Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Tư, 24/04/2024 08:00

Tọa đàm Chính sách “Hướng tới xây dựng một khuôn khổ pháp lý thích nghi với Kinh tế Nền tảng Số”

15:40:00 18/03/2020

Vào chiều ngày 18/03/2020 tại UP@VP Bank, UPGen Vietnam phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Tọa đàm Chính sách “Hướng tới xây dựng một khuôn khổ pháp lý thích nghi với Kinh tế Nền tảng Số”.

Tài liệu hội thảo được cập nhật tại đây

Ảnh hội thảo được cập nhật liên tục tại đây

Các nền tảng kinh tế đã đặt nền móng cho những thành công đột phá của nhiều tên tuổi lớn như Google, Amazon, Uber, Airbnb hay eBay. Và hơn thế nữa, một loạt các hoạt động kinh tế - xã hội, từ giáo dục, chăm sóc y tế đến quản lý nhà nước cũng từng bước biến đổi. Mặc dù tiếp cận với các nền tảng kinh tế từ rất sớm, nhưng ngay cả những nhà hoạch định chính sách từ châu Âu, Mỹ cũng gặp không ít những thử thách: họ đối mặt với những hình thái công việc mới, những mô hình kinh doanh mới, hoàn toàn khác biệt với truyền thống. Những biến động như vậy đã đang và sẽ còn diễn ra trên nhiều quốc gia, nếu các nền tảng kinh tế càng thâm nhập sâu vào đời sống, kinh tế trong khi các Chính phủ vẫn đang loay hoay với việc áp dụng hệ thống luật pháp cũ trên những hình thái kinh tế mới.

Việt Nam cũng không phải một ngoại lệ. Câu chuyện về cách thức đối xử với Taxi công nghệ bắt đầu từ năm 2014 cho đến khi Nghị định 10/2020 được ban hành và chính thức có hiệu lực từ 01/04/2020. Nhưng liệu đó đã phải là hướng đi đúng đắn của Nhà nước để đón nhận những sự thay đổi tất yếu của kinh tế hay chưa, và bài học nào cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý để thích nghi với kinh tế nền tảng số trong mọi lĩnh vực. Với mục đích góp phần làm sáng tỏ vấn đề, Tọa đàm Chính sách “Hướng tới xây dựng một khuôn khổ pháp lý thích nghi với Kinh tế Nền tảng Số” do UP Gen phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức là buổi Toạ đàm Số 5 trong chuỗi Toạ đàm gồm 8 buổi về Kinh tế Nền tảng Số (Digital Platform Economy).

Mở đầu toạ đàm, bà Lương Thị Hồng Hạnh, đại diện UPGen Vietnam đã có bài phát biểu chào đón các khách mời tham dự tọa đàm. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế nền tảng, ghi nhận và cảm ơn sự quan tâm của mọi người tới chuỗi tọa đàm.

Bà Lương Thị Hồng Hạnh phát biểu khai mạc tọa đàm

Tiếp theo, TS. Nguyễn Đức Thành - Nguyên Viện trưởng VEPR lí giải về chủ đề của tọa đàm. Ông cho biết ở Việt Nam, nhận thức chung về nền kinh tế nền tảng vẫn chưa rõ ràng; tuy nhiên, vì nó đã tồn tại trong nền kinh tế, nên chính quyền của Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề.

TS. Nguyễn Đức Thành - Nguyên Viện trưởng VEPR

Tiếp theo, ThS. Bùi Hà Linh - Nghiên cứu viên nhóm Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách điều hành phiên thảo luận của tọa đàm. Theo ThS. Linh, khi dịch corona xuất hiện, nền tảng số phát triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ hơn. Các nền tảng kinh tế số ngày càng khẳng định vai trò và sự ảnh hưởng của nó tới cuộc sống của người dân. 

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Việt Nam không thể rời bỏ khỏi xu thế này và chúng ta có lợi thế và có thể đi cùng với thế giới.

Minh chứng cho điều này, ông Thành cho biết, mạng 5G của Việt Nam đã có, là một trong những nước hàng đầu về công nghệ viễn thông, dù vẫn còn một số tồn tại. Chúng ta còn có lợi thế là dân số trẻ, nền kinh tế nhỏ, năng động..."Muốn phát triển được AI, yếu tố cốt lõi nhất là hệ thống dữ liệu (data hay big data). Ai nắm bắt được dữ liệu, người đó là thắng lợi. Nước nào có được dữ liệu của thế giới, của xu hướng thời cuộc, kẻ đó là người chiến thắng", ông Thành nói. Theo ông Thành, virus corona có tác động tới thế giới và Việt Nam. Chính vì vậy, kinh tế số hiện nay là xu thế, có dịch Covid-19 hay không có dịch thì chúng ta phải đi vào kinh tế số. Có dịch sẽ đẩy chúng ta nhìn thấy thực tế, thôi thúc đi nhanh hơn trước khi thế giới đi trước, nắm được lợi thế. "Tôi thấy người trẻ Việt trong dịch bệnh Covid-19 rất thức thời, họ tổ chức học nhóm bằng skypee, zalo, zoom, face fanpage. Rồi họ tổ chức bán hàng qua trang điện tử, face, chuyển hàng bằng ship. Chính con cháu tôi đã làm; không phải chúng không có tiền mà chúng làm để học hỏi, để không lạc lõng", TS. Võ Trí Thành nói. TS Thành cho rằng, dịch Covid-19 không chỉ khiến cho xu thế kinh tế số trên thế giới được thúc đẩy nhanh hơn mà còn chỉ ra đó là xu thế tất yếu, là cách thức vượt qua khó khăn đi trước khi nghĩ đến làm điều gì phi thường khác.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Ông Vũ Tú Thành cho biết, đối với các nền tảng, cải cách mô hình quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng. Mô hình truyền thống về tổ chức quản lý nhà nước đối với nền kinh tế được tổ chức theo hệ thống dọc. Nhưng sang thế kỷ 21, mô hình theo chiều dọc chứng tỏ những bất cập. VD: ngành y tế. Từ đó mà ngành này cần thêm những tri thức của ngành công nghệ thông tin, tài chính và các ngành khác. Hay trong ngành vận tải cũng vậy. Trong kinh tế nền tảng, sự vận hành của nền kinh tế phát triển theo chiều ngang. Câu chuyện tổ chức lại bộ máy nhà nước mang thêm 1 tầng nghĩa mới quan trọng. Tại ĐH 12, câu chuyên tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh lãng phí, chưa đặt vấn đề thích ứng với nền kinh tế trong tương lai. Cụ thể: mỗi bộ, hay một cơ quan đang có những bộ phận giống nhau: bộ phận pháp chế, công nghệ thông tin, đối ngoại, tài chính ngân sách... Các bộ phận đó bảo vệ lợi ích của ngành mình, đôi khi xung đột với các ngành khác bộ khác. Với mô hình mới: có thể quy toàn bộ công tác pháp chế ở Bộ Tư pháp, có chân rết ở các ngành. Đó là tổ chức vận hành theo chiều ngang. Tương tự với đối ngoại, công nghệ thông tin, thương mại điện tử.

 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Covid-19 có tác động tiêu cực nhưng cũng có mặt giúp Việt Nam nhìn ra vấn đề của mình, đó là ứng dụng công nghệ vào phát triển như thanh toán mua hàng, dạy học. "Ngay cả chỉ thị 11 của Chính phủ cũng yêu cầu bộ máy tăng cường hoạt động điện tử hóa vào các hoạt động của mình. Ngay cả Chính phủ với bộ máy nhiều bộ ngành, khá cồng kềnh mà còn chủ động thì chúng ta cũng nên mừng", ông Tuấn nói. Theo đại diện của VCCI: "Phát triển kinh tế số nên là tự thân chứ không nên chỉ ứng dụng vào thời điểm. Cần hướng đến nó là nền tảng, chủ động thay vì bị động. Việt Nam có cơ hội là dân số trẻ, doanh nghiệp nhỏ, dễ chuyển mình, dễ thay đổi".

 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)​

Qua buổi tọa đàm, có thể kết luận rằng nền kinh tế nền tảng là mới trên thế giới, nhưng nhân loại chắc chắn sẽ đi theo hướng này. Tuy nhiên, với các nền tảng như vậy, phát triển nêu ra một loạt các vấn đề chính sách nhất là các vấn đề liên quan tới khuôn khổ pháp lý. Những ý tưởng trong toạ đàm sẽ là nét phác thảo để tiến đến mở rộng vấn đề trong tương lai. 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image