Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Bảy, 23/11/2024 07:34

Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2020: CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA HỖ TRỢ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ GẴN KẾT XÃ HỘI

18:21:00 24/11/2020

Sáng ngày 25/11 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), với tư cách tổ chức điều phối Liên minh Công bằng Thuế (VATJ), đã tổ chức Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2020 với chủ đề “Chính sách Tài khóa Hỗ trợ Tăng trưởng Kinh tế và Gắn kết Xã hội” 

Tải tài liệu Diễn đàn tại ĐÂY

Ảnh diễn đàn được cập nhật liên tục tại ĐÂY

Toàn cảnh Diễn đàn

Mở đầu Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển Việt Nam 2020, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã có bài phát biểu khai mạc. Đại diện cơ quan điều phối, ông Nguyễn Quốc Việt cho biết Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam là sự kiện được tổ chức hàng năm do Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) chủ trì.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nổ ra bất ngờ và diễn biến phức tạp, tàn phá nền kinh tế thế giới và tác động mạnh mẽ đến đời sống và hoạt động kinh tế của Việt Nam, Chính phủ đang chịu nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực về vấn đề thu, chi ngân sách trong khi vẫn phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn nợ công. Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2020 với chủ đề “Chính sách Tài khóa Hỗ trợ Tăng trưởng Kinh tế và Gắn kết Xã hội” sẽ tập trung thảo luận những vấn đề và lựa chọn chính sách trong lĩnh vực tài khóa nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay.

TS. Nguyễn Quốc Việt phát biểu khai mạc hội thảo

Sau phần phát biểu khai mạc của đại diện Liên minh Nông nghiệp, bà Nguyễn Thu Hương, đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam cũng có bài phát biểu chào mừng. Bà Hương mong muốn và tin tưởng rằng Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển Việt Nam 2020 với chủ đề “Chính sách Tài khoá Hỗ trợ Tăng trưởng Kinh tế và Gắn kết Xã hội” sẽ là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp và giới truyền thông cùng thảo luận về các vấn đề chính sách liên quan đến hoạt động tài khoá.

 

Bà Nguyễn Thu Hương, đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam

Sau phần phát biểu khai mạc, diễn đàn đi vào phiên chính do PGS.TS. Phạm Thế Anh chủ trì. Bài nghiên cứu đầu tiên được trình bày là “Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2020” do ThS. Phạm Văn Long, nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) trình bày. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thuế chiếm tỉ trọng lớn nhất trong thu ngân sách nhà nước với trung bình là 78% trong giai đoạn 2006-2019. Tốc độ tăng trưởng của thu ngân sách nhà nước cũng đang có xu hướng chậm lại trong ba năm trở lại đây. Tổng thu ngân sách trên GDP đã giảm trong một thập kỉ trở lại đây. Năm 2016, con số này là 25,7%. Tuy nhiên, chi phí thu ngân sách vẫn còn tương đối cao so với khu vực.

ThS. Phạm Văn Long, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS)

Tiếp theo chương trình, chuyên gia kinh tế độc lập Lê Hoài Nam trình bày bài nghiên cứu về “Thực trạng thu, chi ngân sách trong điều kiện dịch COVID-19 và một số khuyến nghị về chính sách tài khoá”. Theo ông Nam, đại dịch COVID-19 có tác động đa chiều tới chi ngân sách nhà nước. Dịch bệnh đã góp phần làm giảm chi tiêu ngân sách nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại, chi đoàn ra, chi phí hội, họp… nhưng cũng cũng làm tăng lên các chi phí phòng, chống dịch bệnh và triển khai các gói hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho người dân khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định kinh tế - xã hội, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch trên diện rộng.

Ông Lê Hoài Nam

ThS. Lưu Huyền Trang, giảng viên Học viện Tài chính trình bày bài nghiên cứu về “Ảnh hưởng của vay nợ Chính phủ đối với tăng trưởng kinh tế tư nhân tại Việt Nam”, cho rằng: thu chi ngân sách nhà nước tại Việt Nam chưa cân đối, dẫn đến thâm hụt ngân sách kéo dài, do đó phải vay nợ để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước. Quy mô nợ công đã tăng lên liên tục qua các năm: nợ công năm 2019 bằng 8.6 lần quy mô nợ công năm 2006. Về cơ cấu nợ công: Nợ nước ngoài chiếm tỉ trọng ngày càng thấp, trong khi nợ trong nước chiếm tỉ trọng ngày càng cao.

ThS. Lưu Huyền Trang

Bài trình bày cuối cùng là của TS. Nguyễn Thị Kim Dung, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân với chủ đề "Những bất cập trong chính sách miễn giảm thuế Giá trị gia tăng tại các nước ASEAN".

TS. Nguyễn Thị Kim Dung

Sau phần giải lao, diễn đàn bước vào phiên thảo luận bàn tròn vô cùng sôi nồi cùng các chuyên gia (từ trái sang): TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), thành viên Liên minh Công bằng thuế Việt Nam; PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Chuyên gia Phân tích Chính sách Tài chính; TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia về Tài chính và Ngân sách; TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Chuyên gia Tài chính; PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS).

Chuyên gia thảo luận bàn tròn

Theo PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, việc tăng đầu tư công sẽ có tác dụng chậm hơn so với tăng chi thường xuyên. Ngoài ra, trước khi áp dụng một chính sách tài khóa, cần có nghiên cứu bài bản thay vì đáp ứng ngay khi có nhu cầu. Vay nợ chính phủ có hiệu ứng lấn áp đầu tư tư nhân về mặt ngắn hạn, tuy nhiên về dài hạn sẽ để lại hiệu ứng thúc đẩy, hỗ trợ.

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường

Chuyên gia Kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, rất nhiều nghiên cứu đưa ra giải pháp nên giảm ưu đãi thuế và lập luận rằng ưu đãi thuế làm giảm tính công bằng. Tuy nhiên, trong thực tế, trong tất cả luật thuế đều thiết kế một phần nội dung cho ưu đãi, miễn giảm thuế. Việc thu hẹp, giảm bớt miễn giảm thuế sẽ rất khó thực hiện cho đến khi chúng ta có thể chứng minh, lập luận rằng ưu đãi thuế gây tổn hại tới nền kinh tế.

Chuyên gia Kinh tế Vũ Đình Ánh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image