Tìm kiếm
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:13

Coi cái giá phải trả trước mắt là chi phí đầu tư cho lâu dài

09:42:00 05/06/2014

[thesaigontimes.vn - 03/06/2014 - TS. Nguyễn Đức Thành] TBKTSG trao đổi với TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), đặt câu chuyện dự báo tăng trưởng năm 2014 của VEPR trong bối cảnh “cú sốc trong mối quan hệ Việt Nam- Trung Quốc” và những thúc ép thoát ảnh hưởng của Trung Quốc để có sự độc lập về kinh tế.

TBKTSG: Nếu đúng như VEPR dự báo thì trong tình huống xấu nhất, cái giá của “cú sốc” nói trên rất lớn. Dự báo này dựa trên những cơ sở nào và đà tăng trưởng kinh tế nước ta những năm sau sẽ ra sao?

- TS. Nguyễn Đức Thành: Đầu năm, chúng tôi dự báo kinh tế năm nay tăng trưởng khoảng 5,5%. Tuy nhiên, đầu tháng 5 xảy ra sự kiện Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Chúng tôi lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa hai nước, ảnh hưởng đến nhiều công trình và dự án dở dang có liên quan đến các nhà thầu Trung Quốc, gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất. Ngoài ra, môi trường đầu tư bất ổn hơn cũng khiến các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước phải e ngại, có thể dẫn đến tạm dừng chi tiêu, mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì thế, chúng tôi đã ước lượng nhanh những tổn thất và mất mát có thể có, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, và thấy là GDP của chúng ta có thể mất đi khoảng trên dưới 1%, tùy theo mức độ hung hăng và hành động trả đũa bất thường của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tôi tin rằng điều này sẽ không xảy ra trong dài hạn vì Trung Quốc sẽ gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của khu vực và thế giới, cũng như với bản chất “thực dụng", họ không muốn bị thiệt hại khi để tình hình xấu leo thang. Cho nên, dù cho tăng trưởng năm nay có thể thấp hơn bình thường vì cú sốc này, trong năm sau đà tăng trưởng vẫn đi theo hướng cũ.

Báo cáo thường niên năm 2014 mang tên “Những ràng buộc đối với tăng trưởng” do VEPR công bố sáng 29-5 đưa ra hai kịch bản dự báo tăng trưởng GDP. Kịch bản thấp khoảng 4,15%, kịch bản cao hơn cũng chỉ ở mức 4,88%, giảm từ 1,65% đến 0,92% so với mục tiêu tăng trưởng 5,8% mà Quốc hội thông qua cho năm 2014.

Biến số tác động đến dự báo vừa có sự điều chỉnh tức thời để phù hợp với tình hình mới này là “cú sốc trong mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc”.

Cú sốc cũng là cơ hội để chúng ta tự đánh giá lại một cách cụ thể mức độ chúng ta phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Nếu đã suy nghĩ về những rủi ro hiện tại, thì cũng nên suy nghĩ về những rủi ro lâu dài, ngay cả khi sự kiện này đã qua đi.

TBKTSG: Để cái giá này không trở nên vô nghĩa thì tới đây, chính sách kinh tế của ta nên điều chỉnh như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng cú sốc này trên thực tế được truyền tải vào nền kinh tế ở mức độ thật sự là như thế nào, thì đây cũng là lúc chúng ta phải thấy rằng mô hình phát triển kinh tế của chúng ta hiện nay có quá nhiều rủi ro trong dài hạn, trong đó có sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Sự phụ thuộc này không chỉ đơn thuần là câu chuyện thương mại, mà nó bắt nguồn sâu xa từ một nền kinh tế lệ thuộc vào bên ngoài, không có nội lực, không tự sản xuất, cung ứng được những sản phẩm hay nguyên liệu cần thiết nhất. Khi đã như vậy thì tất yếu chúng ta phải nhập khẩu. Trung Quốc là nước vừa gần, thuận tiện thương mại, vừa cung ứng hàng hóa dồi dào, giá rẻ, đáp ứng sức mua yếu của ta.

Nhận thức vấn đề một cách trực quan như lúc này, thấy rõ những rủi ro khi chính quyền Trung Quốc có thể hành động một cách đơn phương, thô bạo, coi thường luật phát quốc tế, coi thường thông lệ và giao thương của thị trường, thì chúng ta phải ý thực thật rõ nhu cầu giảm phụ thuộc vào đất nước này. Mà như vậy thì dứt khoát phải thay đổi từ chính mô hình kinh tế, môi trường kinh doanh... Tóm lại là những cải cách căn cơ từ chính trong nội bộ nền kinh tế và cách thức điều hành.

TBKTSG: Vậy theo ông, đâu là những việc cần làm ngay từ phía cơ quan quản lý nhà nước với tư cách là nơi hoạch định chính sách vĩ mô?

- Chúng ta có thể phải làm ngay một số việc gì đó nhưng tôi nhấn mạnh rằng những việc này thực chất đều có bản chất dài hạn. Vì cái giá phải trả thực sự cho việc thay đổi là rất đắt, là rất đau đớn. Bằng chứng là chúng ta đã hô hào từ rất lâu, đã vạch ra chính sách từ lâu, nhưng đã có thực thi được mấy đâu. Khi kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, tôi đã e ngại là chính sự phục hồi đó lại xóa đi cái quyết tâm cải cách, vốn đang luôn trong tâm thế chần chừ, do dự. Bởi vì chúng ta phải thực sự khó khăn, thực sự bị đẩy dồn vào chân tường mới có sức bật để cải cách thực sự. Ngay cả cú sốc hiện nay, cũng chưa chắc đã đủ mạnh để chúng ta có những thay đổi ngay lập tức nếu như căng thẳng giữa hai nước chưa thực sự bùng lên dẫn đến những khó khăn, thậm chí rối loạn về kinh tế.

Dù gì thì về phần mình cũng cần phải phát triển thị trường nội địa thông qua việc tăng tính cạnh tranh, tăng tính tự do của thị trường, để phát triển sản xuất kinh doanh trong nước. Cùng với nó là sự thúc đẩy các ngành công nghiệp, phụ trợ hoặc sản xuất hàng tiêu dùng. Thêm vào đó, việc điều chỉnh tỷ giá cũng là quan trọng để có sự hạ giá thực sự giá trị đồng Việt Nam để tăng sức cạnh tranh, không phải chỉ đơn thuần là hàng xuất khẩu, mà là cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

TBKTSG: Đâu là hành động của doanh nghiệp, họ cần được hỗ trợ để hành động như thế nào?

- Tôi tin rằng doanh nghiệp cũng sẽ ý thức những rủi ro trong dài hạn đối với Trung Quốc. Các doanh nghiệp nhập khẩu cần nghĩ tới những thị trường khác, với máy móc thiết bị và nguồn nguyên liệu thay thế, có thể giá cả đắt hơn, khai thác ban đầu khó khăn hơn, nhưng chất lượng sẽ cao hơn và về lâu dài ổn định hơn. Như thế lúc đầu có thể phải chịu khó hy sinh đầu tư hơn một chút, nhưng sẽ là cơ hội chuyển đổi lên một mức độ chất lượng cao hơn. Cũng tương tự với hàng xuất khẩu. Chúng ta cần hướng tới những sản phẩm phức tạp, có sức cạnh tranh cao để đi vào được nhiều thị trường hơn, thay vì chỉ Trung Quốc. Các sản phẩm nông nghiệp có thể tìm cách bảo hiểm tốt hơn, tìm kiếm những nhà môi giới có mối quan hệ bao phủ rộng lớn hơn. Việc này giống như một sự trả giá, nhưng tôi tin là nó giống một quá trình đầu tư nhiều hơn, qua đó chúng ta sẽ gặt hái kết quả tốt đẹp hơn về lâu dài.

Tự do hóa, giảm độc quyền, tăng cạnh tranh mới là cách hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Các chính sách trợ cấp hay khuyến khích thực ra không có ảnh hưởng lâu dài, trong khi đó vẫn tốn kém nguồn lực quốc gia.

TBKTSG: Người tiêu dùng có thể là động lực cho sự thay đổi, góp sức tạo ra thay đổi ra sao?

- Hãy thận trọng hơn với thói quen sử dụng hàng Trung Quốc, định hình cách thức tiêu thụ mới. Đó cũng lại giống như một sự đầu tư khi chúng ta thử tìm kiếm, so sánh với những sản phẩm thay thế. Có thể sẽ phải tiết chế hơn, nhưng hãy coi mỗi sự tiết chế nhỏ nhỏ như vậy là việc đóng góp vào quá trình giảm lệ thuộc của chúng ta và con cháu chúng ta vào hàng hóa giá rẻ, chất lượng kém của Trung Quốc. Tất nhiên không cần phải cực đoan, vì hàng hóa của Trung Quốc rẻ và dồi dào vẫn là một sự hỗ trợ lớn với những tầng lớp nghèo nhất, không phải chỉ ở Việt Nam mà là nhiều nơi trên thế giới. Chỉ có điều, cần chọn lọc hơn.

TBKTSG: Ông đánh giá như thế nào về chi phí và lợi ích của quá trình thoát ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế này?

- Chi phí trước mắt thì có khá nhiều, chủ yếu là về chi phí kinh tế, thương mại. Đối với nhiều nhà thầu Việt Nam, đặc biệt các công trình công, tôi thấy không dễ vượt qua những cám dỗ từ phía đối tác Trung Quốc. Nhưng xét cho cùng thì những lợi ích và cám dỗ đó đa phần là ngắn hạn hoặc chỉ mang tính cục bộ, mà không đem lại lợi ích toàn cục. Nếu mỗi người chúng ta có sự cân nhắc, từ hành động nhỏ bé như mua một món đồ chơi hay một cái túi nilong, cho tới hành động lớn hơn như lựa chọn nhà thầu hay thiết bị cho một dự án, thì mỗi chúng ta cũng sẽ đóng góp được gì đó. Xét về tổng thể sẽ là sự thay đổi lớn, dịch chuyển dần dần. Và nếu như vậy, lợi ích là lâu dài, khi mà những cuộc đụng độ hay gây sự từ phía Trung Quốc sẽ chắc chắn còn tái lặp. Cuối cùng, tôi cho rằng nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc, phụ thuộc vào sự quyết tâm thoát khỏi sự phụ thuộc về văn hóa và nếp suy nghĩ.

Mỹ Lệ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image