Tìm kiếm
Chủ Nhật, 22/12/2024 12:04

Đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi giá trị nông sản Việt

15:18:00 11/12/2020

 

Dịch Covid-19 khiến các sản phẩm nông sản trong nước và xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi giá trị. Trong đó, hộ nông dân là đối tượng chịu tổn thương lớn nhất, tiếp theo là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và ngay cả các DN xuất khẩu cũng không ngoại lệ.

http://www.auditnews.vn/thi-truong/dai-dich-covid-19-lam-dut-gay-chuoi-gia-tri-nong-san-viet-146172?fbclid=IwAR24WT_Aetazx2UM-B-UOoQmcKjst4Gq3B409GmnzXGkcLXhhMbmnzX-cXs


Cần chính sách để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: V.Tuân


Kìm hãm sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp
Năm 2020, sản phẩm nông sản trong nước và xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến các chuỗi giá trị bị đứt gãy. Kết quả nghiên cứu tại hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn với 4 chuỗi giá trị (bò, gừng, chuối, lợn đen) của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp thể hiện rõ điều này. TS. Phạm Công Nghiệp (thành viên Nhóm nghiên cứu) cho rằng, Covid-19 làm thay đổi hoạt động chuỗi giá trị, nhất là chuỗi xuất khẩu do đóng cửa biên giới. Trước dịch bệnh, 85% bò ở Cao Bằng xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng khi đại dịch xảy ra, dù tiêu thụ trong nước được đẩy lên song cũng chỉ đạt 25 - 30%, còn lại người nông dân vẫn phải tiếp tục nuôi chờ hết dịch. Với chuỗi giá trị chuối tại Bắc Kạn, trước dịch có khoảng 80% sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc, song do Covid-19 nên 75% sản lượng buộc nông dân phải chuyển sang nấu rượu (55%), dùng làm thức ăn chăn nuôi (10%), còn lại bỏ hỏng. 
Đại dịch Covid-19 cũng làm tăng chi phí sản xuất, trong đó chi phí chăn nuôi bò tăng mạnh nhất, đặc biệt với bò vỗ béo (tăng 25%), tiếp đến là chi phí trồng gừng (tăng 10%), lợn đen (tăng 8,5%) và chuối (tăng 3%). Bên cạnh đó, đại dịch cũng khiến sản lượng tiêu thụ của 4 chuỗi giá trị này giảm từ 30 - 77%, từ đó kéo theo doanh thu của tác nhân thương mại giảm từ 30 - 82%. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên chuỗi giá trị có tác động đến chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, hao hụt và lãng phí nông sản; việc cung cấp vật tư đầu vào khó khăn, trong khi giá nông sản và sản lượng tiêu thụ lại giảm…
Ở góc độ DN, Giám đốc Công ty GC Food Nguyễn Văn Thứ cho biết, do tình hình dịch trên thế giới và Việt Nam diễn biến phức tạp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty với các đối tác trong và ngoài nước giảm liên tục do các DN đối tác chỉ hoạt động cầm chừng. Cùng với đó, người dân thu hẹp chi tiêu để đảm bảo cuộc sống nên tốc độ bán hàng chậm lại. “Doanh thu lũy kế 10 tháng năm 2020 của GC Food đạt hơn 170 tỷ đồng, chỉ đạt 71% so với kế hoạch đề ra, sụt giảm so với kỳ vọng phát triển năm 2020. Hai mặt hàng quan trọng của Công ty chịu tác động mạnh nhất, cụ thể, đối với mặt hàng nha đam, lũy kế 10 tháng xuất khẩu giảm 50% so với năm 2019 và chỉ đạt 37% kế hoạch năm 2020 đã đề ra; xuất bán nội địa xấp xỉ năm 2019 nhưng chỉ đạt 75% kế hoạch năm 2020. Với sản phẩm thạch dừa, lũy kế 10 tháng, xuất khẩu tăng 178% so với năm 2019, tuy nhiên lại chỉ đạt được 69% kế hoạch; xuất bán nội địa chỉ bằng 91% so với năm 2019 và chỉ đạt 87% so với kế hoạch” - Giám đốc Công ty GC Food chia sẻ. 

Cần chính sách để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững 
Để ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19, các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất một số cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy hệ thống nông nghiệp bền vững. Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh, cần đầu tư khoa học công nghệ (nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn) để nâng cao hiệu quả, hỗ trợ nông dân nhỏ tham gia chuỗi giá trị và tăng cường tính chống chịu của chuỗi với các rủi ro. Mặt khác, cần có cơ chế đầu tư tài chính cho hợp tác xã, trong đó, các ngân hàng cần phải dịch chuyển từ người cho vay dựa vào tài sản thế chấp thành những nhà cung cấp các giải pháp tài chính cho hợp tác xã. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các nhu cầu hiện tại và tương lai của Chiến lược phát triển xanh, nông nghiệp sinh thái. 
Trong khi đó, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại TP. HCM, thành viên Liên minh Nông nghiệp - PGS,TS. Vũ Trọng Khải - cho rằng, trước hết, cần có chương trình quốc gia buộc nền nông nghiệp phải theo tiêu chuẩn tối thiểu là VietGAP (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), đồng thời phải có chương trình quốc gia khôi phục rừng tự nhiên. Mặt khác, phải đào tạo được hệ thống chuyên gia nông nghiệp đầu ngành trong từng lĩnh vực của nông nghiệp; đặc biệt, cần xây dựng nông nghiệp theo vùng sinh thái chứ không phải theo đơn vị hành chính; việc sản xuất theo chuỗi phải mang tính bắt buộc. “Phải đề ra chính sách quan trọng phát triển nông nghiệp cho 5 năm tới, nếu không nền nông nghiệp sẽ vẫn như bây giờ” -  ông Khải nhấn mạnh.
Ngoài sự thích ứng về công nghệ, tổ chức chuỗi sản xuất tiêu thụ, nguồn tư liệu cho sản xuất nông nghiệp là đất đai cũng cần được tính toán hợp lý. Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi Trương Quốc Cần đề nghị, cần đánh giá lại một cách thấu đáo về vai trò của đất đai, nông nghiệp trong giai đoạn mới. Theo ông Cần, để thúc đẩy nguồn cung cho thị trường giao dịch đất nông nghiệp, phải sớm gỡ bỏ các rào cản cứng nhằm hạn chế việc giao dịch đất nông nghiệp, thay vào đó là các chế tài đảm bảo việc sử dụng hiệu quả, đúng mục đích sử dụng đất. Đồng thời, xây dựng trung tâm hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp, thực hiện chức năng cung cấp thông tin, hỗ trợ định giá, thiết kế hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong quá trình giao dịch đất đai giữa các cá nhân và tổ chức kinh tế.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image