Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Ba, 24/12/2024 08:36

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 38

14:50:00 08/05/2020

Sáng ngày 8/5/2020, tại phòng họp của Bộ phận Nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 38 với chủ đề "“Tác động quần tụ trong công nghiệp: Bằng chứng thực nghiệm tại Việt Nam”. Seminar có sự tham gia của TS. Nguyễn Đức Thành – Cố vấn trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cùng các nghiên cứu viên của Viện.

Tải tài liệu Seminar tại ĐÂY.

Seminar này được VEPR tổ chức định kì, với kỳ vọng sẽ là một diễn đàn học thuật để các nhà nghiên cứu trẻ trình bày các kết quả khoa học của mình. Chúng tôi khuyến khích các phương pháp tiếp cận theo hướng định lượng và mô hình hóa lý thuyết theo tiêu chuẩn của các tạp chí quốc tế. Môi trường trao đổi học thuật cởi mở giữa các chuyên gia nhiều kinh nghiệm với các nhà nghiên cứu trẻ được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng các nghiên cứu và đào tạo lực lượng nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam.

Diễn giả của seminar lần này là ThS. Phạm Văn Long, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).


ThS. Phạm Văn Long trình bày bài nghiên cứu

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035, trong đó nhấn mạnh các nhóm giải pháp và ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp thông qua các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt là việc kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi FDI. Việc xuất hiện ngày càng nhiều các KCN trên khắp cả nước được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động một cách tập trung, tận dụng lợi thế của việc quần tụ hay còn gọi là “hiệu quả quần tụ”. Đó là các lợi ích có được nhờ vào việc tiết giảm chi phí, chuyển giao công nghệ hay lan toả tri thức khi các doanh nghiệp co cụm/quần tụ lại gần nhau. Không giống như tác động của lợi thế kinh tế theo quy mô hay tính kinh thế theo phạm vi, lợi thế quần tụ xem xét tác động về mặt không gian và phân bổ doanh nghiệp tới hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các ưu đãi dường như chưa mang lại hiệu quả như mong muốn và đã đến lúc phải đánh giá lại hiệu quả. Bằng việc sử dụng phương pháp hồi quy biến công cụ, nghiên cứu này tiến hành ước lượng tác động của việc quần tụ tới năng suất doanh nghiệp (TFP) và năng suất lao động (NSLĐ) tại các doanh nghiệp chế biến chế tạo đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp có xu hướng quần tụ xung quanh các KCN. Càng gần các KCN, mật độ doanh nghiệp càng tăng lên. Đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo. 

Kết quả ước lượng cho thấy các chỉ số quần tụ có tác động tích cực tới TFP và NSLĐ trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung. Tuy nhiên tác động quần tụ chỉ xảy ra tại một số ngành (mã ngành cấp 2) nhất định. Các DNTN trong nước được hưởng lợi từ việc quần tụ, trong khi không có dấu hiệu cho thấy các chỉ số quần tụ có tác động tới doanh nghiệp FDI. Từ các kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra các nhóm giải pháp và khuyến nghị chính sách cụ thể liên quan đến các vấn đề như tăng cường các chính sách thúc đẩy liên kết trong hoạt động của các doanh nghiệp, phát triển công nghiệp theo định hướng cụm ngành chuyên biệt cũng như các chính sách về phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.


Buổi Seminar số 38

Tại buổi trao đổi, TS. Nguyễn Đức Thành đánh giá cao kết quả của bài nghiên cứu. Tuy nhiên, TS. Thành cho rằng cần đảm bảo kiểm soát được tất cả các biến số độc lập có khả năng tác động tới TFP trong phương trình hồi quy, ví dụ như các đặc tính của địa phương, thể chế, môi trường kinh doanh hay chất lượng cơ sở hạ tầng tại các địa phương.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image