Tìm kiếm
Thứ Bảy, 18/01/2025 03:07

'Giá' hay 'phí' cũng phải bảo vệ dân chứ không để trốn trách nhiệm

09:15:00 03/06/2018

[Thanh niên - 3/6/2018 - PGS.TS. Nguyễn Đức Thành] Đề xuất của Bộ GD-ĐT sửa quy định thu học phí sang thu giá dịch vụ  trong luật Giáo dục ĐH tạo sự phản ứng dư luận xã hội. Theo PGS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, các điều khoản chưa diễn giải được tường minh, cả về ngôn ngữ lẫn triết lý.

Cụm từ 'Giá dịch vụ đào tạo'thay thế cho từ 'Học phí' khiến người học lo lắng   /// ĐÀO NGỌC THẠCH

Cụm từ 'Giá dịch vụ đào tạo'thay thế cho từ 'Học phí' khiến người học lo lắng

PGS Nguyễn Đức Thành nói:

Người dân và các đại biểu quốc hội phản ứng có lẽ trước hết bởi tiêu đề của điều 65 dự thảo luật Giáo dục ĐH lần dầu tiên xuất hiện cụm từ 'Giá dịch vụ đào tạo' thay thế cho từ 'Học phí' trong luật hiện hành (với luật Giáo dục thì ban soạn thảo do dự, chưa dám thay đổi như thế). Nhóm lý do thứ nhất là e ngại điều này bộc lộ triết lý coi GD-ĐT là một loại dịch vụ hoàn toàn mang tính thị trường. Nhóm lý do thứ hai cho rằng điều này thể hiện quan điểm nhà nước muốn trốn tránh trách nhiệm cung cấp dịch vụ giáo dục như một dịch vụ công, mà đẩy hết chi phí sang cho người dân.

Tôi đã đọc và đối chiếu hai dự thảo luật này với các luật (Giáo dục và Giáo dục ĐH) hiện hành, đồng thời đọc lại các luật phí và lệ phí, giá mới ban hành gần đây hơn, để hiểu xem thực sự điều gì đang diễn ra. Quả là đang có một vấn đề về ngôn ngữ ngăn cách giữa các nhà làm luật và công chúng. Người dân hiểu từ 'phí' theo một nghĩa khá rộng. Còn xét từ góc độ người làm luật, họ phải sử dụng các khái niệm có tính đồng bộ với các luật đã có mà trong đó  phí hay giá đã được định nghĩa cụ thể. Đi cùng với sự đồng bộ này thì quả là việc nói 'giá dịch vụ GD-ĐT' cho phép người soạn luật nói chính xác và rộng rãi hơn về các chi phí liên quan đến quá trình GD-ĐT. Nếu nói là 'học phí', nội hàm khoản chi chỉ dành cho một hoạt động dạy học, trong khi để có hoạt động này thì cơ sở GD-ĐT cần phải có hàng loạt hoạt động khác, mà hoạt động nào cũng cần có chi phí. Trong khi theo quy định của luật pháp, nhà nước chỉ có quyền quy định về 'phí' thôi, còn cơ sở GD-ĐT tự do thu các khoản khác, và đó là mảnh đất nảy nở lạm thu.

 Đó chính là vấn đề mà tôi cho rằng các nhà soạn luật muốn giải quyết, thông qua việc thay đổi tên gọi để tạo điều kiện cho việc thực thi chính sách sau này. Và chỉ có bằng cách định nghĩa lại một cách chặt chẽ hơn như vậy, thì mới thực hiện được cái gọi là “tính đúng, tính đủ” các chi phí GD-ĐT. Điều này thì về nguyên tắc tôi nghĩ ai cũng đồng thuận thôi.

Dân phản ứng mạnh là có lý do

Vậy người dân phản ứng sai, thưa ông?

Không! Chúng ta cần phải biết vì sao họ phản ứng. Họ phản ứng vì họ không hiểu tinh thần của người làm luật, hay họ hiểu nhưng không ủng hộ với ý tưởng đó? Với lý do thứ nhất, tôi cho rằng người làm luật cần phải xem lại chính mình, cần giải thích rõ ràng hơn. Với lý do thứ hai, người làm luật càng cần phải xem lại, vì sao dân không ủng hộ? Cần rà soát xem với nội dung luật như vậy, các nhóm lợi ích nào sẽ có khả năng được lợi, và gây thiệt hại đến người dân.  

Đối với tôi, người dân phản ứng mạnh có lẽ nằm ở lý do thứ nhất. Tức là họ chưa hiểu hết tinh thần của luật này, và họ rất khó chịu khi một ngành truyền thống như giáo dục, lại bị khoác lên những ngôn từ như 'dịch vụ giáo dục', và từ 'học phí' quen thuộc, nghe mang tính sư phạm, bị đổi thành cụm 'giá dịch vụ'rất mang tính thị trường. Họ đã mệt mỏi với sự thị trường hóa các hoạt động dịch vụ truyền thống, giờ e ngại bị Bộ GD-ĐT khẳng định, mở đường cho thị trường hóa, mua bán hóa hoạt động này, thì họ rất lo ngại, thậm chí tức giận. Điều đó hoàn toàn hiểu được.

Người dân cho rằng khi sử dụng khái niệm “giá”, Chính phủ (cụ thể ở đây là Bộ GD-ĐT) muốn đẩy giáo dục đào tạo phát triển theo xu hướng “thương mại hóa”, xem GD-ĐT là một hàng hóa bị chi phối bởi cơ chế thị trường, ông nghĩ sao?

Lo lắng đó là có cơ sở, mặc dù tôi nhận thấy dường như các nhà làm luật cũng đang cố gắng 'vùng vẫy' để đưa GD-ĐT rơi khỏi bẫy 'thương mại hóa' trong quá trình xác định GD-ĐT là một dịch vụ, dù là dịch vụ công. Trong điều 105 của dự thảo sửa đổi luật Giáo dục, các nhà làm luật chưa đưa ra được định nghĩa đúng về các khoản phải chi trả cho dịch vụ GD-ĐT, chưa xác định được đối tượng có trách nhiệm chi trả trong dịch vụ này.  Tôi thấy cách định nghĩa như trong Điều 65 của luật Giáo dục ĐH thì rõ ràng hơn.

Còn dự thảo luật mới mù mờ đã đành, lại còn có nguy cơ vi hiến khi vừa đưa ra khái niệm học phí, đồng thời lại có giá. Miễn học phí cho học sinh tiểu học, còn giá dịch vụ giáo dục đào tạo thì  vẫn phải trả thì sao? Nói cách khác, học sinh được miễn 5 đồng học phí nhưng lại phải đóng thêm 10 đồng nữa trong phần giá dịch vụ đào tạo được cơ quan chức năng xác định trên nguyên tắc “tính đúng tính đủ”?

'Giá' hay 'phí' cũng phải bảo vệ dân chứ không để trốn trách nhiệm - ảnh 2

Người dân rất khó chịu khi một ngành truyền thống như giáo dục lại bị khoác lên những ngôn từ như 'dịch vụ giáo dục' Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

 Nước ngoài không dùng từ 'giá' trong dịch vụ giáo dục- đào tạo

Nghĩa là người dân sợ “lạm thu” hợp pháp?

Đúng rồi. Họ lo ngại hoàn toàn có sở sở, nhất là từ thực tế hiện nay. Phản ứng của họ không chỉ bị chi phối bởi các câu chữ hiển hiện trong dự thảo luật, mà còn bởi lịch sử của vấn đề. Đã và đang có câu chuyện học sinh tiểu học không phải đóng học phí, nhưng phải đóng tiền buổi học thứ hai, nhiều nơi còn phải đóng trăm thứ tiền khác: tiền điều hòa, tiền vệ sinh, tiền nước uống….

Vì thế mà những người làm luật phải hiểu được những uẩn khúc đó để giải tỏa nó ngay trong các điều khoản của luật. Trước hết  phải khẳng định dịch vụ giáo dục đào tạo có phải là dịch vụ công không? Nếu là dịch vụ công, cái tính đúng tính đủ theo cơ chế giá ở đây bao gồm gì (có bao gồm cả lợi nhuận mà luật giá quy định không)? Trách nhiệm mà nhà nước chi trả cho cái tính đúng tính đủ đó được quy định như thế nào với từng cấp học, bậc học… Những trách nhiệm đó được nêu rõ trong luật (và hợp hiến và các luật khác) thì người dân sẽ yên tâm.

Việc sửa đổi luật lần này có thể giúp cơ quan nhà nước làm điều đó một lần dứt khoát với người dân.

Nhiều người cho rằng, ở nước ngoài, ngay cả những nơi 'thương mại hóa' giáo dục mạnh mẽ cũng không ai gọi giá (price), quan điểm của ông thì sao?

Vấn đề ngôn ngữ là một câu chuyện không nên đơn giản hóa. Tôi để ý ở nước ngoài người ta không bao giờ dùng chữ giá (price) để nói về các khoản người học phải chi trả trong dịch vụ GD-ĐT, kể cả những nơi họ thực sự kinh doanh giáo dục. Họ luôn dùng từ phí (fee) nghe cho sư phạm, chừng mực. Nhưng đó là khi ngôn ngữ có sự đa dạng và linh hoạt. Còn ở ta, tiếc thay ta lại đã quy định trong luật là “phí” thì chắc chắn là một khoản liên quan đến cơ quan công quyền. Các nhà làm luật thì không muốn làm sai trên bình diện ngôn ngữ pháp luật. Nhưng trên bình diện đời sống hàng ngày, người dân không dễ dàng hiểu ngay và thay đổi ngay, nên họ có những cảm xúc không như các nhà làm luật kỳ vọng. Mà cảm xúc này của nhân dân thì không thể xem thường.

Cần tránh xu hướng “thương mại hóa giáo dục”

Theo tờ trình quốc hội dự án sửa Luật GD đại học của Bộ GD-DDT, tất những nội dung sửa đổi được gói gọn trong 4 chính sách và tất cả các chính sách này đều xoay quanh trục “tự chủ đại học” mà trong đó tự chủ tài chính vừa là một mục tiêu, vừa là giải pháp.

Theo ông Phan Thanh BÌnh, Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, dù đa số ý kiến thành viên Uỷ ban cơ bản nhất trí với các quy định này nhưng cũng đã đưa ra một số cảnh báo. Chẳng hạn, nếu sử dụng khái niệm học phí thì vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục. Hoặc với quy định cho phép cơ sở giáo dục  ĐH được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước thì cần  nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết. Từ đó mới có căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện, trong đó làm rõ phần Nhà nước hỗ trợ và phần phải thu phí thêm. Đi đôi với cơ chế thu dịch vụ, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính ĐH, để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với  giáo dục ĐH khi tăng mức học phí.

 

 

Chưa thấy vai trò điều tiết của nhà nước trong luật

Việc góp ý đưa vào luật Giáo dục  ĐH khái niệm “giá dịch vụ đào tạo” của Bộ Tài chính thể hiện quan điểm coi trường ĐH là doanh nghiệp. Đã là giá thì có hoạt động mua bán, bởi giá là khoản tiền người ta bỏ ra để mua một sản phẩm, mua một dịch vụ, và muốn cấu thành giá thì phải xây dựng giá thành cộng với lãi. Nhưng đã là ĐH công lập thì phải là phi lợi nhuận, dù có thể phải tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động. Còn với khối tư nhân, nếu họ muốn thì phải để họ kiếm lời khi tham gia đầu tư vào giáo dục, nhưng nhà nước phải thể hiện được vai trò điều tiết để hoạt động kiếm lời đó không ảnh hưởng tới những giá trị của ĐH.  Việc điều tiết đó phải thể hiện qua luật, nhưng tôi không nhận thấy điều đó trong dự thảo luật Giáo dục  ĐH sửa đổi.

Nguyễn Thanh Huyền

(Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế  Bộ GD-ĐT)

Trường công và tư có gì khác biệt?

Điểm mà tôi thấy băn khoăn là khi các trường ĐH được tự chủ thì giữa trường công và trường tư không có sự phân biệt, nhất là về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của giảng viên... Theo quy định, giảng viên ở trường ĐH công lập hiện nay vẫn là viên chức và chịu sự điều tiết của luật Viên chức, còn giảng viên trường tư thì không phải là viên chức và điều tiết bởi luật Lao động. Điều này khiến cách hành xử với giảng viên trong 2 cơ sở này không thực sự bình đẳng trước sự điều tiết của pháp luật. Điều này dẫn đến chế độ trả tiền lương cho giảng viên trường công và trường tư không giống nhau. Một bên trả lương theo luật Lao động, một bên trả theo thang bảng lương của viên chức. Điều này khiến sự cạnh tranh, đào thải, đánh giá theo năng lực của các GV trường công lập không được như ở trường tư. Trường tư người nào giỏi, có năng lực sẽ được nhận mức lương cao hơn. Trường công rất khó làm được như vậy.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng lo ngại việc mở rộng tự chủ sẽ khiến nhiều trường ĐH biến thành các doanh nghiệp kiếm lời.

Hoàng Văn Cường

(đại biểu quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân)

Quý Hiên- Lê Hiệp (ghi)

Đào Ngọc Thạch

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image