[Thanh niên - 15/10/2017 - TS. Nguyễn Đức Thành] Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội), trong câu chuyện thu hút người tài của các địa phương hiện đang tồn tại những ngộ nhận từ cả hai phía.
Hệ lụy của nó không chỉ mang đến thất vọng cho nơi cần thu hút nhân tài mà còn là bản thân người được thu hút.
TS Thành cho rằng sẽ là sai lầm trong công tác cán bộ khi yêu cầu những người làm công tác quản lý nhà nước phải có bằng TS. Bởi TS hiện chỉ giống như một chứng chỉ hành nghề, sự công nhận mang tính khởi đầu cho một người trong một lĩnh vực chuyên môn hẹp nào đó chứ không phải là thi đỗ ông nghè để ra làm quan theo quan niệm của Khổng giáo. “Điều này sẽ đẻ ra chuyện làm TS cho có, làm lãng phí thời gian, nguồn lực của tất cả các bên. Đó là cách nhìn hoàn toàn sai lệch xuất phát từ một cái danh hão”, TS Thành nhận định.
Nói như vậy nghĩa là nếu chỉ dựa vào bằng cấp thì sẽ khó thu hút được người tài thực sự?
Bản thân tôi không coi thường những người học giỏi. Bởi để học giỏi, kể cả học gạo, nghĩa là họ cũng có một năng lực nào đó. Nhưng nếu trong môi trường học thuật nghiêm túc thì những người có kết quả học tập xuất sắc là người giỏi. Trong khi đó, ở VN, chất lượng giáo dục còn thấp, nhất là ở bậc ĐH. Không phải vì sinh viên hay giảng viên kém mà vì chương trình quá lạc hậu. Vì thế, những người học giỏi trong hệ thống đó đã là không giỏi rồi.
Thực tế, những người có tài thực sự họ sẽ không coi trọng việc thu hút hay không. Tại sao phải đi làm vào hệ thống nhà nước, làm thuê, lương cố định trong khi họ có thể làm được nhiều hơn thế nếu họ tài năng thực sự. Còn với những người học điểm cao nhất, rồi nhăm nhăm chầu chực nộp đơn để người ta cho mình vào hệ thống, nhận các chế độ nhà nước rồi coi mình là nhân tài thì bản thân những người đó cũng không phải là tài năng.