Tìm kiếm
Thứ Ba, 19/03/2024 12:01

Tăng trưởng cao và bền vững hơn

20:55:00 11/12/2019

“Địa phương tốt, ngành tốt mới có Trung ương tốt, nên cả nước phải tiếp tục phấn đấu để đạt vượt mức tăng trưởng không phải 6,8% như Quốc hội giao mà phải phấn đấu đạt 7%”, đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đề cập đến các nhiệm vụ cần nỗ lực trong tháng cuối năm này và đầu năm 2020, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2019 vừa diễn ra.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2019. Ảnh: QUANG ANH

Tăng trưởng 7% - Không bất ngờ!

Vẫn trên tinh thần nỗ lực tiến tới xây dựng một Chính phủ “liêm chính, hành động và kiến tạo phát triển”, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 (vào ngày 2-12) đã đề cập rất nhiều việc cụ thể cho thời điểm cuối năm và chuẩn bị đón năm mới 2020, Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành không được chủ quan; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu đạt kết quả cao nhất kế hoạch năm 2019.

Bàn về mục tiêu tăng trưởng năm 2019, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng luôn là một quá trình liên tục. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có những hành động quyết liệt nên không quá khó để nhìn thấy trước rằng các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm nay hoàn toàn có thể hoàn thành, thậm chí là hoàn thành vượt 12 chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Không những thế, nước ta còn đạt được nhiều kết quả ấn tượng như năng lực cạnh tranh quốc gia được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá cải thiện vượt bậc trên cả ba trụ cột (thể chế, cơ sở hạ tầng, kỹ năng), tăng 10 bậc so với năm 2018, xếp 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhớ lại, vào cuối năm 2018, khi phân tích về những triển vọng cho kinh tế Việt Nam năm 2019, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo: “Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 có khả năng đạt 7%”, căn cứ vào những nỗ lực đổi mới nội tại, và cả những khả năng có thể được hỗ trợ bởi các yếu tố quốc tế, như hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất, triển vọng từ các hiệp định mới như CPTPP và các FTA khác…

Đi cùng với dự báo, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và doanh nghiệp (DN), là hàng loạt hành động quyết liệt ngay từ đầu năm và đã cho thấy những kết quả rõ nét. Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 tại Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kinh tế tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng.

Nhưng không thể chủ quan

Số liệu mới đây nhất từ nghiên cứu độc lập của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 7,31% trong quý III-2019, tạo đà cho tăng trưởng những tháng cuối năm. Song, tăng trưởng của khu vực nông, lâm, và ngư nghiệp giảm do nhiều yếu tố bất lợi xuất hiện. FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng thông qua xuất khẩu. PGS, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, Việt Nam không thể chủ quan với tăng trưởng, bởi những ngành sản xuất chủ lực như công nghiệp, chế biến chế tạo có mức tăng trưởng giảm hơn so với năm trước, nên có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng của năm sau. Vì thế, các cơ quan quản lý phải theo dõi sát sao về tình hình thị trường, nguồn lực, động lực cùng sự tăng trưởng của các ngành khác để có quyết sách đúng đắn cho kinh tế phát triển.

Bàn về mục tiêu tăng trưởng 7%, Ths Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tại Niu Di-lân chia sẻ: “Điều này khả thi, bởi về lý thuyết, có nhiều cách để thúc đẩy tăng trưởng. Nhất là khi, hiện nay, tăng trưởng đã đạt 6,8%, nên tháng cuối năm chỉ cần phấn đấu 0,2% GDP. Song, vấn đề chính không phải là tăng bao nhiêu, mà là tăng trưởng có bền vững hay không. Việc cần thiết lúc này là, Chính phủ cần tiếp tục xây dựng thiết chế để nền kinh tế ổn định và phát triển lâu dài”.

Đồng tình với quan điểm “tăng trưởng nhưng phải bền vững”, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ở thời điểm này, trên cơ sở những kết quả khả quan chúng ta đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành tốt kế hoạch năm 2019, tạo đà vững chắc cho kinh tế năm 2020. Muốn thế, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 11-2019 mới đây, phải xác định rõ những mục tiêu cụ thể, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt những mục tiêu này. Năm 2020, Việt Nam cần xác định những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, tập trung vào khu vực tư nhân, nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ,… Từ đó, thiết lập được vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo, mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng còn khá gian nan. Đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh, kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc, thậm chí đã có những dự báo về khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu, Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động ứng phó với tình huống này.

Lường trước khó khăn, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo cụ thể: Tiếp tục đáp ứng tốt các yêu cầu tín dụng cho thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh bố trí vốn cho sản xuất, kinh doanh những ngành hàng có lợi thế, có triển vọng và tiềm năng lớn. Bảo đảm lưu thông tiền tệ thông suốt và nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là vào thời điểm cuối năm và đầu năm mới. Đồng thời, bảo đảm an ninh tiền tệ trong nền kinh tế số; các bộ, ngành chức năng triển khai hiệu quả các giải pháp giảm tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Tập trung chỉ đạo hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước 2019, phấn đấu tăng thu cao hơn số liệu đã báo cáo Quốc hội; bảo đảm nguồn lực cho đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách. Rà soát việc phân bổ vốn đầu tư, tránh tình trạng để dư nguồn, không phân bổ hết còn khá lớn như hiện nay. “Đẩy mạnh giải ngân nhưng không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư công”, Thủ tướng chỉ đạo.

FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng của nền kinh tế. Trong ảnh: Sản xuất và lắp ráp xe máy tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam. Ảnh: THANH HÀ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image