Chương trình Nghiên cứu Kinh tế học mở rộng thuộc VEPR (Broaden Economics)
15:08:00 01/03/2017
Từ thưở hồng hoang đến nay, con người luôn bằng nhiều hình thức khác nhau, tìm cách cải thiện cuộc sống, đời sống của mình. Các hoạt động mưu sinh theo đó mà từng bước được hình thành và phát triển. Từ săn bắt hái lượm tự nhiên đến khai khẩn đất đai và làm nông nghiệp có quy hoạch, có tổ chức, rồi đến những cuộc cách mạng trong công nghiệp nhằm cải thiện khả năng sản xuất. Trong quá trình này, các quan hệ lao động nảy sinh, con người bắt đầu quan tâm đến việc làm sao để tối đa hóa hiệu quả từ những nguồn lực khan hiếm bằng lao động của con người. “Kinh tế học” được ra đời, được sáng tạo nên trong hoàn cảnh ấy.
Việt Nam – kể từ sau thắng lợi lịch sử 30/04/1975, chúng ta đã dành được độc lập dân tộc từ sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, chính thức kết thúc thời kỳ chiến tranh. Ngay sau đó, chúng ta bước vào “một cuộc chiến mới” mà có lẽ khó khăn và thách thức hơn nhiều nhằm phát triển toàn diện nền kinh tế. Chính từ lúc này, hoạt động “nghiên cứu về khoa học kinh tế” mới bắt đầu được quan tâm hơn bao giờ hết. Các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam từ đây, đã bắt đầu giảng dạy, đào tạo kinh tế học một cách bài bản. Tuy nhiên, với làn sóng hội nhập nhanh và mạnh, có quá nhiều thứ để chúng ta phải quan tâm, ngó nghiêng. Kinh tế học chưa kịp được định hình và có một nền tảng nhất định đã không thể trụ vững trong khoảng quan tâm của sinh viên và người học. Bên cạnh đó là sự thiếu thốn về nguồn sách vở, tài liệu cho việc tìm hiểu, nghiên cứu kinh tế học tại Việt Nam và một phần nữa cũng bởi đây là môn khoa học xã hội tích hợp rất nhiều tầng kiến thức của các môn khoa học khác, như: toán học, sử học, triết học…. Đến thời điểm hiện nay, khi có hàng loạt các trường đại học trên toàn quốc có khoa kinh tế, dạy về kinh tế nhưng về cơ bản, người học không hiểu được bản chất thực sự của môn khoa học này. Với tầm quan trọng của môn khoa học này, thật khó có thể chấp nhận vị thế hiện tại của nó ở Việt Nam hiện nay.
Chính vì lẽ này, Chương trình nghiên cứu Kinh tế học mở rộng thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách được thành lập với mong muốn mang đến một sự rõ ràng, một cách tiếp cận mới của khoa học kinh tế hiện đại đến sinh viên, giảng viên và các cá nhân có quan tâm đến môn khoa học này. Bên cạnh đó, Chương trình cũng mong tạo nên một phong trào tìm hiểu và nghiên cứu khoa học kinh tế sâu rộng trong giới học giả trẻ của Việt Nam.
Với những dự định trong tương lai với hoạt động nghiên cứu khoa học kinh tế, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế học mở rộng hi vọng góp phần tạo ra một xã hội bền vững và phát triển.
Slogan: BROADEN ECONOMICS FOR A BETTER SOCIETY
Văn phòng: Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội – 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Chương trình Nghiên cứu Kinh tế học mở rộng thuộc VEPR (Broaden Economics) là chương trình phi thương mại, phi chính trị, phi lợi nhuận và thuần khoa học nhằm các mục đích sau:
1. Phổ biến kiến thức về khoa học kinh tế đến các đối tượng học tập, giảng dạy và nghiên cứu kinh tế tại Việt Nam.
2. Kết nối các nhóm, tổ chức nghiên cứu tự do nhằm tạo một diễn đàn thảo luận các vấn đề về kinh tế lý thuyết tại Việt Nam.
3. Trở thành cầu nối giữa các học giả trên thế giới với giới nghiên cứu khoa học kinh tế tại Việt Nam.
Lĩnh vực, phạm vi nghiên cứu: Lịch sử các học thuyết, tư tưởng, trường phái kinh tế học vĩ mô.