Tìm kiếm
Thứ Sáu, 04/07/2025 08:03

Thương chiến Mỹ - Trung: Doanh nghiệp Việt 'chủ động' kiểu nào?

09:14:00 09/09/2019

Ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung lên nền kinh tế toàn cầu là điều không tránh khỏi. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt sẽ cần cân nhắc những yếu tố nào để đỡ bị động và có thể giảm bớt rủi ro?

https://thegioitiepthi.vn/thuong-chien-my-trung-doanh-nghiep-viet-chu-dong-kieu-nao-167438.html

Kinh doanh trong môi trường đầy biến động

Là người có nhiều năm nghiên cứu sâu về các chính sách kinh tế của Trung Quốc, Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, niềm tin Mỹ - Trung đã đổ vỡ từ năm 2016 và thương chiến là hệ quả tất yếu.

Doanh nghiệp cần phải cập nhật tin tức kịp thời để tránh rủi ro từ thương chiến. Ảnh: TL

Rất nhiều thông tin về thương chiến Mỹ - Trung liên tục được cập nhật. Tuy nhiên, ông Thành nhấn mạnh ngay cả khi thông tin mới nhất là phía Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán trong tháng 10/2019 thì thực tế hai bên vẫn còn khoảng cách rất xa nhau và thương chiến còn kéo dài là điều có thể dự báo được.

Ông Thành nhấn mạnh hiện tại có 4 nhóm công cụ mà Mỹ đang sử dụng trong thương chiến với Trung Quốc là: áp thuế, hành chính (như trương hợp Huawei), khởi tố hình sự - nếu vi phạm luật, cấm vận. Trong đó ¾ công cụ đã được Mỹ dùng đến. Ngoài ra, Mỹ có thể có nhiều cú đánh “tổng lực” khác kể cả sử dụng các vấn đề chính trị (như việc công nhận phe đối lập của Venezuela) để làm phép thử đo lường phản ứng của các nước và gây áp lực. Bên cạnh đó những chính sách của chính quyền dưới thời Tổng thống Donal Trumph là không có tiền lệ nên việc nhận định, ra chính sách, áp dụng đang được diễn biến rất nhanh nên chính phủ các nước không thể khinh suất.

Dựa vào các nghiên cứu tổng hợp, ông Thành nhận định trong ngắn hạn Việt Nam và các nước thứ ba thể hưởng lợi tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ thay thế cho hàng Trung Quốc, đặc biệt là ngành hàng may mặc và giày dép.

Tuy nhiên ông Thành cho rằng thuận lợi này cũng có thể biến thành bất lợi nếu doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách lợi dụng, tránh né thuế quan bằng cả con đường hợp pháp và bất hợp pháp để đưa hàng vào Mỹ thông qua nước thứ ba.

Ngoài ra, nếu quan sát tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam sáu tháng đầu năm 2019, ông Thành nói rằng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam là nhóm hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến Mỹ - Trung.

Trong nhiều nhóm hàng mà hàng Việt Nam có ưu thế (như quần áo, đồ gỗ), doanh nghiệp FDI đang lấn sân và giành nhiều đơn hàng xuất khẩu trong vòng một năm qua.

Một nghiên cứu của Fiin Group, trong thời gian từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu quần áo sang Mỹ, trong khi doanh nghiệp FDI đến từ Đài Loan chiếm 12%, doanh nghiệp FDI Trung Quốc chiếm 13% và doanh nghiệp FDI Hàn Quốc chiếm tới 49% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nguồn: Trần Toàn Thắng / PST

Đối với ngành gỗ, một trong những ngành được dự báo từ sớm là hưởng lợi nhờ thương chiến - trong sáu tháng đầu năm 2019, trong tổng số 44 dự án FDI đăng ký đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc áp đảo với tỷ trọng xấp xỉ 66% (29 dự án), chủ yếu là các dự án sản xuất gỗ dăm, gỗ dán.

Đồng quan điểm với ông Phạm Sỹ Thành, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công thương), cho rằng khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang, việc Trung Quốc sử dụng công cụ giảm giá đồng Nhân dân tệ có thể làm hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, cạnh tranh hơn. Đồng thời Việt Nam sẽ là thị trường nhập khẩu hàng hóa, công nghệ cũ, đang dư thừa ở Trung Quốc. Do đó sức ép cạnh tranh tại thị trường nội địa sẽ càng nhiều hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Tuyển cũng cảnh báo thời điểm này chưa phải là lúc Mỹ tính toán đánh thuế bổ sung với hàng Việt Nam (như thép, nhôm), nhưng trong tương lai, khi xuất siêu của Việt Nam và Mỹ tăng lên, khả năng Việt Nam được Mỹ “để ý” là rất lớn.

Có thể “chủ động” không?

Trước những biến động của thị trường và ảnh hưởng từ thương chiến, các chuyên gia đều cho rằng đây là cuộc chiến không thể giải quyết nhanh chóng trên bàn thương lượng mà sẽ còn kéo dài và doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm thế cũng như luôn phải chuẩn bị trước mọi thay đổi.

Chỉ ra những thay đổi biến động của thế giới, ông Tuyển cho rằng nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn. Muốn vậy, Việt Nam cần điều chỉnh giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và tìm kiếm các thị trường mới, ổn định. Ông nhấn mạnh khi EVFTA và CPTPP có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam nên tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu vào Châu Âu và các nước có ký kết FTA, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ.

Tương tự, ông Phạm Sỹ Thành còn chỉ ra rằng các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam cần đóng vai trò tích cực và chủ động nhiều hơn nữa để thông tin kịp thời giúp doanh nghiệp định hướng và chuyển đổi kịp thời. Ông Thành khuyến khích các doanh nghiệp Việt cần phải thường xuyên cập nhật thông tin và đề xuất các ý kiến để hiệp hội làm đầu mối đưa ra các kiến nghị với chính phủ.

Ông Trương Đình Tuyển thì nói rằng bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng không được thụ động, chủ quan mà nên hiểu rõ môi trường mà mình đang kinh doanh đang ngày càng thay đổi nhanh chóng; phải chịu khó đọc, tìm hiểu các thông tin mới, cập nhật pháp luật, tìm hiểu các thông tin, nghị định, hiệp định trong nước, quốc tế...

“Nếu các doanh nghiệp không tự đọc thì làm sao có thể làm ăn với quốc tế”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Tuyển đề nghị doanh nghiệp Việt thực hiện 3 biện pháp chính:

1/ Tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn. Theo đó, cần:

- Giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao để tăng nhập khẩu các sản phẩm này từ Mỹ. (Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, dù vài năm gần đây, xuất khẩu vào Trung Quốc có tăng lên).

- Khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ. Đây là một tiềm năng to lớn cần khai thác. Trong thị trường EU, tỷ lệ xuất khẩu của doanh nghiệp Việt vào các nước Đông Âu còn rất thấp.

- Quan tâm nhiều hơn đến phát triển thị trường nội địa.

- Phải kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt.

2/ Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với sự thay đổi của thị trường và công nghệ sản xuất.

3/ Tích cực thực hiện chiến lược chuyển đổi số để tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Việt Nam nên tận dụng gì từ thương chiến?
Theo tôi, nên nhìn ở góc độ đây là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế và lấp các khoảng trống về mặt pháp lý.
Trước hết, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để hoàn thiện việc quản lý, cung cấp và kiểm tra xuất xứ hàng hóa, qua đó tranh thủ nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA cho doanh nghiệp bản địa. Tiếp theo, nâng cao việc theo dõi và quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 dù ban hành chậm nhưng vẫn là một bước đi cần thiết.
Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng ở khu vực là một cơ hội vàng để Việt Nam chào đón các chuỗi cung ứng phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn của mình. Việt Nam không có lợi thế như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan, nhưng vẫn cần nhìn nhận thương chiến như thời cơ chiến lược để có một diện mạo công nghiệp chất lượng tốt hơn. Cuối cùng, nhưng rất quan trọng, thương chiến là cơ hội để Việt Nam cải thiện cơ cấu thương mại với Mỹ theo hướng cân bằng hơn.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image