Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Ba, 07/01/2025 04:11

Tọa đàm: "Vai trò của Kinh tế nền tảng số đối với tương lai kinh tế Việt Nam"

13:53:00 07/01/2020

Vào chiều ngày 07/01/2019 tại khách sạn Movenpick Hà Nội, UPGen Vietnam phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Tọa đàm "Vai trò của Kinh tế Nền tảng Số đối với tương lai Kinh tế Việt Nam".

Tài liệu hội thảo được cập nhật tại đây

Ảnh hội thảo được cập nhật liên tục tại đây

Tọa đàm: "Vai trò của Kinh tế nền tảng số đối với tương lai kinh tế Việt Nam"

Chúng ta đang ở trong một thời đại mà mô hình kinh doanh trên nền tảng số đang chiếm lĩnh và lấn át các mô hình truyền thống. Trên thế giới, các mô hình nền tảng chiếm ưu thế nhờ hai lợi thế nổi bật: (i) Chi phí cận biên gần như bằng không trong sản xuất và phân phối; (ii) Giá trị được tạo ra từ hiệu ứng mạng tích cực khi gia tăng sản xuất sẽ dẫn đến tiêu thụ nhiều hơn và ngược lại. Một loạt ông lớn như Facebook, Google, AirBnB, Uber, Youtube, Amazon… đã tạo ra đột phá trên thị trường ngay từ khi mới xuất hiện nhờ vào những lợi thế trên. Kinh tế nền tảng số, hay bản thân những doanh nghiệp nền tảng số, có tác động như thế nào đối với sự phát triển kinh tế và sự thịnh vượng của các quốc gia?

Đặt trong bối cảnh Việt Nam, những vấn đề cơ bản như tăng trưởng GDP, phúc lợi xã hội, môi trường kinh doanh, chất lượng lao động,… sẽ thay đổi như thế nào dưới sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Kinh tế Nền tảng số? Tọa đàm “Vai trò của Kinh tế Nền tảng số đối với tương lai kinh tế Việt Nam” do UPGen Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức, sẽ thảo luận về những vấn đề trên. Đây là buổi Toạ đàm thứ ba trong chuỗi Toạ đàm gồm tám buổi về Kinh tế Nền tảng Số (Digital Platform Economy).

Mở đầu toạ đàm,  PGS. TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR đã có bài phát biểu chào đón các khách mời tham dự tọa đàm. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế nền tảng, ghi nhận và cảm ơn sự quan tâm của mọi người tới chuỗi tọa đàm.

PGS. TS. Nguyễn Đức Thành phát biểu khai mạc tọa đàm

Tiếp theo, ThS. Bùi Hà Linh - Nghiên cứu viên nhóm Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách điều hành phiên thảo luận của tọa đàm. Theo ThS. Linh, kinh tế nền tảng số đang thâm nhập ngày càng mạnh và ảnh hưởng đến vào kinh tế Việt Nam. Đây không phải là vấn đề mới nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng.

ThS. Bùi Hà Linh

Mở đầu chương trình, GS. TS. Hồ Tú Bảo  đưa ra quan điểm của mình về kinh tế nền tảng số. Ông chia sẻ: cho rằng:  "Ở Việt Nam, mỗi một tổ chức phải tìm ra cách làm việc của mình, thay đổi cách làm việc của mình khi mọi thứ được số hóa. Hoặc khi môi trường công nghệ thay đổi là phải thay đổi mô hình cũ mình đang làm, hoặc là tạo ra mô hình mới. Mô hình mới như kiểu AirBnB, Ebay, Amazon, Google, Baidu,v.v. Đây là những mô hình công cụ để liên kết với nhau. Đề án Bộ Thông tin và Truyền thông bây giờ đang đẩy mạnh là phải làm rất nhiều nền tảng trong từng lĩnh vực: nông nghiệp,tài chính, y tế, giáo dục… Nhiều công ty làm nhiều nền tảng cho những người bình thường có thể dùng".

GS. TS. Hồ Tú Bảo

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chia sẻ quan điểm: Thất nghiệp do kinh tế nền tảng báo trước một kỷ nguyên phát triển khủng khiếp của loài người. Nếu như nguồn lao động còn khả năng học hỏi thì thay vì làm các công việc cũ, họ làm việc khác, xã hội sẽ có thêm những nguồn lực mới, như vậy tổng sản phẩm toàn xã hội sẽ tăng lên. Xã hội có nhiều sản phẩm hơn thì cũng giàu có, thịnh vượng hơn. "Ở Việt Nam, quá trình này cũng đang bắt đầu diễn ra. Ban đầu, ta sẽ có cảm giác có rất nhiều vị trí không cần con người nữa, dẫn đến thất nghiệp. Nhưng những người bị thay thế đó mà cho rằng mình thất nghiệp là thất bại, là không hiểu gì về quá trình chuyển đổi xã hội hiện nay. Đơn giản là việc mình học để định làm thì đã có máy móc làm hộ mình rồi, thì mình phải làm việc khác. Phải học, phải làm quen để sau đó tạo ra giá trị mới. Đây là lúc mà con người phải tư duy rất nhiều, tìm hiểu rất nhiều. Với tư duy như vậy, chúng ta sẽ chung sống được với xã hội hôm nay một cách thuận lợi và chủ động hơn" - Viện trưởng VEPR cho biết.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành nêu ra ví dụ minh chứng và khẳng định, tất cả các hệ thống sẽ hỗ trợ để có các giao dịch thực sự diễn ra về mặt kinh tế. Tiền có thể trao đổi được, hai người có thể trực tiếp trao đổi ngay lập tức, không cần có ai làm thân làm quen, giới thiệu. “Việc đó làm cho mối quan hệ giữa con người với nhau thay đổi hoàn toàn, thay vì có thể không bao giờ gặp được nhau, hoặc gặp nhau phải mất đến 20 năm, 10 năm, thì giờ chỉ là một tích tắc. Đây rõ ràng là một cuộc cách mạng lớn" – ông Thành nói.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành

Cho rằng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, Giám đốc Công ty CP Tư vấn Quản lý Việt (VMCG) Trịnh Minh Giang nhận định, chuyển đổi số phải bắt đầu từ những người tiếp cận trực tiếp với khách hàng. Vì thế, doanh nghiệp phải thành lập một nhóm phân tích nghiệp vụ để phân tích lại luồng kinh doanh, lấy được dữ liệu khách hàng được quản trị bằng công nghệ, sử dụng hệ thống công nghệ để tương tác với khách hàng. Cũng theo ông Giang, trước đây khi mua hệ thống công nghệ chúng ta phải tự vận hành theo hệ thống đấy, bây giờ chi phí để mua công nghệ đã giảm rất nhiều so với trước và luôn có sẵn thì chúng ta có thể tập hợp lại và thậm chí có thể tạo ra công nghệ cho riêng mình.

Ông Trịnh Minh Giang

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng Nhà nước có vai trò quan trọng và tạo dựng hệ thống khung pháp luật, tạo ra quyền thực thi nền tảng kinh tế số. Ngoài ra, trong công cuộc phát triển kinh tế theo nền tảng số, cơ sở dữ liệu số là cốt lõi quan trọng mà ở đó, Nhà nước phải là chủ thể trong việc tạo cơ sở để chia sẻ dữ liệu thông tin. “Phải có một cuộc cách mạng thực sự về tư duy chính sách, không thể mang tư duy cũ điều hành kinh tế kế hoạch chụp vào doanh nghiệp mới, mô hình kinh doanh mới, không quản được thì cấm. Như vậy thì không bao giờ có thể sáng tạo và phát triển được”, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh.

 
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image