Tìm kiếm
Thứ Sáu, 27/12/2024 08:02

Yếu tố nào tác động đến tăng trưởng kinh tế giai đoạn năm 2021-2025?

11:15:00 31/12/2020

Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trình Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, trường Đại học Kinh tế quốc dân, kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, kết quả như trên sẽ đạt được nếu Việt Nam có những đột phá chiến lược, vượt trội hơn nhiều quốc gia khác.

https://haiquanonline.com.vn/yeu-to-nao-tac-dong-den-tang-truong-kinh-te-giai-doan-nam-2021-2025-138798-138798.html?fbclid=IwAR1ByqRxK-EP8KCi8ba7HIZP8U-7FEL9D3rOe9WZr-GFOf8FTYaFIljiRg4

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, trường Đại học Kinh tế quốc dân, kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, trường Đại học Kinh tế quốc dân, kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).

Năm 2021, Chính phủ đã chốt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6%, ông đánh giá gì về mục tiêu này?

- Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được Chính phủ đặt ra ở mức 6% là đã giảm hơn so với giai đoạn trước. Hơn nữa, mức này hoàn toàn khả thi nếu thực hiện trong điều kiện bình thường, tình hình bệnh dịch trong nước được khắc phục, dựa trên các nguồn lực mà Việt Nam sẵn có về lực lượng lao động, các cam kết mà Việt Nam tham gia tại nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, Việt Nam đang có nhiều cơ hội khi đón nhận xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư, tái cấu trúc sản xuất từ các quốc gia phát triển.

- Một trong những quy luật của kinh tế là quy luật năng suất biên giảm dần. Nghĩa là một quốc gia chuyển từ thu nhập thấp, tăng dần lên thu nhập cao thì tốc độ tăng trưởng sẽ có xu hướng giảm dần. Do vậy, nếu nền kinh tế của Việt Nam không có gì đột phá, vượt trội hơn các quốc gia khác về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, sáng tạo các sản phẩm công nghệ dẫn đầu… trong giai đoạn 5 năm tới thì tốc độ tăng trưởng giai đoạn sau sẽ thấp hơn giai đoạn trước.

Năm 2021 là khả thi, còn mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng 6,5-7%, theo ông có phù hợp?

Nhìn vào lịch sử tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ thấy, giai đoạn phát triển năm 1990-2000 có tốc độ tăng trưởng GDP từ 7-8%/năm, giai đoạn 2000-2010 tăng 6-7%/năm, giai đoạn 2010-2020 thì có năm chỉ tăng hơn 5%, có năm tăng hơn 6%... Các quốc gia khác cũng thế, nhất là Trung Quốc, những giai đoạn trước tăng trưởng GDP tới hơn 10%/năm, nhưng hiện nay, khi thu nhập đầu người tăng thì tăng trưởng cũng đã xuống khoảng hơn 6%/năm.

Tuy nhiên, việc tăng trưởng GDP trong giai đoạn 5 năm tới còn phụ thuộc vào việc khống chế dịch Covid-19. Nhiều dự đoán cho rằng, nếu nhanh thì cũng phải đến cuối năm 2021, dịch bệnh mới khống chế được hoàn toàn và sang năm 2022 kinh tế thế giới mới có thể trở lại bình thường.

Ông có thể nêu một vài đánh giá, phân tích về những tới tác động đến đà tăng trưởng của Việt Nam trong 5 năm tới?

- Như tôi đã nói ở trên, việc đạt được kết quả tăng trưởng như kế hoạch đang phụ thuộc vào việc 5 năm tới chúng ta làm được gì, tạo ra gì, tạo được lợi thế gì? Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng hiện tại, tức là hoạt động sản xuất gia công, làm thuê thì giá trị gia tăng tạo ra không nhiều. Trong khi nếu Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, người dân trong nước thì GDP sẽ tăng lên.

Hiện nay, GDP của Việt Nam chủ yếu đến từ các ngành chế biến, chế tạo phục vụ xuất khẩu, nhưng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu hàng hóa của chúng ta lại đang dựa nhiều vào khu vực FDI, nên giá trị gia tăng tạo ra sẽ bị chuyển về cho các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp FDI vẫn đang coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn với nguồn lao động giá rẻ, nhiều ưu đãi thu hút đầu tư và các ưu đãi mà Việt Nam có từ FTA. Nên nếu tiếp tục mô hình này trong 5 năm tới thì khu vực chế biến, chế tạo vẫn giúp giải quyết việc làm một cách tốt nhất, vẫn sẽ là khu vực “tạo đà” tạo ra giá trị đóng góp vào GDP.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế bước sang mức thu nhập cao hơn thì chúng ta sẽ mất đi nguồn lao động giá rẻ. Hơn nữa, trong khoảng 10 năm nữa, lao động của Việt Nam sẽ không dồi dào như hiện nay, vì cơ cấu dân số của chúng ta đã và đang bước vào giai đoạn già hóa. Chính vì thế, chúng ta phải chú trọng và dịch chuyển sang phát triển dựa vào khu vực dịch vụ. Hiện khu vực này cũng đã có sự chuyển dịch, nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 trong năm nay nên một số ngành như nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không… bị chững lại, chịu các thiệt hại nặng nề. Do đó, khi kinh tế phục hồi thì lĩnh vực dịch vụ phải tiếp tục được chuyển dịch, bởi đây là khu vực tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp và người lao động trong nước hơn.

Một lĩnh vực khác cũng không thể bỏ qua là nông nghiệp, chúng ta đã ứng dụng công nghệ cao cho phát triển nông nghiệp nên đã tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu nên đã thu được rất nhiều ngoại tệ. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu của khu vực nông nghiệp thấp hơn khu vực khác, nhưng phần lớn giá trị thu về lại thuộc về người Việt Nam.

Đặc biệt, trong thời gian tới, Việt Nam có triển vọng và cơ hội lớn khi tận dụng được các FTA đã ký kết và có hiệu lực. Vấn đề là việc tận dụng như thế nào? Vì nhiều cam kết, lợi thế đang được các doanh nghiệp nước ngoài “chớp” lấy do họ có kinh nghiệm, có công nghệ nên chỉ cần đáp ứng về quy tắc xuất xứ là thực hiện được. Trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước chưa sẵn sàng tham gia, còn e ngại. Vì thế, các doanh nghiệp trong nước phải mạnh dạn thâm nhập thị trường, tận dụng FTA thì khu vực kinh tế trong nước mới tăng lên, đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP.

Có ý kiến cho rằng, chúng ta không nên quá chú trọng vào tăng trưởng GDP mà phải hướng tới phát triển bền vững. Quan điểm của ông về nhận định này như thế nào?

- Tất nhiên, trong bối cảnh hiện nay, điều chúng ta cần quan tâm nhiều hơn không phải số lượng mà phải là chất lượng của tăng trưởng. Chúng ta phải có biện pháp để gắn với phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ môi trường… Song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn hiện tại trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid–19, Việt Nam nên tiếp tục và cải thiện những chính sách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai phục hồi sau bệnh dịch. Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn...

Xin cảm ơn ông!

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image