Tìm kiếm
Thứ Năm, 25/04/2024 08:26

Xây dựng thể chế điều hành kinh tế nền tảng

11:13:00 08/01/2020

Nếu Việt Nam thực hiện chuyển đổi số rộng khắp trên các ngành và xuất khẩu, GDP có thể tăng thêm 3.750 nghìn tỷ đồng trong 20 năm tới và tăng trưởng thêm 1,3% mỗi năm. Đây là thông tin tại tọa đàm “Vai trò của Kinh tế nền tảng số đối với tương lai kinh tế Việt Nam” chiều 7.1. Các chuyên gia cũng nhận định: Sự lên ngôi của kinh tế nền tảng số ở nước ta đã và đang thúc đẩy cải cách thể chế thực chất để đáp ứng tốc độ phát triển của công nghệ.

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=432664&fbclid=IwAR1KtBr0Pdb3f2-fJtrSs6hEo8Fm1daxmHJEh5IwyzCRYE_4fdwH92h75oo

Kinh tế nền tảng số “lên ngôi” 

Theo đánh giá của lãnh đạo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), kinh tế nền tảng là nhánh cơ bản của kinh tế số. Việc thực hiện Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 ở cả 3 mức thấp, trung và cao có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tăng từ 28,5 - 62,1 tỷ USD, tương đương 7 - 16% GDP đến năm 2030. Kịch bản tốt nhất xảy ra nếu Việt Nam thực hiện chuyển đổi số rộng khắp trên các ngành và xuất khẩu, GDP có thể tăng thêm 3.750 nghìn tỷ đồng trong 20 năm tới và tăng trưởng thêm 1,3% mỗi năm. Trong đó nền kinh tế nền tảng đóng vai trò không nhỏ.


Đến quý II.2019, nước ta có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet
Nguồn: Internet

Mặc dù vậy, việc đánh giá tác động của kinh tế nền tảng số đến tăng trưởng không hề đơn giản, bởi lẽ tiềm ẩn nhiều thành phần kinh tế phi chính thức, kinh tế ngầm tại các nền tảng số. Đại diện VEPR cho biết thêm, hiện nay trên thị trường tài chính, tiền tệ có xu hướng chuyển sang hình thức kỹ thuật số thông qua các nền tảng. Các mô hình kinh doanh lớn trên thế giới như Paypal, MasterCard Labs, Visa… tạo ra cách thức mới trong việc thực hiện giao dịch thanh toán, đang ngày càng phổ biến tại nước ta. Các ngân hàng cũng không ngừng áp dụng và cải tiến các nền tảng số được tối ưu hóa riêng cho mình để tham gia cuộc đua số hóa.

Theo số liệu của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), tính đến hết quý II.2019, nước ta có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet; 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua mobile banking; 83,3 triệu tài khoản cá nhân; 226 triệu giao dịch qua internet; 202 triệu giao dịch tài chính qua điện thoại di động. Điều này cho thấy sự thâm nhập ngày càng sâu của các nền tảng số vào thị trường tài chính tiền tệ và dần thay đổi diện mạo, cách thức vận hành của thị trường.

Thêm nữa, sự xuất hiện của một loạt các nền tảng công nghệ tại Việt Nam như ứng dụng gọi xe Uber (2015), Grab (2016) hay Go-jek (2018) không chỉ thay đổi cách thức vận hành của thị trường, hành vi tiêu dùng mà còn đặt ra không ít vấn đề pháp lý. Việc có nên đối xử với Grab và các nền tảng gọi xe trực tuyến như taxi truyền thống hay không vẫn là một bài toàn khó trong suốt 8 năm qua. Một số các hoạt động kinh tế mới như cho vay ngang hàng (P2P) với các nền tảng như Timma, Vaymuon và Mofin hoặc gọi vốn cộng đồng chưa được quản lý trong một hành lang pháp lý phù hợp. Đại diện VEPR cho rằng, việc xây dựng thể chế điều hành kinh tế nền tảng là điều các quốc gia đang nỗ lực thực hiện và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Nói cách khác, sự lên ngôi của kinh tế nền tảng số ở nước ta những năm gần đây đã và đang thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế thực chất để đáp ứng tốc độ phát triển của công nghệ.

Cơ sở dữ liệu số là cốt lõi

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng Nhà nước có vai trò quan trọng và tạo dựng hệ thống khung pháp luật, tạo ra quyền thực thi nền tảng kinh tế số. Ngoài ra, trong công cuộc phát triển kinh tế theo nền tảng số, cơ sở dữ liệu số là cốt lõi quan trọng mà ở đó, Nhà nước phải là chủ thể trong việc tạo cơ sở để chia sẻ dữ liệu thông tin. “Phải có một cuộc cách mạng thực sự về tư duy chính sách, không thể mang tư duy cũ điều hành kinh tế kế hoạch chụp vào doanh nghiệp mới, mô hình kinh doanh mới, không quản được thì cấm. Như vậy thì không bao giờ có thể sáng tạo và phát triển được”, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh.

Cho rằng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, Giám đốc Công ty CP Tư vấn Quản lý Việt (VMCG) Trịnh Minh Giang nhận định, chuyển đổi số phải bắt đầu từ những người tiếp cận trực tiếp với khách hàng. Vì thế, doanh nghiệp phải thành lập một nhóm phân tích nghiệp vụ để phân tích lại luồng kinh doanh, lấy được dữ liệu khách hàng được quản trị bằng công nghệ, sử dụng hệ thống công nghệ để tương tác với khách hàng. Cũng theo ông Giang, trước đây khi mua hệ thống công nghệ chúng ta phải tự vận hành theo hệ thống đấy, bây giờ chi phí để mua công nghệ đã giảm rất nhiều so với trước và luôn có sẵn thì chúng ta có thể tập hợp lại và thậm chí có thể tạo ra công nghệ cho riêng mình.

Thảo Anh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image