại Nghị quyết 06, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt mục tiêu 5-10 năm tới sẽ tận dụng tốt quan hệ quốc tế, xây dựng phòng vệ thương mại để phát triển bền vững. Ông bình luận gì về điều này?

- Thời hạn 5 năm có lẽ khó thực hiện, nhưng 10 năm là thời gian chắc chắn ta có thể gây dựng một cơ sở nhất định. Còn chúng ta tận dụng tốt thời cơ hội nhập hay không sẽ phải dựa vào đội ngũ những cán bộ nhà nước có trình độ. 10 năm nữa nếu nỗ lực toàn diện thì mọi chỉ tiêu có khả năng tăng tối đa gấp đôi. Nhưng có gấp đôi thì khu vực tư nhân cũng chỉ đóng góp 20% GDP là rất nhỏ. Trong khi các quốc gia phát triển, khu vực tư nhân đóng góp từ 90 đến 95%. Điều này cho thấy, khu vực này cần được ưu tiên nguồn lực để phát triển. Nghị quyết 05 cũng đã chỉ rõ điều này, vấn đề là chúng ta có thực hiện đúng và toàn diện hay không.

Chủ động cải cách, yêu cầu tất yếu

- Như ông đã phân tích, sau gần một thập kỷ hội nhập nhưng bộ máy hành chính của chúng ta vẫn cồng kềnh, tiêu tốn nguồn lực. Vậy câu chuyện tinh giản bộ máy hành chính mà chúng ta đang theo đuổi nên xử lý thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

- Trong bất kỳ chế độ nào, vai trò của cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều đòi hỏi mang lại cho người dân những dịch vụ công tốt nhất, thuận tiện nhất. Nhưng thực trạng của chúng ta là bộ máy cồng kềnh, tốn kém nhưng hiệu quả không cao. Điều này khiến chi phí của mỗi người dân, DN đều tăng lên. Nếu dịch vụ công minh bạch, thông thoáng nhờ cải cách, DN sẽ giảm chi phí, tập trung vào sản xuất, kinh doanh và phát triển tốt hơn. Thế nhưng, mình chưa làm được điều đó. Chi phí sản xuất vẫn quá cao, thủ tục hành chính còn rườm rà đã khiến năng lực cạnh tranh quốc gia suy giảm.

Việc tinh giản bộ máy hành chính nếu tổ chức không hiệu quả về mặt thiết kế sẽ khó thực hiện. Theo tôi, chúng ta đang thiếu một cơ chế kiểm soát đủ mạnh để có sự phản biện, giám sát hiệu quả hơn. Nếu chúng ta làm nghiêm, siết chặt với tham nhũng mà bộ máy ì ra không làm thì cũng chẳng thể nào cải cách nổi. Một cỗ xe chở quá tải mà không ai muốn xuống thì xe vẫn nặng. Mấu chốt ở đây là luật pháp phải nghiêm minh để xử lý hiệu quả mọi phức tạp. Việc mong mỏi cán bộ phải liêm chính là một chuyện, nhưng bên cạnh đó cần có chế tài nếu cán bộ không liêm chính thì sẽ bị xử phạt.

- Vậy trước những sức ép hội nhập, chúng ta cần phải làm gì để chèo lái “con thuyền” kinh tế vượt qua sóng lớn, thưa ông?

- Chúng ta đã và đang tiếp tục cải cách, vun đắp, đào tạo để người dân có trình độ cao hơn. Khi nguồn lực con người tốt lên thì mới có cơ hội thành công. Thế nhưng, nguồn lực phải dựa vào giáo dục từ cấp tiểu học tới đại học để tạo ra vốn liếng về con người. Cùng với đó, phải tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu tự do. Tiếp đó là cải cách thể chế, vấn đề này, Nghị quyết 05 và Nghị quyết 06 đã nêu rất rõ, với DNNN sẽ bán hoặc cổ phần hóa để phát triển khu vực tư nhân và giảm gánh nặng ngân sách. Vấn đề cải cách môi trường kinh doanh phải làm cương quyết, dù giai đoạn đầu có khó khăn nhưng dần dần sẽ tốt hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Hương Ly - Hồng Sơn  thực hiện

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image