Tìm kiếm
Chủ Nhật, 24/11/2024 09:12

Chính sách thuế công bằng sẽ đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững

15:17:00 11/12/2020

Đó là ý kiến của các chuyên gia tại diễn đàn Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2020 với chủ đề “Chính sách Tài khóa Hỗ trợ Tăng trưởng Kinh tế và Gắn kết Xã hội” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), với tư cách tổ chức điều phối Liên minh Công bằng Thuế (VATJ) tổ chức, ngày 25/11.

https://congthuong.vn/chinh-sach-thue-cong-bang-se-dam-bao-nguon-thu-ngan-sach-ben-vung-148118.html?fbclid=IwAR2VH0ggxsBZFWNI4wNzsTJ8WNJNRbPWKr7a4EBGqN3NjamhBPY5HLrMXl8

Tỷ trọng thuế trực thu đang giảm mạnh

Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thu Hương, đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết: Chính sách tài khóa vô cùng quan trọng trong thúc đẩy phát triển và giải quyết đói nghèo và bất bình đẳng. Chính sách thuế công bằng đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững để đầu tư cho các dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục, và an sinh xã hội. Chi tiêu ngân sách minh bạch và công bằng sẽ đem lại các kết quả phát triển cho tất cả mọi người và không ai bị bỏ lại phía sau.

2900-ba-nguy-thu-huong-copy
Bà Nguyễn Thu Hương, đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Bà Hương nhấn mạnh thêm, cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế bắt nguồn từ dịch COVID-19 đặt ra những thách thức lớn ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam và các nước khu vực ASEAN khi mà các nước này đang đối mặt với bất bình đẳng kinh tế đã ở mức khá cao. Trong bối cảnh đó thì vấn đề công bằng trong các chính sách thuế và chi tiêu ngân sách càng trở nên quan trọng.

Trình bày về báo cáo công bằng thuế của Việt Nam tại diễn đàn, ThS. Phạm Văn Long, đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho hay: Báo cáo Công bằng thuế của Việt Nam 2017 đã chỉ ra thu từ thuế tại Việt Nam chiếm tỷ trọng khá lớn trong GDP (chiếm gần 25%) và cơ cấu nguồn thu đang chuyển biến theo hướng giảm đi tính công bằng. Mục tiêu cải cách trong giai đoạn 2016-2020 là giảm mức động viên về thuế để khuyến khích cạnh tranh, tích tụ vốn cho sản xuất kinh doanh. Điều này ảnh hưởng đến thu ngân sách từ thuế.

Ông Long phân tích, hiện tỷ trọng thuế gián thu đang tăng mạnh, và ngược lại, tỷ trọng thuế trực thu đang giảm mạnh. Trong đó, tổng thu thuế trên GDP giảm dần từ mức 24% (2006-2008) xuống mức 18% (2014-2019). Tổng thu ngân sách nhà nước trên GDP đã giảm trong một thập kỷ trở lại đây. Năm 2016, con số này là 25,7%.

Tốc độ tăng trưởng của thu ngân sách nhà nước cũng đang có xu hướng chậm lại trong 3 năm trở lại đây. Tốc độ tăng của tổng số thu thuế cũng đang có xu hướng giảm và ổn định ở mức 7,36% trong giai đoạn 2012-2019. Thuế/GDP đã giảm từ mức khoảng 22,2% GDP (2006) xuống mức còn 17,9% GDP (năm 2019).

Ngoài ra, đề cập đến vấn đề tổng chi ngân sách Nhà nước (NSNN), ông Long cho hay, trước năm 2015, chi ngân sách của Việt Nam tương đối ổn định, bình quân giai đoạn 2006-2014, chi ngân sách chiếm khoảng 29% GDP. Giai đoạn 2015-2019, chi ngân sách củ Việt Nam so với GDP giảm liên tục, từ 30% GDP năm 2015 xuống còn 25,9% GDP nâm 2018. Số liệu ước tính năm 2019 cho thấy chi ngân sách so với GDP đã tăng trở lại, ước đạt 28,9% GDP.

2742-chinh-sach-tai-khoa-copy
Diễn đàn có sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp cùng thảo luận các vấn đề chính sách liên quan đến hoạt động tài khóa

Bên cạnh đó, ông Long cũng chỉ ra một số bất cập trong hoạt động thuế hiện nay, cụ thể như, các đề xuất về tăng Thuế Giá trị gia tăng, dự thảo Luật Thuế tài sản hiện không được thông qua. Trong khi Luật Quản lý thuế sửa đổi năm 2019 được ban hành nhằm hạn chế tình trạng trốn, tránh thuế đang diễn ra phức tạp nhưng vẫn chưa tạo ra các ảnh hưởng rõ ràng tới tính công bằng của hệ thống thuế tại Việt Nam. Đặc biệt, trước bối cảnh dịch Covid-19 diên biến phức tạp, đòi hỏi nguồn lực rất lớn tạo áp lực cho NSNN cầu hỏi về tính công bằng thuế càng được quan tâm.

Cần đánh giá và nghiên cứu bài bản

Đại dịch Covid-19 đang có tác động sâu rộng đến toàn thế giới và trong đó có Việt Nam. Việc ổn định sản xuất trong thời gian qua, tạo lợi thế cho hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước, mở rộng thị trường, lĩnh vực và ngành nghề xuất khẩu hàng hóa ra các nước, củng cố nội lực của nền kinh tế, tăng tính chủ động trong cung ứng nguyên vật liệu, kiểm soát chất lượng đầu vào, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra để tiến tới tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia khuyến nghị, cần có phương án cắt giảm chi tiêu hiệu quả và tìm nguồn thu bền vững hơn trong bối cảnh thuế trực thu đang chiếm tỷ trọng ngày càng thấp. Cần có những thay đổi trong tỷ lệ, số lượng thu nhập hoạc đối tượng phải nộp thuế liên quan đến từng khung để tính thuế suất thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thay vì chỉ đề cập đến thu nhập tối thiểu không phải nộp thuế hay nâng mức giảm trừ gia cảnh. Rà soát lại chính sách ưu đãi thuế với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Cần tính toán và công khai thông tin về chi qua thuế thông qua hình thức ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc cơ cấu lại các khoản chi ngân sách để giảm nợ công, giảm thâm hụt ngân sách. Chi ngân sách cho y tế, giáo dục cần được tăng thêm nhưng cần được công khai trong các báo cáo ngân sách. Đặc biệt, cần công khai, minh bạch các khoản thu của các quỹ ngoài ngân sách cho người dân được biết. Đồng thời, chính phủ cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu và chi ngân sách ở mọi cấp chính quyền. Lấy việc công khai làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức và cá nhân phụ trách.

2828-chinh-sach-taqi-khoa-2
Các chuyên gia, nhà khoa học đã có buổi tham luận về những cơ hội, thách thức và cả những giải pháp nhằm vạch ra những định hướng để góp phần phát triển ổn định nguồn thu và giảm nguồn chi NSNN dài hạn

Đặc biệt, để đạt mục tiêu đảm bảo công bằng và cân đối ngân sách bền vững, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã đưa ra hai vấn đề quan trọng, một là cân đối nguồn thu, gia tăng những nguồn thu bền vững, giảm nguồn thu không ổn định. Đây là một trong những bài toán không hề dễ dàng, đòi hỏi phải tái cấu trúc lại hệ thống thuế, và hướng tới đối tượng thu ổn định công bằng. Thứ hai, đảm bảo các nhiệm vụ chi ngân sách không được gia tăng, trên tinh thần phải cải cách tư duy nhà nước, giảm thiểu bộ máy tinh gọn, hiệu quả, như vậy sẽ giảm bớt nhiệm vụ chi từ dó mới đảm bảo ngân sách bền vững.

Chia sẻ về thực trạng chi ngân sách trong điều kiện dịch Covid-19, chuyên gia nghiên cứu độc lập Lê Hoài Nam cho biết, với tác động của dịch Covid-19 đến thu chi ngân sách, Việt Nam và trên thế giới cần đưa ra một chính sách tài khóa hợp lý, xem xét dựa trên mục tiêu của Việt Nam. Việc Việt Nam lựa chọn mục tiêu chung với mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên làm được hay không phụ thuộc vào việc chúng ta lựa chọn chính sách có phù hợp hay không.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học đã có buổi tham luận về những cơ hội, thách thức và cả những giải pháp nhằm vạch ra những định hướng để góp phần tăng nguồn thu và giảm nguồn chi ngân sách. Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh, cần gắn kinh tế số, công khai minh bạch trong thu chi ngân sách nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của nguồn NSNN trong tương lai.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image