Tìm kiếm
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:07

Việt Nam là “điểm sáng” kinh tế 2021

17:39:00 29/12/2020

(ĐTTCO)-Hàng loạt báo cáo của các tổ chức kinh tế và truyền thông thế giới gần đây đều có chung nhận định nền kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm mới.

https://saigondautu.com.vn/kinh-te/viet-nam-la-diem-sang-kinh-te-2021-86823.html

Một nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Một nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Vượt Covid-19, kinh tế tăng trưởng dương

Hôm qua 21.12, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) công bố báo cáo “Điểm lại tình hình kinh tế của Việt Nam” với dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam ước đạt 2,8%, trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm 4% do phải chịu tác động của dịch Covid-19.

WB cho rằng có được kết quả này là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực trong nước và xuất khẩu. Không những Việt Nam kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế. Ví dụ như chi tiêu công bắt đầu tăng trở lại sau 3 năm thắt chặt tài khóa, giải ngân đầu tư công cũng tăng 40% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.

“Xuất khẩu là động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam trong thập kỷ qua, đạt kết quả tốt kể từ khi khủng hoảng dịch Covid-19 bắt đầu. Việt Nam dự kiến có thặng dư xuất khẩu hàng hóa lớn nhất từ trước đến nay đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp cho việc nguồn thu ngoại tệ từ du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp”, bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam, nhận định.

Trước đó, vào giữa tháng 10, tờ The New York Times đăng một bài báo có tựa đề: Việt Nam có phải là “kỳ tích châu Á” tiếp theo?, trong đó nhận định kể từ khi Trung Quốc công bố trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19, Việt Nam đã huy động để ngăn chặn sự lây lan của vi rút Corona hiệu quả. Việc kiềm chế đại dịch khiến Việt Nam nhanh chóng mở cửa trở lại cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. “Ấn tượng hơn nữa, sự tăng trưởng của nó được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục, bất chấp sự sụp đổ trong thương mại toàn cầu”, bài báo viết...

Trong báo cáo công bố vào giữa tháng 9 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có tựa Nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp những thách thức do Covid-19, cũng nhận định kinh tế Việt Nam được dự kiến tăng trưởng 1,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021. Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, nhận định: “Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.

Còn Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại nhận định với mức độ hội nhập kinh tế thế giới khá sâu rộng, Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực do Covid-19 gây ra, khi thương mại toàn cầu ảm đạm, giá cả hàng hóa diễn biến phức tạp, công nghiệp chế tạo có xu hướng tăng chậm lại, tác động của lạm phát và biến đổi khí hậu...

Tuy nhiên, nhờ kiểm soát chặt chẽ đại dịch, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định với dự báo do IMF đưa ra là tăng 1,6% trong năm nay và tăng 6,7% trong năm 2021.

Việt Nam là “điểm sáng” kinh tế 2021 - ảnh 2

Tăng tốc trong năm mới

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận định mọi thông tin và dự báo về nền kinh tế thế giới từ tháng 10 trở về trước đa số có vẻ “u ám” nếu không nói là bế tắc. Thế nhưng, từ tháng 11 đến nay, bức tranh kinh tế thế giới đã được vẽ nên những gam màu sáng hơn, tích cực hơn do có

vắc xin ngừa Covid-19. Yếu tố thứ 2 là may mắn khi thế giới đã có vắc xin, nhiều nước tiến hành tiêm đại trà cho dân chúng và Việt Nam cũng công bố đang tiêm thử nghiệm.

Với các biến động vừa qua, kinh tế thế giới vẫn được dự báo tăng 4% trong năm sau. Kinh tế Việt Nam trong 2 quý cuối cùng của năm nay đã tăng trưởng khá hơn 2 quý đầu năm. Dự báo bi quan nhất trong năm nay tăng trưởng GDP khoảng 2,5%, lạc quan hơn thì 3%. Tuy thấp hơn mức tăng trưởng chung trong giai đoạn 2016 - 2019 nhưng đó là mức tăng trưởng tốt so với thế giới.

“Thành công lớn nhất của Việt Nam là dập dịch tốt mà thế giới đã công nhận. Đến nay, trong khi các nước phát triển đang tiếp tục phong tỏa, đóng cửa nhà hàng... thì Việt Nam mọi hoạt động đi lại trong nước gần như bình thường, chỉ có chưa thể mở cửa du lịch với thế giới thôi. Nên không ngạc nhiên khi chúng ta được ca ngợi và họ cho rằng Việt Nam là quốc gia không có thu nhập cao nhưng khả năng dập dịch tốt”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói và nhấn mạnh: “Kinh tế Việt Nam sẽ có những triển vọng đáng lạc quan. Trong đó, chú ý 3 yếu tố và chuyến đổi kinh tế số được đưa vào Nghị quyết 52 và dự kiến đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP. Có một số con số rất đáng quan tâm là có khoảng 37% doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng chuyển đổi kinh tế số.

Thứ hai, ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong nước phát triển khá nhanh và cũng có một số thành quả tốt. Thứ ba, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gạo, thủy sản, nội thất tăng tốt, được nhiều thị trường thế giới biết đến... Cả 3 yếu tố trên đã tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư cho Việt Nam trong năm tới”.

Việt Nam là “điểm sáng” kinh tế 2021 - ảnh 3

Cần đẩy mạnh cải cách nhiều hơn

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng trong năm mới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Ngoài ra, phải thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, đặc biệt phát triển mạnh thị trường trong nước... nhằm đạt mục tiêu tăng GDP khoảng 6%, quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Như vậy, có thể nói, về tổng thể, kinh tế Việt Nam năm tới vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V.

Cũng nhận định trong năm mới, nền kinh tế Việt Nam lẫn thế giới sẽ không còn bất định như đầu năm 2020, nhưng theo PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), động lực phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn dựa vào xuất khẩu và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để phục vụ xuất khẩu.

Hiện nay tất cả hy vọng đang trông chờ vào hiệu quả của vắc xin ngừa Covid-19 ra sao và sau đó tốc độ cung cấp cho các nước như thế nào, nhưng nếu như đầu năm 2020 hầu như chưa ai biết có kiểm soát được dịch bệnh hay không thì hiện nay, các quốc gia đã có biện pháp thích nghi nhất định, tương lai kinh tế thế giới bớt ảm đạm. Năm 2021, nguồn vốn chi đầu tư công sẽ giảm hơn so với năm 2020, tuy nhiên nếu Chính phủ giữ được lạm phát và lãi suất ở mức thấp sẽ tạo điều kiện cho nhiều ngành không liên quan xuất khẩu có điều kiện tăng trưởng.

Đồng quan điểm, GS-TSKH Nguyễn Mại cũng cho rằng kinh tế sẽ tăng tốc mạnh nếu chúng ta đẩy mạnh cải cách hơn nữa. Trong giai đoạn 2021 - 2025, vấn đề cần cải cách mạnh là chính phủ điện tử. Chính phủ có nhiều đột phá nhưng các địa phương chưa chủ động bắt nhịp sẽ mất cơ hội hồi phục sau dịch.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image