Tìm kiếm
Thứ Sáu, 20/09/2024 01:46

Đề xuất đánh thuế hoạt động tâm linh

11:23:00 31/12/2020

Đây được coi là một trong những giải pháp tăng thu ngân sách trong bối cảnh chiến lược thuế hiện tại đang đi đến cuối giai đoạn.

Các chuyên gia tham gia thảo luận về chính sách thuế công bằng. Ảnh: VEPR.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, tổng thu thuế của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây có xu hướng giảm dần theo tỷ trọng GDP, đặc biệt kể từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Điều này được lý giải do nền kinh tế ngày càng mở, dẫn tới giảm mạnh về mức thuế quan. Cùng với đó, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có xu hướng giảm, cộng với những khoản ưu đãi đặc biệt, chủ yếu dành cho khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tuy nhiên, song song với việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cùng các loại thuế gián thu lại có xu hướng gia tăng. Đây là xu hướng chung của đa số nền kinh tế trên thế giới, tuy nhiên lại tiềm ẩn nhiều rủi ro về bất bình đẳng.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu của Liên minh Công bằng thuế chỉ ra, thuế giá trị gia tăng (VAT), một trong những loại thuế gián thu chính đang có xu hướng lũy thoái, gây ra nhiều gánh nặng hơn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Bình luận về điều này, TS. Nguyễn Đức Thành, Cô vấn trưởng VEPR nhận định, các chính sách thuế đều được xây dựng hướng tới xu hướng tăng trách nhiệm thuế cho nhóm người giàu để giảm bớt khoảng cách giàu nghèo.

Tuy nhiên, sự khác biệt về mức độ và thói quen tiêu dùng có thể dẫn tới việc áp dụng chính sách thuế không được như kỳ vọng.

Cùng với đó, mặc dù tỷ lệ thu thuế trên GDP vẫn thấp, chỉ tương đương với 18% GDP nhưng nếu cộng cả bảo hiểm xã hội cùng nhiều khoản thu quỹ ngoài ngân sách, con số có thể lên đến trên 30%, tương đương với các quốc gia phát triển trong nhóm OECD.

Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cấp cao chương trình quản trị tổ chức Oxfam Việt Nam nhận xét, trong bối cảnh ngân sách đang bị thu hẹp, nhu cầu duy trì đầu tư công tăng cao, chiến lược cải cách thuế đã đi hết giai đoạn, Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra chiến lược cải cách mới, bắt đầu ngay từ năm 2021.

Những lĩnh vực vẫn còn bỏ ngỏ

PGS.TS Chu Tiến Quang, nguyên cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) nhận định, trong bối cảnh ngân sách đang bị thu hẹp, Nhà nước có thể xem xét tới một số lĩnh vực kinh tế hoạt động hết sức nhộn nhịp nhưng chưa bị chính sách thuế “động” đến.

Một trong những lĩnh vực đó là nền kinh tế tâm linh, với các hoạt động xây dựng công trình, chi tiêu, cung ứng dịch vụ quy mô lớn.

“Lĩnh vực này chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai, do đó các nhà hoạch định chính sách cần đặc biệt lưu tâm”, ông Quang cho biết.

Đồng quan điểm với ông Quang, Cố vấn trưởng VEPR nhận xét, lĩnh vực tâm linh hoàn toàn có thể được xem xét để đưa ra chính sách tài chính công phù hợp.

“Bản chất của tài chính công là bảo vệ quyền lợi cho người nộp thuế, cung cấp dịch vụ công cho xã hội”, ông Thành nhấn mạnh.

Các tổ chức tâm linh, tín ngưỡng cũng là một thành phần của xã hội, do đó việc thu thuế là điều cần thiết, tuy nhiên cần xem xét các khía cạnh khách quan để đưa ra chính sách thuế mang tính tôn trọng văn hóa.

Nói về những thiếu sót của chính sách thuế, PGS.TS Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và chính trị thế giới đề cập đến thuế bất động sản, một loại thuế “thế giới sử dụng rất nhiều mà ta vẫn còn né tránh”.

Theo ông Sơn, đánh thuế bất động sản sẽ làm giảm thiểu hiện tượng đầu cơ, tích trữ, giúp cân bằng cung cầu, ổn định vĩ mô, đồng thời tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể.

Lý giải về điều này, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo luật về thuế tài sản, với các quy định thuế bất động sản đã được đưa ra, tuy nhiên còn một số vướng mắc trong quá trình thực thi nên chưa được thông qua.

Cụ thể, một trong những khó khăn để áp dụng thuế bất động sản ở Việt Nam là vấn đề định giá bất động sản, khi có sự chênh lệch lớn giữa giá cả thực tế trên thị trường với công bố của cơ quan chính quyền.

Bên cạnh đó, khả năng chi trả thuế của cá nhân cũng cần được xem xét. “Tôi có thu nhập chỉ 10 triệu đồng nhưng sở hữu căn nhà của gia đình để lại, có giá hàng trăm tỷ đồng, như vậy thì đánh thuế thế nào cho hợp lý”, ông Tuyến đặt vấn đề.

Nguyên lãnh đạo Viện Kinh tế tài chính cho biết, trong thời gian tới, khi công tác quản lý tài sản tư nhân được đồng bộ hóa, luật về đánh thuế tài sản, bất động sản chắc chắn sẽ được đưa ra.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image