Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Bảy, 23/11/2024 05:27

Thông báo tuyển dụng Nhóm Nghiên cứu thực hiện dự án: “Dòng vốn FDI vào các nước ASEAN: đặc điểm chính và các yếu tố quyết định”

21:01:00 12/07/2020

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đang có nhu cầu tuyển dụng Nhóm Nghiên cứu thực hiện dự án: “Dòng vốn FDI vào các nước ASEAN: đặc điểm chính và các yếu tố quyết định”

I. Bối cảnh nghiên cứu

ASEAN vẫn đang duy trì là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ các nước công nghiệp. Trong giai đoạn 2010-2018, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào khu vực ASEAN tăng trung bình 5,2% mỗi năm, và chiếm 11,5% giá trị FDI toàn cầu năm 2018 (ASEAN Secretariat và UNCTAD, 2019). Tuy nhiên, mặc dù tăng trưởng ổn định và thu hút một lượng lớn vốn FDI trong nhiều thập kỷ qua nhưng các quốc gia thành viên ASEAN vẫn ghi nhận mức thu thuế thấp. Nguyên nhân là do các nước ASEAN phụ thuộc phần lớn vào nguồn thu đến từ thuế trong khi các khoản thu này đang mất dần thông qua việc cung cấp các ưu đãi lớn cho các nhà đầu tư.

Ưu đãi thuế dần trở thành một tiêu chuẩn chính sách ở ASEAN khi mà các nước thành viên cung cấp một loạt ưu đãi cho các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) với mục đích thu hút đầu tư (UNCTAD, 2000). Đáng lo ngại hơn, các quốc gia ASEAN với những đặc điểm tương đồng về kinh tế thường có xu hướng canh tranh với nhau thay vì phối hợp hành động hướng tới lợi ích tâp thể. Việc lạm dụng ưu đãi thuế như vậy có thể khiến các nước ASEAN rơi vào một “cuộc đua xuống đáy”, xảy ra khi các quốc gia láng giềng cố gắng vượt qua nhau trong cuộc đua thu hút nhà đầu tư từ các nước công nghiệp. Trong mười năm qua, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trung bình của khu vực ASEAN đã giảm từ mức 25,1% vào năm 2010 xuống còn 21,7% vào năm 2020.

Bên cạnh ưu đãi thuế, các quốc gia ASEAN cũng sử dụng đồng thời các ưu đãi ngoài thuế khác nhằm khuyến khích đầu tư, đặc biệt trong đó phải kể đến các ưu đãi liên quan đến khả năng tiếp cận đất đai (miễn giảm tiền thuế đất, kéo dài thời hạn hợp đồng thuê đất, cam kết giải phóng mặt bằng, …). Tuy nhiên, việc sử dụng các chính sách ưu đãi đất đai cần phải đảm bảo tính đồng bộ với luật đầu tư và các chính sách khác của quốc gia; đồng thời cung cấp một cách có chọn lọc và xác định rõ đối tượng thụ hưởng để các ưu đãi là thực sự có hiệu quả đối với các dự án đầu tư.

Các ưu đãi thuế và phi thuế đều được các nước ASEAN sử dụng rộng rãi nhằm thu hút FDI. Tuy nhiên, hiệu quả thực chất của các chính sách ưu đãi này trong việc thúc đẩy đầu tư vẫn còn gây tranh cãi. Nghiên cứu của James (2014) chỉ ra rằng không có bằng chứng nào cho thấy ưu đãi thuế có tác động tích cực đến việc thu hút FDI tại ASEAN, thậm chí thực tế còn ngược lại. Phần lớn các ưu đãi này được các nước ASEAN đưa ra không nhằm thu hút đầu tư dài hạn, mà thay vào đó được sử dụng để khỏa lấp cho những yếu kém trong năng lực quản trị và cơ sở hạ tầng, đáp ứng mong muốn ngắn hạn của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế và phi thuế thậm chí đã tạo ra môi trường đầu tư không công bằng cho các doanh nghiệp nội địa cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

II. Mục tiêu của nghiên cứu: “Dòng vốn FDI vào các nước ASEAN: đặc điểm chính và các yếu tố quyết định”

Nghiên cứu này sẽ là một trong những nghiên cứu quan trọng nhằm đánh giá đặc điểm chính và các yếu tố quyết định đến dòng vốn đầu tư FDI vào các quốc gia ASEAN. Nghiên cứu sẽ hướng tới các mục tiêu như sau: (1) Rà soát dòng vốn FDI chảy vào các nước ASEAN với dữ liệu cụ thể theo chuỗi thời gian nhằm mục đích xem xét liệu các ưu đãi thuế có thực sự hiệu quả trong việc thu hút FDI vào vác nước ASEAN; (2) So sánh môi trường kinh doanh và điều kiện kinh tế - xã hội ở các nước ASEAN thông qua các chỉ số tổng hợp mang tính quốc tế và khu vực; (3) Rà soát các ưu đãi ngoài thuế hiện hành tại các quốc gia thành viên ASEAN như ưu đãi đất đai và xem xét mối tương quan giữa dòng vốn FDI với các ưu đãi phi thuế đó.

 

III. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp rà soát nhằm tổng hợp và phân tích tác động của các ưu đãi thuế và ưu đãi ngoài thuế đến việc thu hút FDI vào các nước ASEAN, đồng thời sử dụng phương pháp so sánh nhằm đánh giá môi trường kinh doanh và điều kiện kinh tế - xã hội thông qua các chỉ số tổng hợp mang tính quốc tế và khu vực.

Để thực hiện Nghiên cứu này, VEPR cần tuyển dụng 02 Nhóm chuyên gia nghiên cứu

Nhóm 01 bao gồm: 01 Trưởng nhóm Nghiên cứu, 01 Nghiên cứu viên cao cấp, 01 Nghiên cứu viên hỗ trợ phụ trách các công việc (i) Rà soát dòng vốn FDI chảy vào các nước ASEAN qua thời gian và xem xét liệu các ưu đãi thuế có thực sự hiệu quả trong việc thu hút FDI vào các nước ASEAN; (ii) So sánh môi trường kinh doanh và điều kiện kinh tế - xã hội ở các nước ASEAN và  (iii) Rà soát các ưu đãi ngoài thuế hiện hành tại 05 nước ASEAN (bao gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan) và xem xét mối tương quan giữa dòng vốn FDI với các ưu đãi phi thuế.

Nhóm 02 bao gồm: 02 Nghiên cưu viên cao cấp phụ trách công việc Rà soát các ưu đãi ngoài thuế hiện hành tại 05 nước ASEAN (bao gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei và Philippines) và xem xét mối tương quan giữa dòng vốn FDI với các ưu đãi phi thuế.

IV. Mô tả nhiệm vụ của các vị trí nghiên cứu

4.1. Đối với Trưởng Nhóm Nghiên cứu

Trưởng Nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ thực hiên các nhiệm vụ sau:

- Xây dựng kế kế hoạch chuyên môn của Dự án

- Chi tiết hóa phương pháp Nghiên cứu

- Giám sát kết quả báo cáo version 1 và 2

- Tham gia và chỉ đạo chuyên môn tại các cuộc họp của Nhóm Nghiên cứu

- Tham gia các cuộc họp với nhà tài trợ

- Chủ trì các cuộc họp tham vấn với chuyên gia, hội thảo công bố và hội thảo tham vấn cùng các đại biểu quốc hội về nội dung nghiên cứu

- Chia sẻ kết quả nghiên cứu với các đối tác phát triển và hỗ trợ cố vấn cho các thắc mắc về kỹ thuật của các cán bộ phát triển trong quá trình thực hiện vận động chính sách hướng tới hệ thống thuế công bằng và hiệu quả

4.2. Đối với Nghiên cứu viên Cao cấp

Nhiệm vụ chính của Nghiên cứu viên cao cấp bao gồm:

- Xây dựng kế hoạch nghiên cứu chi tiết

- Chủ trì xây dựng công cụ nghiên cứu

- Hoàn thiện kết quả báo cáo version 1 và 2

- Hoàn thiện báo cáo (Tiếng Anh)

- Tham gia và chỉ đạo chuyên môn tại các cuộc họp của Nhóm Nghiên cứu

- Tham gia các cuộc họp với nhà tài trợ

- Trình bày tại hội thảo công bố về nội dung nghiên cứu.

- Chia sẻ kết quả nghiên cứu với các đối tác phát triển và hỗ trợ cố vấn cho các thắc mắc về kỹ thuật của các cán bộ phát triển trong quá trình thực hiện vận động chính sách hướng tới hệ thống thuế công bằng và hiệu quả.

4.3. Đối với Nghiên cứu viên

Nhiệm vụ chính của Nghiên cứu viên bao gồm:

- Cùng với Nghiên cứu viên cao cấp thực hiện tổng quan tài liệu

- Thu thập dữ liệu

- Xử lý và chế biến dữ liệu

- Viết báo cáo nghiên cứu version 1 và 2

- Viết tóm tắt nghiên cứu

- Viết khuyến nghị chính sách

- Tham gia các cuộc họp của Nhóm Nghiên cứu

- Chia sẻ kết quả nghiên cứu với các đối tác phát triển và hỗ trợ cố vấn cho các thắc mắc về kỹ thuật của các cán bộ phát triển trong quá trình thực hiện vận động chính sách hướng tới hệ thống thuế công bằng và hiệu quả

- Xử lý các yêu cầu/công việc liên quan khác

5. Yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm của Nhóm Nghiên cứu

5.1. Đối với Trưởng Nhóm Nghiên cứu

- Trình độ Tiến sỹ kinh tế

- Ít nhất 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu về FDI, ASEAN, tài chính, thuế, kinh tế vĩ mô

- Có kinh nghiệm làm trưởng Nhóm Nghiên cứu

- Trình độ tiếng Anh thành thạo, kỹ năng viết tiếng Anh học thuật tốt

5.2. Đối với Nghiên cứu viên cao cấp

- Trình độ Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ về tài chính công, chính sách thuế hoặc kinh tế

- Ít nhất 5-10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứ về tài chính, thuế, kinh tế vĩ mô

- Trình độ tiếng Anh thành thạo, kỹ năng viết tiếng Anh học thuật tốt

5.4 Đối với Nghiên cứu viên

- Trình độ Thạc sỹ hoặc Cử nhân về tài chính công, chính sách thuế hoặc kinh tế

- Ít nhất 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu về tài chính, thuế, kinh tế vĩ mô

- Trình độ tiếng Anh thành thạo, kỹ năng viết tiếng Anh học thuật tốt

6. Hướng dẫn nộp hồ sơ

Các Nhóm chuyên gia có quan tâm xin nộp hồ sơ gồm CV các chuyên gia, phương án kỹ thuật để thực hiện Dự án và đề xuất chi phí chuyên gia về địa chỉ email: info@vepr.org.vn trước 17h00 ngày 25 tháng 7 năm 2020.

 

Các chuyên gia được khuyến khích nộp hồ sơ theo nhóm, không nộp hồ sơ cá nhân riêng lẻ.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image