Tìm kiếm
Chủ Nhật, 22/12/2024 11:56

PGS TS Phạm Thế Anh: 'Mục tiêu tăng trưởng GDP 6% năm sau khá thách thức'

17:40:00 29/12/2020

Quốc hội vừa giao chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng năm 2021, trong đó tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 6%. Trao đổi với Người Đồng Hành, PGS TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã có những bình luận liên quan đến nội dung này.

https://ndh.vn/vi-mo/pgs-ts-pham-the-anh-muc-tieu-tang-truong-gdp-6-nam-sau-kha-thach-thuc-1282380.html?fbclid=IwAR09FY9F3DZVKQTE48qnG1lu9ukp0UAbTrfs1cMPxXCYGCYybI2fINK3NTA

- Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2021 là 6%, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với con số từng đặt cho năm nay. Ông nghĩ sao về mục tiêu này khi kết quả đạt được thực tế năm 2020 ở mức 2,5-3%?

- Mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trước tiên phụ thuộc rất nhiều vào việc nền kinh tế có được mở cửa hoàn toàn với thế giới hay không? Trường hợp vaccine được phân phối rộng rãi trên thế giới, dịch Covid-19 nằm trong tầm kiểm soát thì mục tiêu này hoàn toàn khả thi. Nhưng theo tôi, việc vaccine được phân bố diện rộng, đến được những quốc gia có thu nhập trung bình như Việt Nam sớm nhất cũng vào nửa sau của 2021. Kéo theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ, du lịch, lưu trú cũng chưa thể phục hồi lại mức trước khi có dịch.

Năm nay, nguồn lực cho đầu tư công tương đối lớn, khoảng 700.000 tỷ đồng, gồm tổng vốn đầu tư ngân sách nhà nước 2020 là 470.600 tỷ đồng và cả số vốn thuộc các kế hoạch từ những năm trước. Với mục tiêu cao nhất giải ngân hết 700.000 tỷ đồng trong năm nay hoặc trường hợp chưa giải ngân hết, cộng với dự toán của năm sau (477.300 tỷ đồng) thì động lực tăng trưởng từ đầu tư công vào 2021 vẫn sẽ ít hơn 2020.

Đến nay, bản chất cơ cấu tăng trưởng của nền kinh tế vẫn là dựa vào xuất khẩu. Tức là sản xuất để xuất khẩu. Chúng ta thu hút rất nhiều FDI. FDI vào Việt Nam chủ yếu để gia công, rồi xuất khẩu. Đó là mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong những năm qua, không thể thay đổi trong ngắn hạn.

Khu vực trong nước thích ứng tương đối tốt với điều kiện thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19. Tỷ trọng đóng góp vào xuất khẩu có gia tăng nhưng không nhiều. Vì vậy, động lực tăng trưởng năm sau vẫn dựa vào xuất khẩu là chủ yếu. Từ những yếu tố vừa phân tích, mục tiêu tăng trưởng GDP 6% năm sau khá là thách thức.

screen-shot-2020-12-19-at-14-1-5170-6728

PGS TS Phạm Thế Anh.

Việc tung ra gói kích thích kinh tế sẽ bổ trợ như thế nào cho tăng trưởng 2021?

- Tôi nghĩ rằng mọi gói kích thích ngoài việc hỗ trợ an sinh xã hội thì đều thiếu tính hiệu quả.

Ví dụ như chính sách giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp dưới 200 tỷ, giảm thuế trước bạ đối với ôtô, giảm VAT... những chính sách gián tiếp, phân bố không đúng đối tượng đáng được hưởng.

Nếu cần gói hỗ trợ vào năm sau phải tập trung trực tiếp hỗ trợ người lao động, đây là biện pháp hiệu quả nhất, giải quyết vấn đề an sinh xã hội tốt nhất, đến đúng đối tượng. Gói hỗ trợ kinh tế chỉ thực hiện khi Việt Nam phải áp dụng biện pháp phong tỏa trở lại. Với bối cảnh như hiện nay, những gói kích thích kinh tế là không cần thiết.

- Vậy doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

- Với doanh nghiệp cũng tương tự như thế. Vấn đề của chúng ta là không xác định đúng đối tượng cần phải hỗ trợ. Năm nay, chúng ta hỗ trợ những doanh nghiệp về bản chất là không cần thiết. Trong khi những doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ lại không được hỗ trợ. Những thiết chế chính sách như vậy là kém hiệu quả.

Do dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng mà tổn thương nhiều hơn cả là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng đây là thị trường, là cuộc chơi, những doanh nghiệp nhanh nhạy họ sẽ chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với điều kiện mới. Nền kinh tế Việt Nam còn có đặc thù là rất linh hoạt. Mỗi năm có hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp yếu kém đóng cửa, phá sản nhưng cũng có hàng trăm nghìn doanh nghiệp mới được ra đời với những sản phẩm, dịch vụ tiên tiến đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Đó là quy luật của nền kinh tế. Vì vậy, không nên khiên cưỡng phải ban hành những gói hỗ trợ thiếu hiệu quả, không đúng mục đích, đối tượng. Thực tế trong thời gian qua, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội đã nảy sinh nhiều vấn đề như hỗ trợ sai đối tượng, sau phải đòi lại, những người trong thời gian cách ly xã hội phải nghỉ việc, mất việc lại không được nhận trợ cấp...

Liều thuốc tốt nhất dành cho doanh nghiệp bây giờ chính là việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ.

- Thách thức của doanh nghiệp trong năm tới là gì khi Việt Nam vừa có thêm nhiều FTA như RCEP và UKVFTA?

- Quay trở lại câu chuyện tăng trưởng, kể cả mục tiêu tăng trưởng GDP 6% năm sau là khả thi thì chúng ta lại quan tâm rằng chất lượng tăng trưởng đó đến từ đâu, khu vực nào đóng góp là chủ yếu? Hiện đóng góp cho tăng trưởng vẫn đến chủ yếu từ khu vực đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nội đóng góp khá thấp. Do mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm nay. Việt Nam có lợi thế là lao động trẻ, thuộc thế hệ dân số vàng, dư thừa lao động, chúng ta thu hút FDI để tận dụng được lao động dư thừa trong nước. Doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam cũng là để tận dụng lao động giá rẻ, gia công để xuất khẩu. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp giá trị gia tăng của doanh nghiệp nội vẫn còn thấp.

Thách thức trong 2021 và 5, 10 năm tới là làm thế nào để doanh nghiệp Việt tiếp cận được công nghệ mới, thị trường mới thông qua những FTA Việt Nam đã ký kết. Để từ đó đóng góp nhiều hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm.

- Ông có khuyến nghị gì cho năm sau khi 2021 là năm bản lề cho giai đoạn tới?

- Tôi nghĩ rằng vấn đề Covid-19 là khách quan không thể tránh khỏi. Do vậy, điều quan trọng nhất với Việt Nam là duy trì ổn định bên trong dù có chịu bất cứ tác động nào từ bên ngoài, như dịch Covid-19.

Trong những tháng vừa qua, nền kinh tế đã xuất hiện những rủi ro liên quan đến giá tài sản. Giá tài sản không chỉ là giá nhà ở mà còn cả giá đất ở các khu công nghiệp. Khi Việt Nam hạ lãi suất thấp giống những nước khác, ngay lập tức dòng tiền đầu cơ vào thị trường tài sản khiến bong bong giá tài sản xuất hiện. Một mặt, việc này tạo ra bất bình đẳng thu nhập trong nền kinh tế. Mặt khác, tiềm ẩn rủi ro bất ổn cho môi trường đầu tư kinh doanh.

Nếu chúng ta không cẩn trọng với những chính sách như vậy, có thể dẫn đến những rủi ro về mất cân đối tiền tệ, tài khoá và bong bóng giá tài sản, đẩy áp lực về phía người lao động, người yếu thế trong xã hội, đặc biệt cơ hội tiếp cận tài sản của họ ngày càng khó khăn hơn.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image