
Tọa đàm Trực tuyến “Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?” Bệnh dịch do virus Corona tác động như thế nào tới kinh tế Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I và cả năm 2020? Giải pháp nào khi xuất khẩu nông sản bị đình trệ? Đây là chủ đề của cuộc toạ đàm trực tuyến “Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?” đang diễn ra do Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt tổ chức từ 9h00 - 11h30 sáng ngày 6/2. 
PGS. TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) tại toạ đàm PGS. TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng dịch bệnh lần này nghiêm trọng hơn dịch SARS năm 2003. So sánh có thể thấy, thời điểm hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn, quy mô so với nền kinh tế thế giới rất rõ ràng dẫn đến tỉ lệ tác động cũng sẽ lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, vai trò của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện rất quan trọng, tác động của bệnh dịch lần này sẽ làm các thị trường như nguyên liệu, sản xuất, lao động sẽ bị xáo trộn. Ông cho biết năm 2003 nền kinh tế Trung Quốc đang trong thế đi lên, năm nay lại đang đi xuống. Nếu nền kinh tế đang đi lên thì khi có dịch bệnh sẽ không bị ảnh hưởng mạnh, năm nay đang đi xuống dẫn tới nhiều tác động tiêu cực. Việc thứ 2 liên quan đến thương chiến Trung - Mỹ trong 2 năm qua khiến nền kinh tế Trung Quốc đi xuống rất nhiều. Ngoài ra, ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc trong sự kiện lần này từ mạng xã hội rất khác, năm 2003 không có mạng xã hội, đến 2004 Facebook mới xuất hiện. Ảnh hưởng của truyền thông, MXH theo 2 hướng, một mặt làm cho thông tin dịch bệnh bị thổi phồng. Tuy nhiên, một mặt vẫn cần những thông tin từ MXH để từ người lao động, doanh nghiệp nắm bắt được các quyết định. Hiện nay, các xí nghiệp ở Trung Quốc đang thiếu người nghiêm trọng, giống như tình trạng sau Tết phải tăng giá cho dịch vụ osin. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc, kể cả ở những vùng xa xôi, không liên quan đến dịch bệnh cũng tăng giá 150% lương cũng không có người đến làm. Với tình trạng chi phí lao động tăng vọt mà không tìm được người dẫn đến doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giao thương cũng đã dừng rồi. Có thể thấy, chính sách để hỗ trợ của bất cứ chính quyền nào cũng rất hạn chế. Hiện tại, chính quyền trung ương Trung quốc chỉ có một cách nhanh nhất là chính sách là mở rộng tiền tệ, bơm tín dụng, tăng cường tín dụng,… tất cả các động thái từ ngắn hạn đến dài hạn. Những chính sách dài hạn quá cũng có thể chưa cần dùng tới vì có thể chưa có tác dụng. 
TS. Đặng Kim Sơn trong buổi toạ đàm Tiếp nối ý kiến của PGS. TS. Nguyễn Đức Thành về dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I/2020 giữa lo ngại về sự bùng phát của bệnh dịch do virus Corona, TS. Đặng Kim Sơn nhận xét ngắn gọn: "Tôi nghĩ tăng trưởng GDP quý I sẽ không thể đạt được mức dự báo ban đầu". Nói về những tác động do dịch virus corona, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng vấn đề lo lắng nhất của nông sản của Việt Nam và người nông dân vẫn là vấn đề thị trường. Dịch cúm corona tác động tới nông nghiệp theo 2 hướng. Thứ nhất là cầu. Hiện tại thị trường gần nhất và lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc bị tác động trực diện từ corona. Điều này khiến cầu của thị trường sẽ trở về với những sản phẩm cơ bản như lương thực thực phẩm, và bỏ qua những sản phẩm khác như hoa quả... Như vậy, tác động về trái cây, rau đã nhãn tiền có thể thấy. Nhu cầu giảm thêm một lần nữa từ những ảnh hưởng do việc buôn bán cũng hạn chế như chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ ngưng trệ khiến cho cầu giảm. Trong khi đó, giao thương bị gián đoạn do dịch bệnh, “ngăn sông cấm chợ” khiến chi phí giao dịch cao, mặt hàng tươi sống của Việt Nam sẽ không bảo quản được. Thứ hai về kết cấu sản xuất tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn không thể thay đổi ngay được để đáp ứng nhu cầu từ thị trường này. Tôi cũng phải nhấn mạnh lại, khi tất cả các vấn đề liên quan đến giao thương bị gián đoạn, nông sản sẽ “nghẽn". Chưa tính đến dịch bệnh này, ngày đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã dự báo năm 2020 sẽ là năm khó khăn của ngành nông nghiệp. Ví dụ như dịch tả lợn Châu Phi khiến cho người chăn nuôi lao đao trong năm 2019 thì đến năm 2020 vẫn còn rất nhiều tác động khác như khó khăn kỹ thuật, tái đàn, vốn … Hay như năm nay nông nghiệp đương đầu với hạn hán sông Mekông, lâu lắm không diễn ra tình trạng này. Dịch virus corona nổi lên đã che mất những tác động này nhưng về cơ bản vẫn là những khó khăn chúng ta phải vượt qua. Như vậy, khó khăn chồng khó khăn và khó có thể nói chúng ta lạc quan về nông nghiệp trong năm nay nay được. 
Bà Nguyễn Thị Thành Thực trong buổi toạ đàm Trả lời câu hỏi việc đóng cửa biên giới trong một số ngày qua ảnh hưởng ra sao đến xuất khẩu nông sản Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Bagico cho hay: Hai thị trường chính của Trung Quốc hiện là thị trường truyền thống (chợ dân sinh và thị trường siêu thị, thương mại điện tử. Trong đó, thị trường truyền thống là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả vì dịch virus Corona. Đối với hàng hoa quả nói riêng và nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nói chung, truyền thống của Việt Nam là xuất tươi và xuất bằng đường bộ sang các chợ truyền thống, chợ buôn của Trung Quốc. Do đó, việc cửa khẩu Việt - Trung tạm ngừng trệ trong một số ngày qua do tâm dịch virus Corona chắc chắn ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu nông sản Việt. Phần lớn nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời điểm hiện tại là 3 loại trái cây dưa hấu, thanh long và mít. Các loại trái cây này khi xuất sang thị trường Trung Quốc chủ yếu tập trung tại chợ buôn Giang Nam, Quảng Châu hiện dự kiến đóng cửa đến hết ngày 9/2 trong nỗ lực kiểm dịch. Nhiều xe hàng nông sản Việt hiện bị ngừng trệ ở cửa khẩu, thậm chí phải quay đầu do các bãi cửa khẩu không đủ năng lực cung cấp điện để bảo quản hàng hóa. Ngay cả khi cửa khẩu mở cửa thông thương, nếu chợ Giang Nam không hoạt động trở lại, các xe hàng xuất sang cũng sẽ bị ngừng trệ bên kia biên giới. Do đó, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu, chính những người nông dân và thương lái cũng đang từng phút chờ thông tin liệu chợ Giang Nam có mở cửa vào ngày 10/2 sắp tới hay không. Tại một số quốc gia khác không có đường biên giới giáp ranh Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu bằng đường biển chiếm tỷ trọng lớn thì ảnh hưởng của dịch virus Corona sẽ không nặng nề như Việt Nam, nơi xuất khẩu bằng đường biển chiếm tỷ lệ rất thấp. Dù chi phí xuất khẩu bằng đường bộ rất cao nhưng tốc độ thông quan, thời gian từ khâu đóng gói bảo quản hàng hóa đến xuất hàng được rút gọn, khác với xuất khẩu bằng đường biển tốn nhiều thời gian và công đoạn chuẩn bị hơn, gây thiệt hại hơn cho hàng nông sản. |