Thứ Tư, 15/01/2025 02:45
Kinh tế chỉ có thể khởi sắc từ giữa năm 2013
00:02:39 05/01/2013
[sgtt.vn - 04/01/2013 - TS. Nguyễn Đức Thành] SGTT.VN - Sài Gòn Tiếp Thị phỏng vấn TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội về tình hình kinh tế 2012 và triển vọng 2013.

Thưa tiến sĩ, ông đánh giá như thế nào về kinh tế 2013? Đâu là những điểm cần lưu ý?

Muốn đánh giá viễn cảnh kinh tế 2013, chúng ta cần nhìn lại nền kinh tế trong năm 2012 và khuynh hướng chung của khu vực và thế giới từ năm qua sang năm nay.

Trong suốt năm 2012, kinh tế tăng trưởng chậm, sức mua yếu ớt, số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, rút khỏi thị trường nhiều hơn bao giờ hết, và kết thúc năm tăng trưởng kinh tế đạt mức thấp nhất kể từ năm 2000 tới giờ. Điều đáng lưu ý là so với năm 1999, khi kinh tế tăng trưởng bị rớt xuống một cách bất thường do những khó khăn trong nước kết hợp với tình hình bất lợi trong khu vực khi đó, thì hồi đó kinh tế đã phục hồi nhanh trở lại. Nhưng hiện thời, tăng trưởng đã chậm lại từ 2011, sang đến năm 2012 và 2013 khó có sự phục hồi bất ngờ. Điều ấy cho thấy bản thân nền kinh tế không còn nằm trong dòng động năng tăng trưởng nhanh nữa.

Về tình hình thế giới, hầu như đa số chuyên gia trên toàn thế giới đều nhận định năm 2013, kinh tế thế giới nói chung sẽ khá hơn, và tiếp đó sẽ dần hội phục khi sang năm 2014. Đây là yếu tố có lợi nếu Việt Nam có thể khai thác để đưa mình vào dòng chảy chung của sự phục hồi khu vực và thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng không phải là cơ hội trên trời rơi xuống, vì qua mấy năm vừa rồi, môi trường đầu tư của Việt Nam đã xuống cấp nhiều và giới đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng hơn nhiều nếu so sánh với các nền kinh tế đang hừng hực khí thế như Indonesia, vững chắc như Thái Lan và trong trẻo như Myanmar.

Tôi có thói quen nhìn vào tăng trưởng tín dụng trong năm trước để dự báo cho năm sau, vì tốc độ tăng trưởng tín dụng liên quan chặt chẽ đến tổng cầu đầu tư, và do đó là khả năng lan toả vào tăng trưởng kinh tế. Nhưng năm 2012 là một năm bất thường. Trong khi ngân hàng Nhà nước đã chủ động nới lỏng tiền tệ ngay từ đầu quý 2/2012, đưa mức tăng trưởng cung tiền cả năm lên tới gần 20%, vậy mà tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ đạt khoảng 6%. Điều ấy cho thấy không phải vấn đề nằm ở nguồn cung vốn, mà chính là nguồn cầu về vốn đã không thể phục hồi trong cả năm 2012. Khi các doanh nghiệp không có nhu cầu mở rộng tín dụng, thì có thể nói gần như chắc chắn sáu tháng tiếp sau đó sẽ không có mở rộng sản xuất. Vì thế tôi hoài nghi về sự khởi sắc trong năm 2013. Nếu có gì đó khả quan, chỉ có thể nhìn thấy vào nửa sau của năm mà thôi.

Việc Chính phủ đưa ra một loạt đề xuất chính sách vào cuối năm 2012 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giải quyết nợ xấu có ý nghĩa thế nào cho năm 2013?

Trước hết, tôi cho rằng những nỗ lực ấy có tác động phần nào đến tâm lý người dân và doanh nghiệp, gieo vào họ một niềm hy vọng. Doanh nghiệp cảm thấy có sự đồng hành của Chính phủ, đó là những ảnh hưởng tốt.

Tuy nhiên, theo dõi sát nội dung của các chính sách này, cũng như cách mà các chính sách ấy được thảo luận và đưa ra, tôi khá hoài nghi với tác động thực tế của chúng. Thậm chí tôi còn cảm thấy lo lắng là chúng sẽ làm tình hình kinh tế trở nên lộn xộn, khó kiểm soát hơn, và kéo dài nỗi đau đớn của các doanh nghiệp, dù rằng nỗi đau ấy có thể được xoa nhẹ đi đôi chút. Tôi thấy các chính sách ấy hiện đều mang tính ngắn hạn, đối phó tình huống, mà những vấn đề căn cơ, nền tảng chưa thực sự được giải quyết hay động chạm tới. Đó là vấn đề của khu vực doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt các tập đoàn và tổng công ty, các ngân hàng thương mại (cần xác định rõ danh tính) với lượng nợ xấu cao và mô hình kinh doanh, cơ cấu dư nợ, có nhiều vấn đề, tình trạng đầu tư kém hiệu quả của khu vực vốn nhà nước, môi trường kinh doanh xuống cấp đối với doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài, các vấn đề liên quan đến quan hệ đất đai, v.v.

Tất cả những vấn đề hệ trọng đó là nguyên nhân trực tiếp khiến nguồn lực của toàn bộ nền kinh tế bị phân bổ sai lệch và không có động cơ cải thiện năng suất, vì thế, là nguồn gốc sâu xa khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại, đi liền với nguy cơ thường trực bất ổn vĩ mô. Chỉ khi có những cải cách mạnh tay trong những lĩnh vực nêu trên, tôi mới cảm thấy tin tưởng hơn vào tương lai của nền kinh tế.

Như vậy, theo ông, những chỉ tiêu kinh tế Chính phủ đưa ra cho năm 2013 có thực hiện được không?

Chính phủ đã đúng khi đặt ưu tiên quan trọng nhất của năm 2013 vẫn là ổn định vĩ mô đi liền với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng đạt được đồng thời lạm phát dưới 6% và tăng trưởng là 5,5%, hầu như không khả thi.

Chính phủ đã đề ra hai chỉ tiêu chính là tăng trưởng khoảng 5,5% và lạm phát dưới 6%. Cả hai mục tiêu này thực sự đều không dễ đạt được trong năm 2013.

Xét về khả năng điều hành, năm 2013 có nhiều thách thức chính sách hơn so với năm 2012. Bởi vì những khó khăn của nền kinh tế hầu như vẫn còn đó, trong khi ấy, sự ổn định vĩ mô tạm thời trong năm 2012 có thể không còn nữa trong năm 2013. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố mong manh của việc kiềm chế lạm phát trong năm 2013.

Có mấy lý do để lo ngại. Thứ nhất, trong năm 2012, nguyên nhân để lạm phát giảm nhanh và mạnh chính là do giá lương thực thực phẩm giảm mạnh, còn các yếu tố khác không hề giảm, thậm chí còn tăng bình quân hơn 10%. Như thế, chỉ cần giá lương thực – thực phẩm không còn giảm nữa, hoặc tăng trở lại, lạm phát năm 2013 sẽ dễ dàng vượt qua 10%, là mức đe dọa phá vỡ mọi nỗ lực ổn định vĩ mô từ trước tới nay, chứ chưa cần nói tới mục tiêu của năm 2013.

 Thứ hai, vào những ngày cuối năm 2012, chúng ta đã tăng giá điện. Và những ngày đầu tiên của năm 2013, chính sách tiền lương mới cũng có tác dụng, điều ấy phần nào tác động đến mức giá chung.

Thêm vào đó, tỷ giá cũng sẽ là một vấn đề thực sự cần nên lưu ý trong năm 2013. Bởi vì nếu tiếp tục duy trì tỷ giá như hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chết dần chết mòn vì sự lên giá âm thầm của đồng tiền Việt so với đồng đôla Mỹ và nhiều đồng tiền mạnh khác.

Xét về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quan trọng nhất vẫn là hạ được lãi suất một cách bền vững cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cấp mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh. Việc hạ lãi suất liên quan đến hai nhóm giải pháp lớn là chính sách giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tài chính, và tình trạng của thị trường bất động sản. Nhưng các nhóm chính sách liên quan đến hai lĩnh vực này hiện còn rất lửng lơ về cả ý tưởng chính sách lẫn liều lượng. Cuối cùng, nhóm chính sách cải cách hành chính để giảm chi phí cho doanh nghiệp, phiền hà trong kinh doanh sản xuất, giảm bớt hành chính hoá trong điều hành chính sách, cùng với điều chỉnh tỷ giá nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, đều chưa được đặt vào chương trình nghị sự một cách nghiêm túc.

Do đó, Chính phủ đã đúng khi đặt ưu tiên quan trọng nhất của năm 2013 vẫn là ổn định vĩ mô đi liền với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng đạt được đồng thời lạm phát dưới 6% và tăng trưởng là 5,5%, hầu như không khả thi.

THUÝ HẰNG (THỰC HIỆN)