Tìm kiếm
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:29

Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ không có nghĩa là thao túng

11:19:00 31/12/2020

Trước thông tin Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ, dẫn tới nguy cơ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu ở một số ngành, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-12-29/dieu-hanh-linh-hoat-chinh-sach-tien-te-khong-co-nghia-la-thao-tung-97558.aspx

NHNN

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước.

Các chuyên gia kinh tế, đại diện hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đều có chung quan điểm, cần lên tiếng để cộng đồng thế giới hiểu rõ, hiểu đúng và tránh hiểu sai chính sách tiền tệ mà Việt Nam đang triển khai hiện nay.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cáo buộc của Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ là không có cơ sở và chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Việt Nam không thao túng tiền tệ. Việt Nam điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá và không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc với các đối tác Hoa Kỳ để cùng xử lý những tồn tại, vướng mắc nhằm duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững và cùng có lợi cho đôi bên.

Ông Phòng còn cho biết thêm, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đã có ý kiến chỉ đạo và điều hành linh hoạt các ngân hàng thương mại về việc điều chỉnh tỷ giá, cần thiết có thể giảm bớt lợi nhuận để tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận dòng vốn và ngoại tệ. Với những cáo buộc tương tự, việc thuyết phục đối tác mà cụ thể là phía Hoa Kỳ sẽ không dễ dàng. Do đó, đây là lúc cần sự "đồng thanh tương ứng, đồng trí tương cầu" để thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận và triển khai nhiều giải pháp như thương lượng, đàm phán... trước khi Hoa Kỳ ban bố và áp đặt các biện pháp tiếp theo.

Song song với những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan chức năng, theo ông Phòng, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng có sự chuẩn bị cho chính mình. Theo đó, tập trung các nguồn lực để tăng năng lực tuân thủ pháp lý; nâng cao trình độ và hiểu biết pháp luật về hội nhập, về các cam kết với cộng đồng quốc tế theo các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên nhanh chóng tìm hiểu và nắm vững thông tin về các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại, kể cả việc phải sử dụng trọng tài thương mại, trọng tài quốc tế.... Doanh nghiệp hãy biết cách tự vệ và phải bảo vệ được mình. Tất nhiên, để làm được những điều này, chắc chắc cần sự trợ giúp, hướng dẫn và phổ biến kiến thức của các cơ quan chức năng, các bộ, ngành có liên quan và kinh nghiệm truyền thụ từ các tổ chức quốc tế.

Đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng, nếu bị đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này rất có thể chịu các biện pháp trừng phạt. Không chỉ bị ảnh hưởng xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ gặp phải các vấn đề về giảm sản xuất, mất thị trường và gây xáo trộn chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, với mức áp thuế cao và kéo dài, việc trừng phạt có thể ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ở một số ngành nghề nhất định. Các doanh nghiệp có thể sẽ chuyển hướng đầu tư sang các thị trường khác…  Để giải quyết vấn đề này rất cần sự đối thoại và đàm phán của chính phủ hai nước, cũng như điều chỉnh cán cân thương mại.

Với doanh nghiệp, không chỉ riêng ngành dệt may, mà các ngành khác cũng cần phải hoàn thiện chuỗi cung ứng, sản xuất của mình; từ đó nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, trong trường hợp bị áp thuế trừng phạt, doanh nghiệp cần phối hợp và làm việc với đối tác Hoa Kỳ giảm thấp nhất ảnh hưởng và tổn thất có thể gây ra.

PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) đề xuất, để tránh bị ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, Việt Nam cần lưu ý và rà soát cán cân vãng lai; tích cực cân đối thương mại, tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ một cách ổn định, từ đó cân đối thương mại với Hoa Kỳ.

"Hiện nay, phía Hoa Kỳ đang muốn giảm sự cạnh tranh từ phía Việt Nam, nhất là với những mặt hàng mà nước này cho rằng có xuất xứ từ Hàn Quốc hoặc Trung Quốc nhưng thông qua Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Do đó, Việt Nam cần thận trọng và chủ động kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng này để sau đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ; nhất là những mặt hàng mà Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp mức thuế cao" - PGS. TS. Nguyễn Đức Thành cho biết.

Theo dõi chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia của Việt Nam hơn 20 năm nay, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia phân tích: "Chưa bao giờ Việt Nam có chủ trương phá giá đồng tiền theo kiểu thao túng tiền tệ để tạo lợi thế ngoại thương".

Trước hết, do đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là ngành công nghiệp gia công, phần lớn nhập nguyên liệu về chế biến sản xuất. Vì thế, nếu Việt Nam chủ trương phá giá đồng tiền sẽ dẫn tới gánh nặng tăng chi phí đầu vào cho sản xuất. Thêm vào đó là nợ quốc gia mà chủ yếu là các khoản nợ doanh nghiệp vay nước ngoài; nếu trường hợp phá giá đồng tiền thì khoản nợ bằng tiền đồng Việt Nam sẽ tăng rất lớn và rõ ràng không ai muốn tăng thêm gánh nợ này. Đây là 2 lý do chủ yếu chứng tỏ Việt Nam không thao túng tiền tệ như phía Hoa Kỳ cáo buộc - Tiến sĩ Trần Du Lịch tiếp tục phân tích.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, do sự khác biệt về cơ cấu ngoại thương giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ nên phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ mà tạo điều kiện để người tiêu dùng bản địa được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam chỉ mới xuất siêu sang Hoa Kỳ trong vài năm gần đây.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết, cũng do yếu tố đặc thù, thặng dư cán cân vãng lai chủ yếu được cân đối bằng các nguồn ngoại tệ khác ngoài thương mại như kiều hối. Hoa Kỳ - vốn là một trong những thị trường kiều hối chính của Việt Nam, trong khi dòng kiều hối chuyển về nước để đầu tư và tiêu dùng đều phải được chuyển sang đồng Việt Nam. Do vậy, bản chất của việc mua ngoại tệ ròng thực tế là dịch vụ đổi tiền nhằm phục vụ hoạt động thanh toán trong nước, không phải là công cụ thao túng tiền tệ.

Hơn nữa, việc Hoa Kỳ "cáo buộc" Việt Nam thao túng tiền tệ, không có nghĩa là nước này sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt ngay. Bởi theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ, sẽ có tối đa 1 năm để hai bên thương lượng nhằm tìm ra các giải pháp làm giảm các bất đồng thương mại. “Hiện Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan tập trung phối hợp chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ, với đặc điểm tình hình kinh tế, tài chính Việt Nam, tôi nghĩ phía Hoa Kỳ sẽ có thiện chí để lắng nghe tiếng nói từ Việt Nam” - Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Ngày 16/12 vừa qua, Việt Nam (cùng với Thụy Sỹ) bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định “thao túng tiền tệ”, khi vượt ngưỡng cả ba tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Bình luận
  • Bởi: Anh (20-11-2024 07:21:19 PM)

    :  Việc học thạc sĩ trái ngành đang dần trở thành xu hướng cho những người muốn mở rộng cơ hội nghề nghiệp và tiếp thu kiến thức mới trong một lĩnh vực khác với chuyên ngành đại học. Một câu hỏi thường gặp là liệu học thạc sĩ trái ngành ở Việt Nam có khả thi không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Việc theo đuổi một chương trình sau đại học trái ngành không chỉ được chấp nhận mà còn mở ra nhiều cơ hội mới trong các lĩnh vực khác nhau. https://www.hoasen.edu.vn/saudaihoc/hoc-thac-si-trai-nganh-17102
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image