Việt Nam đang bị cuốn dần vào vòng xoáy giải công nghiệp hóa hay còn gọi là “lời nguyền tài nguyên mới”. Về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng tác giả của Báo cáo Kinh tế thường niên 2013. PV: Giải công nghiệp hóa sớm được xem như một trong những điều đáng báo động của kinh tế Việt Nam. Theo ông, việc Việt Nam bị cuốn vào vòng xoáy này đem lại những hậu quả như thế nào, thưa ông? TS.Phạm Sỹ Thành: Giải công nghiệp hóa sớm là quá trình một quốc gia chưa kịp hoàn thành quá trình công nghiệp hóa thì các ngành công nghiệp cơ bản (đặc biệt là công nghiệp chế tạo) trong nước đã bị lụi tàn. Theo tôi, Việt Nam có thể không trở thành một “công xưởng thu nhỏ của khu vực” nhưng không ai có thể quả quyết rằng việc Việt Nam trở thành “vườn rau của khu vực” hay “vựa lúa chất lượng cao của khu vực” lại là một kết quả đáng thất vọng. Xét từ góc độ quan điểm truyền thống, việc một nền kinh tế không phát triển được các ngành công nghiệp cơ bản trong nước sẽ làm giảm hiệu suất sản xuất. Đối với Việt Nam, sự suy giảm hiệu suất do tác động của việc công nghiệp cơ bản bị “thui chột” có thể sẽ mạnh hơn do các ngành dịch vụ ở Việt Nam hiện nay chưa phải các ngành dịch vụ hiện đại, có mức độ cải thiện hiệu suất lớn. Theo nghiên cứu của Pincus (2012), trong thời gian 2001 – 2009, mức độ cải thiện của Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 1%. Suy giảm của hiệu suất sản xuất sẽ dẫn đến hậu quả lâu dài là suy giảm tăng trưởng kinh tế. Việc nền kinh tế không cải thiện được năng suất, và sự đóng góp của lao động suy giảm nên phải viện dẫn đến việc gia tăng vốn đầu vào để duy trì tăng trưởng cho thấy tính chất rất thiếu bền vững. Chúng ta có thể nhận thấy một cách rõ ràng rằng, kinh tế Việt Nam hiện nay đang phải trả giá cho việc duy trì tăng trưởng dựa dẫm vào đầu tư vốn nhưng lại không cải thiện được về hiệu suất/năng suất. Đó chính là điều đáng quan ngại nhất khi một nền kinh tế vướng vào bẫy “giải công nghiệp hóa sớm”. PV: Vậy biện pháp trước mắt và lâu dài để Việt Nam "tự chủ" hơn trong vòng xoáy giải công nghiệp hóa sớm là gì, thưa ông? TS.Phạm Sỹ Thành: Để có thể tránh vòng xoáy của “lời nguyền tài nguyên mới” hay hiệu ứng giải công nghiệp hóa sớm, chúng tôi cho rằng Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đề xuất các giải pháp ngắn hạn và các giải pháp trung – dài hạn. Cụ thể, các biện pháp ngắn hạn bao gồm: Quản lí chặt chẽ và khoa học đối với các ngành khai khoáng. Bởi lẽ, khởi nguồn của nguy cơ giải công nghiệp hóa sớm là việc các công ty hoặc một quốc gia bị hấp dẫn bởi nhu cầu nhập khẩu khổng lồ từ Trung Quốc – trong đó chiếm tỉ trọng lớn là nhập khẩu khoáng sản, hàng hóa mang tính tài nguyên và hàng hóa đầu vào. Việc xuất khẩu dễ dàng đem lại nguồn ngoại tệ dễ dãi. Điều này có thể làm mất cân bằng về lợi ích giữa các ngành công nghiệp cũng như sự chuyển hướng của nguồn lực khỏi các ngành công nghiệp cơ bản khác để tập trung vào các ngành khai khoáng. Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ việc xuất khẩu tài nguyên, Việt Nam có tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới như Na Uy hoặc Indonesia. Trong đó có một biện pháp quan trọng là tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của ngành công nghiệp khai thác -EITI Bên cạnh đó, cần phải chú trọng hơn nữa “Quy tắc phi thực tế Hartwick”. Bản chất của quy tắc này là của cải làm ra từ các nguồn lực không tái sinh chỉ có thể tạo ra sự phát triển bền vững nếu nó được phân bổ cho đầu tư liên tục, thay vì tiêu dùng. Trong đó, đầu tư cho nguồn vốn vô hình (như giáo dục nhằm nâng cao chất lượng con người; môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống) có vai trò đặc biệt quan trọng. Các hoạt động đầu tư này sẽ giảm thiểu các hiệu ứng trì trệ trong sản xuất, chế tạo và nông nghiệp, trong khi cũng có khả năng giúp đỡ để tránh lãng phí hay chi tiêu bừa bãi. Về các giải pháp dài hạn, theo tôi, chúng ta cần phối hợp với các tổ chức quốc tế, các quốc gia có kinh nghiệm để xây dựng các chính sách ngành phù hợp cho Việt Nam. Trong quá trình xây dựng chính sách ngành, cần chú ý mối liên kết giữa ngành công nghiệp – trường đại học – viện nghiên cứu. Mặt khác, phát triển cụm liên kết ngành để cải thiện tình hình công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Xây dựng các chương trình đào tạo nghề để nâng cao chất lượng lao động trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. PV: Rõ ràng rằng, trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa đất nước, kinh tế đang gặp nhiều khó khăn không dễ vượt qua. Trong khi đó, Chính phủ có định hướng phát triển nền kinh tế xanh. Theo ông, điều này có khả thi? TS.Phạm Sỹ Thành: Theo tôi, việc Chính phủ định hướng phát triển “kinh tế xanh” là chủ trương đúng và có tầm nhìn. Vấn đề là lựa chọn thời gian và cách thức để thực hiện. Phát triển kinh tế xanh cần có đủ thực lực về kinh tế bởi rõ ràng, việc sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, yêu cầu xử lí chất thải công nghiệp và sinh hoạt…, không thể thực hiện suông bằng việc kêu gọi sự tự giác của các công ty hoặc người dân. PV: Hiện nay, “phát triển bền vững” được coi như mục tiêu lâu dài của mỗi quốc gia. Trên quan điểm cá nhân của một nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam, ông có hy vọng vào điều này hay không, thưa ông? TS.Phạm Sỹ Thành: Phát triển bền vững là một khái niệm tổng hợp. Nó liên quan đến ít nhất 4 lĩnh vực: Tăng trưởng kinh tế bền vững và chất lượng cao; các vấn đề về công bằng xã hội; môi trường và đảm bảo an ninh. Theo tôi, bản thân việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững luôn hàm chứa nhiều thách thức đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, bởi lẽ điều này đòi hỏi phải cân bằng được giữa lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, dưới tác động của việc tranh cử, chủ nghĩa phúc lợi dân túy (welfare populism) có thể khiến các chính sách phát triển tập trung vào các lợi ích trước mắt thay vì quan tâm đến lợi ích lâu dài. Ngoài ra, trong bản thân từng nội dung của “phát triển bền vững” cũng chứa đựng những tình thế lưỡng nan đối với các nước nghèo. Đối với các nước nghèo, không có tiền để phát triển các chương trình năng lượng sạch và thân thiện với môi trường như điện gió, điện mặt trời thì lựa chọn dễ thấy là tập trung phát triển thủy điện và nhiệt điện. Điều này khiến cho môi trường có thể trở thành cái giá cho việc đảm bảo an ninh năng lượng. Vì vậy, đối với nhiều nước đang phát triển, mục tiêu phát triển bền vững giống như một chuỗi ngọc trai đẹp. Tuy vậy, việc chuyển đổi nâng cấp ngành để tránh nguy cơ giải công nghiệp hóa sớm cũng chứa đựng những yếu tố thuận lợi, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Bởi lẽ, khi chuyển từ các ngành thâm dụng tài nguyên và thâm dụng lao động sang các ngành thâm dụng kĩ thuật thì không chỉ có lợi cho tăng trưởng kinh tế mà còn có lợi cho bảo vệ môi trường. Để kinh tế tăng trưởng có chất lượng cao và bền vững, tôi cho rằng cần tập trung vào 3 lĩnh vực: Thứ nhất là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay là một cơ hội để thực hiện điều này. Thứ hai là Cải thiện năng suất. Thứ ba thiết lập các thể chế kinh tế thị trường mang tính nền tảng, chẳng hạn thể chế pháp lí, môi trường kinh doanh v.v. Điều quan trọng cuối cùng, tôi muốn nhắc tới ở đây là, đối với một nước có tài nguyên phong phú như Việt Nam, việc nghiên cứu và vận dụng tốt “quy tắc Hartwick” sẽ tác động mạnh mẽ đến khả năng phát triển bền vững của quốc gia. Trân trọng cảm ơn ông! Tống Minh (thực hiện) Theo Báo cáo kinh tế thường niên 2013 “Trên đường gập ghềnh tới tương lai”, năm 2013 kết thúc cũng là thời điểm đánh dấu một giai đoạn 6 năm sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (2008-2013), mà trong quãng thời gian đó nền kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 5.8%/năm, so với mức trung bình 7,8%/năm trong giai đoạn 6 năm trước đó (2002-2007). Đồng thời, lạm phát bình quân hàng năm trong giai đoạn 6 năm trước đó chỉ là 7,35%, còn giai đoạn hiện nay là 11,5%. Rõ ràng là nền kinh tế Việt Nam đã và đang trải qua những năm tháng mà nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh đi liền với cải cách kinh tế đã bị bỏ lỡ. |
|