Tìm kiếm
Thứ Sáu, 29/03/2024 09:23

Sáng kiến Vành đai, con đường: Những mô hình hợp tác mới của Trung Quốc

11:06:00 23/12/2017

[Thời báo Kinh tế Sài Gòn - 23/12/2017 - TS. Phạm Sỹ Thành] Là ý tưởng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất vào mùa thu năm 2013, sáng kiến Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (gọi tắt là sáng kiến Vành đai, Con đường - BRI) cùng lúc hướng đến nhiều mục tiêu. Sáng kiến này được đưa thành một chương riêng (chương 51) trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc năm năm lần thứ 13. Đến tháng 10-2017, BRI được đưa vào Điều lệ Đảng.

Sáng kiến Vành đai, Con đường được đưa vào Điều lệ Đảng

Sau bốn năm triển khai, BRI đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đến tháng 10-2017, Trung Quốc đã cùng gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ký biên bản ghi nhớ hợp tác hoặc thỏa thuận hợp tác về BRI. Về hoạt động vốn cho BRI, tính đến tháng 8-2017, Trung Quốc đã đạt được 109 thỏa thuận với 68 quốc gia thuộc BRI với trị giá lên tới 33 tỉ đô la Mỹ. Tổng số vốn đã cấp và đợi phê duyệt mà Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) triển khai trong năm 2016 là 1,82 tỉ đô la Mỹ.

Tại Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc họp vào tháng 10-2017, BRI được bổ sung vào Điều lệ Đảng của Trung Quốc. Cụ thể, Điều lệ Đảng (sửa đổi) cho rằng cần “thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại, tuân theo nguyên tắc cùng bàn bạc, cùng xây dựng, cùng thụ hưởng, thúc đẩy xây dựng Một vành đai, Một con đường”. BRI được đưa vào Điều lệ Đảng đã tạo nền tảng pháp lý và tính bắt buộc về mặt chính sách ở cấp cao nhất, chỉ đạo công tác của tất cả các cấp địa phương.

BRI sau Đại hội 19: thúc đẩy các mô hình hợp tác kinh tế mới

Tham vọng của Trung Quốc hiện nay là trở thành một cường quốc khu vực. Báo cáo Chính trị tại Đại hội 19 cho thấy số lần xuất hiện của từ “cường quốc” đã tăng từ 4 lần (Đại hội 15) lên 23 lần. Điều này thể hiện sự tự tin của ông Tập Cận Bình vào sức mạnh và vị trí quốc tế mà Trung Quốc đã định hình được trong năm năm đầu dưới sự lãnh đạo của ông. Để thực hiện tham vọng này, BRI là một giải pháp được cho là có tầm quan trọng hàng đầu. Trong quá trình vươn ảnh hưởng ra bên ngoài, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu vốn lớn thứ ba thế giới (từ năm 2000-2014, quốc gia này đã cho vay phát triển với các hình thức khác nhau tổng cộng 354,3 tỉ đô la Mỹ). Sau Đại hội 19, Trung Quốc còn đẩy mạnh xuất khẩu mô hình phát triển. Ông Tập Cận Bình nhiều lần nói về “giải pháp Trung Quốc”, “mô hình Trung Quốc” như một cách thức mới để các nước có thể phát triển nhanh. Đó là một mô hình “dành cho những quốc gia và dân tộc muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển của mình trong khi vẫn duy trì được sự độc lập”.

Trung Quốc đã đẩy mạnh các sáng kiến kinh tế đối ngoại với nhiều mô hình hợp tác chưa từng có tiền lệ. Về thương mại và sản xuất, Trung Quốc hiện đẩy mạnh hợp tác với nhiều nước với nhiều mô hình khác nhau. Tại Pakistan, Trung Quốc xây dựng khu kinh tế đặc biệt tại cảng Gwadar. Liên doanh do tập đoàn nhà nước CITIC Group của Trung Quốc dẫn đầu đã giành được quyền xây dựng đặc khu kinh tế Kyaukpyu ở bang Rakhine, miền Tây Myanmar. Dự án trị giá 5,4 tỉ đô la Mỹ này dự kiến hoàn thành vào năm 2025, hứa hẹn sẽ tạo ra khoảng 100.000 việc làm. Tại Campuchia, đặc khu kinh tế Sihanoukville là hình mẫu trong sáng kiến BRI của Trung Quốc. Theo kế hoạch, đến năm 2020, đặc khu sẽ mở 300 nhà máy, cung cấp thêm 100.000 việc làm. Thông qua các sáng kiến như khu hợp tác kinh tế qua biên giới hay khu hợp tác năng lực sản xuất và nhiều mô hình khác, Trung Quốc đang xuất khẩu mô hình kinh tế của mình ra toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đối với các nước trong khu vực, BRI đem lại cơ hội đầu tư và thương mại mới, nhưng cần có cách tiếp cận thận trọng vì tính khả thi của BRI vẫn còn bỏ ngỏ. Đầu tiên, việc BRI được đưa vào Điều lệ Đảng có thể tạo ra “nguồn vốn chính trị”, nhưng cũng tạo ra “gánh nặng chính sách” cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp và ngân hàng, nhiều dự án BRI sẽ được thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ, thay vì quan tâm thực sự đến hiệu quả và chi phí kinh tế. Thứ hai, năng lực tài chính của các quốc gia vay vốn là có hạn. Sau Đại hội 19, Trung Quốc kêu gọi các bên cùng hợp tác và Trung Quốc sẽ chỉ đóng vai trò hỗ trợ thay vì cung cấp toàn phần cho các dự án BRI. Nhưng ngay cả khi đó, khả năng trả nợ của các quốc gia với các khoản lãi suất 5-6%/năm cũng là một thách thức.

 

Mô hình hợp tác mới và triển vọng với Việt Nam

Trong chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam vào tháng 11-2017, hai nước đã đạt được ba thỏa thuận liên quan đến kinh tế, bao gồm: (i) Bản ghi nhớ thúc đẩy kết nối giữa khung khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai, Con đường”; (ii) Bản ghi nhớ về việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán thỏa thuận khung về xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới; (iii) Bản ghi nhớ về danh mục dự án hợp tác năng lực sản xuất năm 2017. Những điều này để mở ra cơ hội hợp tác nhiều hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Đây là sự tiến triển có tính đột phá khi lãnh đạo hai nước đã có nhiều cuộc gặp chính thức cấp cao trong suốt hai năm qua. Khu hợp tác kinh tế qua biên giới là ý tưởng do Trung Quốc đề xuất và đang đàm phán, Bộ Công Thương Việt Nam là cơ quan phụ trách thỏa thuận khung này; trong khi đó, dự án hợp tác năng lực sản xuất do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Việt Nam là quốc gia có thương mại biên giới phát triển nhất trong số các nước có chung đường biên giới với Trung Quốc nên càng được hy vọng sẽ nhanh chóng hình thành một mô hình hợp tác kiểu mới. Trong khi triển khai hai mô hình hợp tác này, nhiều vấn đề được đặt ra cần giải quyết cẩn trọng bên cạnh những lợi ích về thương mại và đầu tư được mở rộng từ Trung Quốc. Chẳng hạn, Khu hợp tác kinh tế qua biên giới là mô hình hoàn toàn mới mẻ, những vấn đề kỹ thuật như làm sao để thống nhất biện pháp quản lý, phạm vi địa lý và cách thức quản lý, trong đó có các tiêu chuẩn lựa chọn kỹ thuật đối với hàng hóa và doanh nghiệp vào khu này... đều là những vấn đề đòi hỏi nhiều vòng đàm phán.

Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image