Tìm kiếm
Thứ Sáu, 20/09/2024 02:51

Lãi suất cho vay năm 2021 giảm hay tăng?

11:21:00 31/12/2020

Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, doanh nghiệp còn khó khăn, trong khi nhu cầu vốn để doanh nghiệp và người dân vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh cho năm mới đã bắt đầu.

Lai-suat-cho-vay-3753-1609317626.jpg

Doanh nghiệp mong muốn lãi suất cho vay sẽ giảm thêm trong năm 2021. (Ảnh: Int)

Mới đây, cử tri của nhiều tỉnh, thành đã gửi kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị năm 2021 tiếp tục giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi và thủ tục cho vay thông thoáng hơn để doanh nghiệp và người dân tiếp cận được tín dụng ngân hàng.

Nhà băng hứa giảm lãi vay

Trong văn bản gửi NHNN, cử tri tỉnh Gia Lai cho rằng, tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, làm suy giảm năng lực trả nợ của khách hàng khi đến hạn, làm tăng nợ xấu trên địa bàn tỉnh.

Vì vậy, NHNN cần tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trong khi đó, cử tri Trà Vinh đề nghị: “NHNN quản lý lãi suất cho vay sản xuất nông nghiệp, thủy sản đối với các ngân hàng thương mại phù hợp với chính sách chung của Nhà nước”.

Tại buổi làm việc với NHNN mới đây, về phương án hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù NHNN và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung dài hạn. Nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận khá lớn...

Thủ tướng mong muốn trong bối cảnh còn khó khăn này, ngành ngân hàng chưa nhằm mục tiêu lợi nhuận trên hết mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất.

Về những kiến nghị của cử tri, NHNN cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết vốn khả dụng, thanh khoản thị trường, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, đặc biệt là khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn.

“Để tiếp tục ứng phó với tác động của dịch Covid-19, góp phần phục hồi kinh tế xã hội, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tập trung nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cho vay các dự án có khả năng phục hồi sau dịch; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng, lãi suất; góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”, văn bản NHNN trả lời cử tri Gia Lai nêu rõ.

Trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá, năm 2021, đại dịch Covid-19 nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế thế giới và trong nước còn khó lường, bởi vậy ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

“NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng đi đối với an toàn, hiệu quả”, bà Hồng khẳng định.

Nhu cầu vốn tăng sẽ kéo lãi suất lên

Thông thường khi lãi suất huy động được điều chỉnh giảm từ 0,1-0,2% thì lãi suất cho vay cũng sẽ được giảm tương ứng dành cho cả khách hàng vay mới và khách hàng hiện hữu. Năm 2021 là một năm khó đoán định.

Tuy nhiên, một số chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng xu hướng giảm lãi suất khả năng vẫn tiếp diễn trong những tháng đầu năm.

Về xu hướng lãi suất thời gian tới ở góc độ ngân hàng thương mại, bà Đào Minh Anh, Phó Tổng giám đốc OCB nhìn nhận, lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong năm 2021.

"Dịch Covid-19 đang được khống chế rất tốt, doanh nghiệp Việt so với các nước khác cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng sự thông thương với quốc tế đã và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, nên năm 2021 sẽ là năm vô cùng khó khăn đối với cả các doanh nghiệp, các cá nhân cũng như đối với cả ngân hàng. Đây là lúc ngân hàng phải sát cánh cùng doanh nghiệp, cung cấp giải pháp tài chính và hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu phù hợp", bà Minh Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, những tháng cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động sẽ nhích lên do nền kinh tế phục hồi.

Đồng tình, ông Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích, lãi suất là giá của đồng tiền, khi nào nhu cầu sử dụng vốn tăng trở lại thì giá của đồng tiền, lãi suất sẽ tăng dần lên.

Trong khi đó, dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, nhiều tổ chức quốc tế đưa ra triển vọng khá tích cực.

Đơn cử, Ngân hàng Thế giới dự báo, GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,8%, hay Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt 6,5%... Nền kinh tế Việt Nam bị “nén lại” trong năm 2020 sẽ là tiền đề để “bung” ra phục hồi, phát triển mạnh trong năm 2021. Theo đó, khi nền kinh tế khôi phục được tốc độ tăng trưởng cao, thì nhu cầu về vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp sẽ tăng lên, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ tăng lên…, khi đó lãi suất sẽ nhích lên.

Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, việc nhích lên của mặt bằng lãi suất sẽ không quá nhanh và tăng cao ngay được, mà sẽ nhích dần dần, khả năng mức lãi suất sẽ tăng khoảng 0,25 - 0,5%.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image