Tìm kiếm
Thứ Năm, 28/03/2024 05:01

Căn bệnh Hà Lan trong nền kinh tế Việt Nam: Ngành nông nghiệp có mắc "lời nguyền"?

14:24:00 30/03/2017

[Cafef - 30/3/2017 - TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Lê Xuân Nghĩa] TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (thành viên Liên minh Nông nghiệp) cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam cũng có thể đang mắc “căn bệnh Hà Lan”. Thực tế, ngành nông nghiệp vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển, dù một số mặt hàng có sản lượng đứng đầu thế giới.

“Căn bệnh Hà Lan” là gì?

Năm 1959, Hà Lan phát hiện ra mỏ khí thiên nhiên có trữ lượng lớn. Xuất khẩu đã tăng vọt sau khi Hà Lan quyết định bán đi nguồn tài nguyên này. Lượng lớn ngoại tệ đã về với Hà Lan sau những lô hàng đầu tiên. Tuy nhiên, điều này lại khiến đồng Guilder (nội tệ Hà Lan khi đó) mạnh lên. Các lĩnh vực khác của nền kinh tế trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Đầu tư doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng.

Hà Lan buộc phải giữ mức lãi suất thấp nhằm kìm hãm sự tăng giá quá nhanh của đồng nội tệ. Đồng thời, Chính phủ Hà Lan cũng tăng đầu tư vào nhiều lĩnh vực để vực dậy các ngành sản xuất. Nhưng Chính phủ Hà Lan đã không sử dụng tốt nguồn tiền thu về. Nhiều lĩnh vực đầu tư kém hiệu quả vẫn liên tục được rót vốn. Hệ quả là khu vực chế tạo bị suy giảm nặng nề, nhiều nhà đầu tư rời bỏ Hà Lan, hạn chế tiềm năng kinh tế trong tương lai.

Thuật ngữ “căn bệnh Hà Lan” được đặt ra năm 1977. Đó là tên gọi một loại nguy cơ kinh tế xảy ra khi đẩy mạnh xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên dẫn tới làm suy giảm ngành công nghiệp chế tạo - một hiện tượng giảm công nghiệp hóa. Đôi khi, thuật ngữ “căn bệnh Hà Lan” được dùng để chỉ nguy cơ xảy ra khi sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài dẫn tới suy giảm của nguồn lực trong nước.

Việt Nam có thể đang mắc “căn bệnh Hà Lan”

Nhiều dấu hỏi về “căn bệnh Hà Lan” đã được đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn, kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong bài viết “Kinh tế Việt Nam vì đâu nên nỗi?” đăng trên Vneconomy năm 2013, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã cho rằng Việt Nam bị nhiễm “căn bệnh Hà Lan”.

Trong khi dòng vốn FDI ồ ạt đổ vào nền kinh tế Việt Nam, thì khu vực trong nước đã từ bỏ việc tận dụng lợi thế để tập trung sản xuất kinh doanh và chuyển sang đầu cơ tài sản. Theo ông Huỳnh Thế Du, chính "căn bệnh Hà Lan" đã làm tổn hại nghiêm trọng sức cạnh tranh của khu vực sản xuất, hơn 50 ngàn doanh nghiệp phá sản trong năm 2012.

Mới đây, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - TS Lê Xuân Nghĩa đã bày tỏ quan điểm từ bỏ giấc mơ “cường quốc công nghiệp”. Theo ông Nghĩa, Việt Nam nên có định hướng để trở thành một cường quốc về du lịch, nông phẩm và nông phẩm chế biến. Bởi vì, thắng cảnh và nông sản nhiệt đới vẫn là lợi thế lâu nay của Việt Nam được bạn bè quốc tế công nhận.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (thành viên Liên minh Nông nghiệp) cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam cũng có thể đang mắc “căn bệnh Hà Lan”. Thực tế, ngành nông nghiệp vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển, dù một số mặt hàng có sản lượng đứng đầu thế giới.

“Sự màu mỡ hàng trăm năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long đã cứu dân tộc mình khỏi đói khổ. Nhưng nó cũng là một lời nguyền của những nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Những nơi có quá nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi thì không thể phát triển được các tố chất khác của con người về trí óc, kỹ năng” – ông Thành nói.

Người Anh, người Nhật hay người Do Thái không có tài nguyên nên họ buộc phải phát triển chính bản thân mình. Nếu mỗi người chúng ta nhẹ nhàng cải tạo theo hướng nâng cao trí tuệ ngay từ bây giờ, ông Thành nghĩ rằng Việt Nam cũng sẽ không đến nỗi kém trong tương lai.

Vương Diệu Quân

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image