Tìm kiếm
Thứ Sáu, 15/11/2024 02:23

Chi tiêu thuế làm hụt thu 20% ngân sách?

09:04:00 15/11/2019

Đây là số liệu được công bố tại Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển 2019 với chủ đề: “Hướng tới một hệ thống thuế công bằng" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 13-11-2019. 

http://cand.com.vn/Kinh-te/Chi-tieu-thue-lam-hut-thu-20-ngan-sach-569999/?fbclid=IwAR0lxVGdFRY3xoA8LUBqgmj8k6lIkUInvAYF3MKmpHqmcGCcTT5ViNsrYew

    Ưu đãi thuế: chỉ “vỗ béo” nhà giàu?

    Chi tiêu thuế là một thuật ngữ chỉ các khoản ưu đãi thuế của chính phủ đối với một nhóm người nộp thuế và nó nằm ngoài mức thuế hoặc hệ thống thuế chuẩn. Bên cạnh trốn thuế và tránh thuế, chi tiêu thuế là một trong ba cấu phần của hụt thu ngân sách nhà nước (NSNN) mà các nhà làm chính sách, các nhà hoạt động và các nhà phân tích rất quan tâm.

     

    PGS.TS Nguyễn Đức Thành -  Viện trưởng VEPR dẫn bộ điều tra về chi tiêu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), con số ước tính chi tiêu thuế rất đáng chú ý và tăng mạnh vào năm 2016. Ước tính chi tiêu thuế của thuế TNDN trong nghiên cứu này bằng 7% tổng thu NSNN, 30% số thu thuế TNDN, 5% tổng chi NSNN và cao hơn chi NS cho y tế. Con số ước tính chi tiêu thuế của thuế TNDN năm 2016 đạt gần 86 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2014 và tăng 50% so với năm 2012.

     
    Ưu đãi thuế khiến Việt Nam mất nguồn thu lớn cho các nước phát triển.

    Đáng chú ý, ưu đãi thuế đang được tập trung vào nhóm doanh nghiệp (DN) có các đặc điểm sau: có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo), có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu công nghiệp. Thậm chí với ngành chế biến chế tạo thuế suất thực nộp chỉ bằng khoảng 1/5 mức thuế suất phổ thông.

    Xét về loại hình sở hữu, DN có vốn đầu tư nước ngoài mặc dù chỉ chiếm khoảng 3% tổng số DN trong mẫu nghiên cứu nhưng lại có chi tiêu thuế chiếm khoảng một nửa. Thuế suất thực nộp của nhóm này cũng luôn thấp hơn các nhóm khác. Xét theo khu vực kinh tế, số DN thuộc khu công nghiệp chỉ chiếm 2% tổng số DN nhưng chi tiêu thuế của nhóm này luôn chiếm 30%.

    Chi tiêu thuế bình quân trên một DN của nhóm này cũng cao hơn ít nhất là 30 lần so với các khu vực kinh tế khác. Thuế suất thực nộp của các DN nộp thuế trong nhóm này chỉ khoảng 10%, bằng khoảng một nửa mức thuế suất phổ thông (2016). Cũng theo nghiên cứu, nếu loại bỏ các ưu đãi của thuế TNDN thì thu NS sẽ tăng 20%.

    Đứng trước số liệu đáng giật mình này, ông Johan Langerock - chuyên gia về chính sách thuế, Tổ chức Oxfam, cho rằng trong những năm qua, tổng thu NS từ thuế của Việt Nam đã và đang giảm so với quy mô của nền kinh tế, từ mức 27.3% GDP (2010), xuống 23.7 % GDP (năm 2016). Một trong những lý do giảm thu NS và thâm hụt NS của Việt Nam trong những năm qua là do sụt giảm nguồn thu từ thuế và giảm sụt giá dầu thô.

    Thu từ thuế TNDN giảm mạnh từ năm 2006, từ 6.9% GDP năm 2010, xuống còn 4.3% GDP năm 2017. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam. Một số báo cáo đã chỉ ra các lợi ích của việc phát triển kinh tế của Việt Nam đang ngày càng tập trung vào 10% dân số giàu nhất. “Các cơ quan nhà nước chưa quan tâm đầy đủ đến việc phân tích hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế. Chúng ta không thể bỏ qua việc tính toán này vì chi phí phải đánh đổi về mặt xã hội là quá lớn.

    Theo OECD, tổn thất doanh thu NS ước tính hàng năm là 1% GDP, tương đương trên 50 nghìn tỉ đồng. Với số tiền này, chúng ta có thể đầu tư xây dựng 25 bệnh viện mới với quy mô 1.000 giường tại Việt Nam. Khi nguồn NS thu từ thuế từ các công ty lớn giảm, áp lực đóng thuế VAT của người dân bình thường sẽ tăng lên hoặc dịch vụ công như y tế hay giáo dục cho người dân bị cắt giảm.

    Oxfam tin rằng Việt Nam có thể loại bỏ các ưu đãi thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh của quốc gia. Đã đến lúc Việt Nam cần có lý giải hợp lý các khoản chi tiêu qua thuế cho các công ty lớn”, ông Johan Langerock phân tích.

    Phải minh bạch chi tiêu thuế

    Phản biện từ phía cơ quan thuế, ông Nguyễn Văn Phụng- Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế đặt vấn đề về những lợi ích thu hút DN thông qua ưu đãi thuế. “Nếu 10-20 năm trước không có ưu đãi có thu hút được DN vào VN hay không?

    Ví dụ Samsung hiện chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu, thu hút hàng trăm nghìn lao động, ưu đãi dành cho họ là thuế suất 10% trong 15 năm và kéo dài thêm 15 năm.

    Nếu không có những ưu đãi này thì liệu có những con số trên không, có Samsung không”, ông Phụng đặt vấn đề. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý Chương trình Cấp cao về Quản trị Oxfam tại Việt Nam thì xóa bỏ các ưu đãi thuế TNDN chỉ có tác động tiêu cực đến các nhóm thu nhập cao, vốn được hưởng lợi chính từ các ưu đãi thuế.

    Trong trường hợp chính phủ sử dụng phần NS tăng thêm một cách khôn ngoan, thì việc xóa bỏ các ưu đãi thuế TNDN sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho các nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua việc tăng đầu tư phát triển hay tăng trợ cấp cho người nghèo.

    Bà Hương cảnh báo nếu cứ tiếu tục ưu đãi thuế, một trong những tác động có thể xảy ra là nếu OECD thông qua áp dụng mức thuế TNDN tối thiểu toàn cầu, mà Việt Nam vẫn tiếp tục ưu đãi thuế cho các DN và mức đóng thuế thực tế của các DN thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu, thì chính phủ các nước bản địa của các DN nước ngoài có quyền thu phần chênh lệch giữa thuế thực trả của DN tại Việt Nam và mức thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ mất đi một phần nguồn thu lớn từ thuế TNDN cho các nước phát triển.

    Trong khi đó, Ths. Hồ Ngọc Tú, Ban Chính sách công, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng Việt Nam hàng năm vẫn chưa có báo cáo về chi tiêu thuế đầy đủ đối với tất cả các sắc thuế được miễn, hoãn, giảm cho các đối tượng nhằm đánh giá mức độ hụt thu của thu NSNN đối với các chính sách ưu đãi thuế.

    Bởi vậy, theo ông Tú, cần có báo cáo chi tiêu thuế hàng năm để các cơ quan quản lý thuế và các cơ quan quản lý NS đánh giá được mức độ giảm thu của NSNN qua các chính sách ưu đãi thuế góp phần gia tăng tính hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách thuế và NS.

    Việc loại bỏ các chính sách ưu đãi thuế có gây ra tác động tích cực hay tiêu cực cho nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào hành động của Chính phủ. Nếu Chính phủ dùng phần NS tăng thêm này để tăng đầu tư phát triển, hoặc trợ cấp cho người nghèo thì sẽ giúp cải thiện phúc lợi của xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu Chính phủ dùng phần NS tăng thêm cho chi thường xuyên thì sẽ không làm tăng tăng trưởng kinh tế.

    Phân tích mô phỏng cho thấy, xóa bỏ các ưu đãi thuế TNDN chỉ có tác động tiêu cực đến các nhóm thu nhập cao, vốn được hưởng lợi chính từ các ưu đãi thuế. Trong trường hợp Chính phủ sử dụng phần NS tăng thêm một cách khôn ngoan, thì việc xóa bỏ các ưu đãi thuế TNDN sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho các nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua việc tăng đầu tư hay tăng trợ cấp cho người nghèo.

    Hà An

    Bình luận
    Gửi bình luận của bạn
    Mã xác nhận
    Captcha image