| Khi tiềm lực kinh tế có thể hấp thụ bán vốn, tài sản nhà nước thì sẽ thực hiện cổ phầ hoá doanh nghiệp nhà nước, bán vốn nhà nước cao hơn nhằm tăng thu ngân sách bù đắp cho hụt thu trước đó. (Ảnh: Int) |
Tại diễn đàn chính sách tài khoá và phát triển Việt nam 2020 với chủ đề: chính sách tài khoá hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và gắn kết xã hội, được Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) tổ chức ngày 25/11, các chuyên gia đánh giá, việc giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP dự kiến trong năm 2020 từ 7,02% xuống khoảng 1,6% sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước so với năm trước khoảng 68 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, với việc triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí do dịch Covid-19 và ảnh hưởng của dự toán lập cao sẽ khiến nguồn ngân sách nhà nước hụt thu mạnh. Bộ Tài chính dự kiến năm 2020 ngân sách Nhà nước vẫn hụt thu khoảng 189,2 nghìn tỷ đồng, giảm 12,5% so với dự toán và 14,7% so với thực hiện năm 2019. Theo đánh giá của TS. Lê Hoài Nam, Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, vì vậy dưới tác động của suy thái toàn cầu do đại dịch Covid-19 nhiều nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng và Việt Nam không nằm ngoài tác động đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó cũng đã mở ra cơ hội cho kinh tế Việt Nam phát triển và nâng cao tiềm lực của mình như: chiếm lĩnh thị trường trong nước, mở rộng thị trường, tăng tính chủ động cung ứng nguyên vật liệu, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm... Để làm được điều này, chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với thu thuế, phí và lệ phí thì cần cân nhắn thận trọng trong việc tăng thu từ các nguồn bán tài sản, quyền tài sản với việc chấp nhận tăng bội chi ngân sách nhà nước và tăng nợ công trong ngắn hạn. Theo ông Nam, trong năm 2020 Chính phủ nên lựa chọn giải pháp tăng trần nợ công từ 4,99% GDP lên tối đa 5,59% GDP để giảm áp lực thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp 38,5 nghìn tỷ đồng. “Khi tiềm lực kinh tế có thể hấp thụ bán vốn, tài sản nhà nước thì sẽ thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, bán vốn nhà nước cao hơn nhằm tăng thu ngân sách bù đắp cho hụt thu trước đó. Đây là sự đánh đổi trong ngắn hạn”, ông Nam cho hay. Về chi ngân sách, đối với chi đầu tư phát triển đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư phát triển. Vì vậy, cần cân đối vốn vay hợp lý, có chính sách đầu tư công đột phá trong ngắn hạn... Đối với chi thường xuyên thì cần thực hiện theo lộ trình đã đề ra như: hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thông qua việc trợ giá điện, xăng dầu... Điều này sẽ đạt mục tiêu vừa tăng tiềm lực cho các tập đoàn kinh tế, lại hỗ trợ cho người dân. Theo các chuyên gia, khi thực hiện những đề xuất trên sẽ ảnh hưởng bội chi ngân sách nhà nước và nợ công. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, việc tăng bội chi trong ngắn hạn từ 5-7% trong thời gian từ 3-5 năm không đáng lo ngại, do hiện trần nợ công vẫn thấp dưới 50% nên vẫn có thể tiếp tục duy trì mức bội chi đó. Việc chấp nhận tăng bội chi ngân sách Nhà nước sẽ góp phần giảm lãi suất cho vay, tạo cơ hội cho ngân sách nhà nước tái cơ cấ lại các khoản nợ với hạn mức phù hợp và mức lãi suất thấp hơn giai đoạn trước. Các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cũng đưa ra khuyến nghị, về thu ngân sách cần có phương án cắt giảm chi tiêu hiệu quả và tìm nguồn thu bền vững hơn trong bối cảnh thuế trực thu đang chiếm tỷ trọng ngày càng thấp; Rà soát chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI.. Cùng với đó cơ cấu lại các khoản chi ngân sách để giảm nợ công, giảm thâm hụt ngân sách; công khai các khoản chi ngân sách... Các chuyên gia tin tưởng, trong dài hạn, Việt Nam sẽ có cơ sở thuận lợi để cổ phần hoá doanh nghiệp, cải các căn bản nền tài chính công và tạo động lực để bứt phá cho nền kinh tế. |