Tìm kiếm
Thứ Tư, 24/04/2024 09:05

Cải thiện môi trường kinh doanh: ‘Chìa khóa’ thu hút đầu tư nước ngoài bền vững trong ASEAN

14:05:00 13/11/2020

(TBTCO) - Đã đến lúc các nước thành viên ASEAN cần cùng hợp tác và đồng thuận trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như đặt ra những tiêu chuẩn tối thiểu chung đối với ưu đãi thuế và ưu đãi phi thuế trong khu vực, để hướng tới mục tiêu chung xây dựng một ASEAN bền vững và tự cường.

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-11-11/chia-khoa-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-ben-vung-trong-asean-95059.aspx

Đây là nội dung được trao đổi, thảo luận tại hội thảo “Hướng tới một ASEAN phát triển bền vững: Cải thiện môi trường đầu tư và ngưng cạnh tranh thuế”, do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Tổ chức Oxfam Việt Nam phối hợp tổ chức, chiều ngày 11/11.

“Cuộc đua xuống đáy” về ưu đãi thuế và phi thuế tại ASEAN

Ông Phạm Văn Long – nghiên cứu viên của VEPR cho biết, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các nước thành viên ASEAN đã cạnh tranh với nhau trong một “cuộc đua xuống đáy” bằng cách hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế rất lớn đối với các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.

Cụ thể, trong 10 năm qua, thuế suất thuế TNDN trung bình của ASEAN đã giảm từ mức 25,1% vào năm 2010 xuống còn 21,7% vào năm 2020. Hơn nữa, chi phí của các ưu đãi tài khóa không cần thiết có khả năng vượt quá lợi ích mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) mang lại.

“Việc cắt giảm thuế TNDN quá mức gây ra mối đe dọa đối với thu ngân sách quốc gia. Thất thu ngân sách do ưu đãi thuế TNDN ước tính bằng 6% GDP ở Campuchia và 1% GDP ở Philippines. Philippines đã mất đi một khoản thu nhập được ước tính là 1,12 nghìn tỷ PHP (tương đương 22,17 tỷ USD), do các ưu đãi thuế và miễn thuế cho một nhóm 3.150 công ty từ năm 2015 đến năm 2017” – ông Long nói.

Đặc biệt, theo ông Long, các ưu đãi về thuế có thể tạo ra các hiệu ứng tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới hiệu quả kinh tế. Việc thực thi các ưu đãi thuế sẽ khiến các công ty tìm cách tối thiểu hóa số thuế phải nộp, hơn là mở rộng sản xuất. Môi trường đầu tư không công bằng cũng có thể là hệ quả của các chính sách ưu đãi về thuế mà chỉ các NĐT nước ngoài mới được hưởng lợi.

Những nước cung cấp lượng lớn ưu đãi thuế đang có những dấu hiệu đáng cảnh báo về việc tránh thuế thông qua chuyển dịch lợi nhuận. Ước tính rằng, việc dịch chuyển lợi nhuận làm mất đi ít nhất 6 - 9 điểm phần trăm doanh thu từ thuế TNDN tiềm năng ở các nước như Thái Lan, Indonesia và Malaysia…

Ưu đãi thuế

Các chuyên gia trao đổi, thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Thiện Trần

Bên cạnh các ưu đãi về thuế, việc sử dụng các ưu đãi phi thuế cũng phổ biến ở các nước ASEAN và góp phần làm trầm trọng thêm “cuộc đua xuống đáy”. Cạnh tranh trong việc cung cấp các ưu đãi phi thuế được thể hiện rõ nét ở các ưu đãi về đất đai.

“Các doanh nghiệp FDI ở tất cả các nước ASEAN đều được thuê đất dài hạn. Malaysia, Thái Lan và Indonesia đưa ra thời gian cho thuê đất dài hạn, kéo gài gần 100 năm. Thêm vào đó, một số quốc gia trong khu vực thực hiện giảm và miễn tiền thuê đất. Đơn cử, tại Lào, miễn tiền thuê đất có thể lên tới 15 năm từ thời điểm bắt đầu dự án, áp dụng cho các dự án ở vùng ưu tiên hoặc vùng gặp nhiều khó khăn. Cạnh tranh về ưu đãi đất đai giữa các nước ASEAN đang làm gia tăng sự bất bình đẳng về mặt kinh tế - xã hội và cơ chế không minh bạch trong việc cấp ưu đãi đất đai ở nhiều quốc gia trong khu vực đang mở ra cơ hội cho tham nhũng và trục lợi” – ông Long cho biết.

Môi trường kinh doanh mới là yếu tố quyết định

Ông Nguyễn Đức Thành – Cố vấn trưởng VEPR cho biết, khu vực ASEAN đang đối mặt với những thách thức lớn trong đại dịch Covid-19. Bên cạnh những khủng hoảng về kinh tế và y tế, dòng vốn FDI đổ vào các quốc gia đang phát triển của châu Á được dự đoán sẽ giảm khoảng 30 - 40% do hậu quả của suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫn đến nguồn thu ngân sách từ thuế TNDN đang gặp khó khăn lớn.

Do đó, những ưu đãi về thuế và phi thuế không cần thiết trên sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn thu nội địa của các quốc gia và từ đó sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu cho các dịch vụ công thiết yếu nhằm chống đói nghèo và giảm bất bình đẳng sau đại dịch.

“Không có bằng chứng nào cho thấy ưu đãi thuế và phi thuế, đặc biệt là ưu đãi đất đai, được các NĐT nước ngoài coi là yếu tố then chốt trong quá trình họ đưa ra quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư. Minh chứng là một nghiên cứu của VEPR và Oxfam đã chỉ ra, ưu đãi về đất đai chỉ đứng thứ 17 và ưu đãi tài chính đứng thứ 10 trong số 20 ưu đãi có trong bảng xếp hạng mức độ hấp dẫn đối với các NĐT nước ngoài. Ngược lại, các chỉ số về môi trường kinh doanh mới là các nhân tố quyết định trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư của các doanh nghiệp FDI, cụ thể là ổn định kinh tế, ổn định chính trị, thị trường nội địa, khung pháp lý minh bạch, chất lượng lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng tốt…” – ông Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ông Mustafa Talpur – Quản lý cấp khu vực Chiến dịch thu hẹp khoảng cách (Tổ chức Oxfam tại châu Á) cũng cho rằng, các nước ASEAN cần phải cùng nhau nhất trí về việc ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về ưu đãi thuế và cải thiện môi trường kinh doanh của các nước thành viên, để thu hút dòng vốn FDI có tính dài hạn và bền vững, đồng thời đủ nguồn lực tài chính để đối phó với đại dịch.

Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của VERP và Oxfam đã đưa ra những khuyến nghị cho các quốc gia ASEAN, nhằm có các hành động thống nhất để hướng tới phát triển khu vực ASEAN bền vững. Cụ thể là, các nước thành viên ASEAN cần ngăn chặn cuộc cạnh tranh trong việc đưa ra các ưu đãi đất đai, xây dựng các quy tắc để quản trị tốt các ưu đãi đầu tư và thống nhất danh sách các yếu tố môi trường kinh doanh quyết định trong việc thu hút FDI…

Đặc biệt, cần lập “danh sách trắng” và “danh sách đen” về ưu đãi thuế ASEAN, trong đó chỉ rõ các thực hành thuế có hại và đưa ra lộ trình loại bỏ những ưu đãi này trong khu vực với thời hạn nhất định. Đồng thời, các nước cần thống nhất một mức thuế suất tối thiểu cho toàn khu vực…./.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image